Tạo hình mỹ thuật là một trong những thế mạnh của các Kỷ lục gia Việt Nam. Dưới bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, từ những vật dụng như vỏ dừa, thân dừa khô, vỏ trứng gà, gỗ, tre, giấy carton… các Kỷ lục gia đã tạo ra nhiều sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn về sự lớn nhất, to nhất hay nhỏ nhất, nhiều nhất mà còn mang tính nghệ thuật cao, truyền vào các tác phẩm của mình nhiều nội dung ý nghĩa.
Anh Hàn Quốc Định (49 tuổi, ở P.Vĩnh Hải, TP.Nha Trang) sau 18 năm làm việc tại một công ty bao bì ở Nha Trang, tiếp xúc nhiều với những sóng giấy carton. Trong anh xuất hiện nhiều ý nghĩ làm sao để những cuộn giấy vô tri, vô giác ấy thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Và rồi ý tưởng thực hiện cặp lộc bình bằng chính loại nguyên liệu này nhen nhóm trong anh và anh bắt đầu thực hiện chúng...
Cặp lộc bình đầu tiên làm từ chất liệu giấy sóng carton được Kỷ lục gia Hàn Quốc Định thực hiện với kích thước chiều cao 2,05m, đường kính chỗ rộng nhất là 1,91m, nhỏ nhất là 72cm, đường kính miệng bình 31 cm, đường kính đáy 40 cm, phần đế bình cao 61 cm, cổ bình cao 46 cm.
Cặp lộc bình giấy đầu tiên lập kỷ lục
Vật liệu chính của cặp lộc bình này 98% làm từ giấy sóng carton với hoa văn hình rồng thời Lý hết sức sống động. Trọng lượng của mỗi chiếc bình khoảng 40 kg.
Sau khi hoàn tất cặp lộc bình thứ nhất, Kỷ lục gia Hàn Quốc Định tiếp tục thực hiện cặp lộc bình khác để phá kỷ lục do chính mình tạo nên.
Mỗi chiếc lộc bình có kích thước là 2,41m, đường kính nơi rộng nhất là 2,2m, nhỏ nhất là 73cm, nặng trên 60kg. Phần thân lộc bình, một mặt là hình bản đồ Việt Nam với dáng rồng bay lên, chân rồng ôm chặt lấy hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mặt kia là hình ảnh cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa. Phần cổ và chân lộc bình thiết kế hoa sen cách điệu.
Tất cả được làm từ chất liệu giấy sóng carton, sơn nhũ và phụ gia để tạo độ bền và bóng cho tác phẩm.


Họa sĩ Hàn Quốc Định trao cặp lộc bình cho huyện đảo Trường Sa
Bản quyền bài viết thuộc về Kỷ lục Vietkings.