KYLUC.VN / VIETKINGS - Chùa Linh Phước, được quen gọi là chùa Ve Chai, không chỉ nổi tiếng với 16 công trình kỷ lục Phật giáo mà nơi đây còn sở hữu một kiến trúc cung đình hiếm nơi nào sánh được. Các mảng trang trí trên cột, phù điêu và các tượng rồng đều gắn mảnh sành, sứ.

 

Vào thế kỷ 17, những tạo tác từ các mảnh sành sứ trong dân gian đã được đưa vào các công trình của cung đình nhà Nguyễn. Từ đó, loại hình trang trí này ngày càng sinh sôi trong kiến trúc, trở thành một di sản nghệ thuật chung của dân tộc.

Những nghệ nhân dân gian đã dùng mảnh sứ, gốm làm nên những sản phẩm trang trí và ứng dụng vào trong đền, đài, lăng tẩm của các triều nhà Nguyễn. Cuối thế kỷ XIX – đầu TK XX là giai đoạn phát trển đỉnh điểm của nghệ thuật này.

 

Cách thành phố Đà Lạt 8km thuộc vùng Trại Mát, Chùa Linh Phước nổi bật trên một không gian thoáng đãng của vùng núi. Toàn bộ kiến trúc của chùa được tạo hình với những mảnh gốm sứ, mảnh chai, miễng sành của chén, dĩa.

Chánh điện dài 33m, rộng 12m với hai hàng cột rồng khảm mảnh sành dung chứa 12 bức phù điêu khảm miểng chén giới thiệu lịch sử Đức Phật Thích Ca. Màu sắc hài hòa từ phù điêu và nghệ thuật khảm trên mái vòm dưới ánh đèn vàng, tôn vinh thêm sự uy nghi và trang nghiêm nơi Đấng toàn giác ngự trị.

Long Hoa Viên (sân chùa) được bao quanh bởi thân rồng dài 49m che chở tượng Phật Di Lặc. Thân rồng là một công trình được cẩn ốp từ hàng nghìn vỏ chai. Nhiều bề mặt của vô số thân rồng và bề mặt các điện thờ được khảm sành toàn bộ.

Tháp chuông 36m với 7 tầng mái, được công nhận là tháp chuông cao nhất Việt Nam (2008), đều được khảm sành toàn bộ diện tích bên trong và bên ngoài. Ngoài những biểu trưng phổ thông như hoa sen, chữ Vạn, tòa tháp còn thể hiện sinh động những  mẫu chuyện thần thoại, Phật Giáo bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Những bộ tứ quý tùng, mai, trúc, cúc của bốn mùa trong năm tượng trưng cho khí chất của người quân tử cần rèn luyện; hình ảnh Dơi cho ý nghĩa “phúc đáo” (phúc đến),… được cẩn trí, phô bày tinh sảo mọi ngõ ngách của tháp chuông. Đỉnh tháp là nơi đặt tượng Phật Thích Ca đầu tiên của chùa (năm 1949). Toàn thể bên trong và bên ngoài tháp chuông cao 36 m được khảm sành sứ từ nhiều chén dĩa, đặc sắc đến từng chi tiết.

Ba tầng mái của Điện Quán Thế Âm vô cùng rực rỡ và hoành tráng với số lượng rồng và tượng Bồ tát. Cột, mái trần và mọi nơi của điện thờ được trang trí bằng họa tiết rồng và sen được khảm sành, sứ. Toàn thể tạo nêm vẻ uy nghi và lộng lẫy. Điện Quán Âm là nơi đang tôn thờ 324 tượng Bồ tát Quán Thế Âm cùng một đại tượng Quán Âm 17 mét trong chánh điện, được xác lập là lớn nhất Việt Nam.

 

Chùa được khai sơn vào năm 1949, hoàn thành vào năm 1952 và được tiến hành trùng tu toàn bộ vào năm 1990. Đến năm 2019, chùa đã trải qua 5 đời trụ trì. Với kiến trúc đặc sắc, chùa Linh Phước được công nhận là “Ngôi chùa tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất (vượt kỷ lục) vào năm 2010.

Qua gần 10 năm đạt kỷ lục, công trình mang kiến trúc khảm sành sứ của nghệ thuật cung đình này ngày càng được mở rộng về quy mô, hoàn thiện về kiến trúc.

Nội dung, Ảnh: Khang Nguyễn

Thiết kế: Tiểu Chi

Bản quyền thuộc về KYLUC.VN / VIETKINGS