Hồ miệng núi lửa hình thành do các vụ va chạm với thiên thạch hoặc hoạt động phun trào núi lửa trong quá khứ, cung cấp cho con người cái nhìn vô giá về lịch sử địa chất của Trái Đất. Nằm trên miệng núi lửa ở độ cao 2.300m so với mực nước biển, hồ Kawah Ijen ở Indonesia có màu nước xanh ngọc đặc trưng, quanh năm phủ trong khói trắng.
Hồ axit Kawah Ijen thuộc khu vực núi lửa Ijen, nằm giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi (phía đông đảo Java, Indonesia) sở hữu sắc xanh đẹp tuyệt mỹ, có thể hớp hồn người xem ngay từ những cảnh sắc đầu tiên.
Hồ Kawah Ijen được mệnh danh “cốc axit khổng lồ của tự nhiên”, cùng với các khu vực lân cận hợp thành một quần thể hồ núi lửa rộng tới 45 hecta. Trong hồ chứa tới 36 triệu m3 nước axit, mặt hồ có màu xanh nhưng lúc nào cũng được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc, tạo một cảm giác ngột ngạt.
Lý giải cho hiện tượng độc đáo này, giới khoa học cho rằng lưu huỳnh là yếu tố chủ chốt khiến miệng núi lửa Kawah Ijen có màu sắc đẹp tuyệt đến thế. Các phòng magma bên dưới núi lửa đẩy sulfuric vào lòng hồ, kết hợp với các kim loại hòa tan với nồng độ cao, kết quả là khí gas trong hồ khiến cho màu nước chuyển xanh. Bên cạnh đó, quá trình trên đồng thời làm cho miệng núi lửa Kawah Ijen trở thành hồ có tính axit cao nhất thế giới với độ pH là 0,5.

Vào ban đêm, miệng núi lửa Kawah Ijen thậm chí còn lộng lẫy hơn cả ban ngày với các luồng sáng nhẹ màu xanh, kết quả của các dòng khí lưu huỳnh khi tiếp xúc với không khí.

Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á