[SỰ KIỆN XÁC LẬP KỶ LỤC THẾ GIỚI] – Đại tiệc Chay lớn nhất thế giới tại Việt Nam

22-11-2020

(KỶ LỤC - VIETKINGS) Với những ý nghĩa tích cực của việc ăn chay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một đại sự kiện ẩm thực mang tên “Đại tiệc chay” để có thể đưa văn hóa ăn chay đến tất cả mọi người.

Ăn chay tập tục tín ngưỡng lâu đời của các nước Á Đông trong đó có Việt Nam và ăn chay ngày càng trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Ăn chay giờ đây không chỉ là hình thức tu tập của những người theo đạo mà đã trở thành một xu hướng ăn uống trong xã hội hiện đại. Chế biến nên một món chay ngon là cả quá trình làm nghệ thuật trong đó có sự kết hợp, đan xen giữa nghệ thuật ẩm thực và nghệ thuật tạo hình để mang lại những món ăn bắt mắt, hấp dẫn. Một món chay ngon không những thanh đạm, tốt cho sức khỏe mà còn phải có hình thức đẹp, bày biện tinh tế. Một mâm cỗ chay thường phải mất gấp đôi thời gian so với nấu cỗ mặn. Người đầu bếp phải bỏ ra nhiều công phu, tỉ mỉ và chu đáo hơn thì mới có mâm cỗ chay hoàn hảo, ngập tràn màu sắc bắt mắt. Tất cả các gia vị và nguyên liệu chay đều thuần thực vật, nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu vitamin, đặc biệt nhóm A, B,…

Ẩm thực chay bao gồm những món ăn được chế biến từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, không có chứa bất kì thành phẩm nào có nguồn gốc động vật. Những nguyên liệu chính thường được các đầu bếp sử dụng trong ẩm thực chay được chia ra làm 5 loại:

+ Những nguyên liệu truyền thống bao gồm các loại rau củ, hoa quả, các loại hạt, ngũ cốc, gạo và những cây họ đậu.

+ Các sản phẩm được chế biến từ đậu nành như đậu phụ hoặc tempeh.

+ Các loại nấm

+ Các nguyên liệu giả thịt (gà chay, bò chay, thịt lợn chay...)

+ Trứng và các sản phẩm bơ sữa từ động vật, thực vật.

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa và là đất nước gắn với nền nông nghiệp lúa nước với các sản phẩm rau màu và nông sản đa dạng, Việt Nam tự hào sở hữu những nguyên liệu tươi ngon nhất để làm nên các món chay đặc sắc từ các sản vật tự nhiên, sẵn có của mỗi vùng miền. Các món chay được chế biến từ rau trái trong vườn, trên đồng ruộng hay hái trên rừng, tất cả đều rất dễ kiếm và rẻ tiền. Cũng chính vì những nguyên liệu có sẵn đó mà món chay đã đồng hành cùng với đời sống người dân Việt tự bao đời nay và đã trở thành một phần tất yếu trong văn hóa ẩm thực Việt.

Lịch sử văn hóa ăn chay của người Việt cũng lâu dài như nền văn hiến Việt Nam, từ thời “đẻ đất, đẻ nước” món chay đã tồn tại trong khẩu phần ăn của người Việt. Đến thời Lý – Trần, ăn chay trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), văn hóa ăn chay càng được mở rộng, cố đô Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo và tục ăn chay trở nên phổ biến trong cả tầng lớp quý tộc với các món chay, cỗ chay khá đặc sắc và cầu kỳ. Hệ thống các món chay đã làm phong phú thêm cho kho tàng ẩm thực Việt Nam rất nhiều và dần trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của nước nhà.

Món chay của Việt Nam có sự kết hợp, đan xen giữa nghệ thuật ẩm thực và nghệ thuật tạo hình, trang trí tinh tế để mang lại những món ăn bắt mắt, hấp dẫn. Món chay của Việt Nam “thuần tự nhiên” vì thế thanh đạm, ngon, rẻ, mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe, đủ dưỡng chất cho người dùng. Đây chính là sự tài tình của người làm nên món chay khi biết kết hợp các thực phẩm và nêm nếm hài hòa các gia vị trân quý từ Mẹ Thiên nhiên. Các nguyên liệu rau củ, trái cây trong ẩm thực chay đa dạng theo mùa cùng các loại gia vị tự nhiên tốt lành trên khắp vùng miền đã góp phần tạo nên sự phong phú cho các món chay Việt với các hương vị khác nhau không nhàm chán, hương vị thơm ngon, tràn ngập sắc màu rực rỡ.

Ăn chay, theo đạo Phật chính là để tránh nghiệp sát sinh cũng như nuôi dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương muôn loài từ đó biết yêu thương, tu dưỡng bản thân mình. Ngày nay, việc ăn chay gần như không còn giới hạn trong tôn giáo mà đã trở thành xu hướng của thời đại với rất nhiều ý nghĩa tích cực:

+ Ăn chay là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống, cầu an lành, tìm kiếm sự bình yên và cũng là tìm cho mình một nơi thích hợp để tịnh tâm suy nghĩ, giải thoát những phiền muộn của cuộc sống hiện đại. Khi tâm tịnh, con người trở lại với cội nguồn của niềm an lạc, hướng đến bản nguyện nguyên thủy, thành tâm hướng thiện, giữ cho mình một tâm hồn thanh tịnh giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt.

+ Ăn chay là một hình thức để cầu an cho gia đình, người thân và cả tổ quốc. 

+ Ăn chay còn là một hình thức hồi hướng công đức để báo hiếu cha mẹ và ông bà.

+ Ăn chay là cách để “dưỡng sinh” giúp bảo vệ, giữ gìn sức khỏe khi ngày càng có nhiều loại bệnh tật, thực phẩm độc hại. Những món chay thường ít cholesterol, phòng ngừa cao huyết áp, ngăn ngừa căn bệnh béo phì và lão hóa,…

+ Ăn chay cũng là một yếu tố góp phần để bảo vệ môi trường sống quanh ta.

+ Ăn chay còn giảm sát sinh, góp phần bảo vệ những loài sinh vật đang dần bị mai một bởi vì chính con người.

+ Ăn chay có thể xem như một sự trải nghiệm và cách thưởng thức một nét ẩm thực đặc biệt, khác biệt hoàn toàn với những món mặn không có lợi cho sức khỏe.

+ Ăn chay còn là để lắng nghe những câu chuyện về Phật, về nhân quả của con người từ đó cảm nhận, chiêm nghiệm lại cuộc đời, chiêm nghiệm chính bản thân mình, để tâm hồn thanh sạch hơn và tìm ra cho mình một con đường đi đúng đắn.

Tất cả những ý nghĩa đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài văn hóa ăn chay. Chính vì vậy, ăn chay đang ngày trở thành xu hướng mới và được rất nhiều người hưởng ứng, áp dụng.

Ngày nay ẩm thực chay phổ biến gần như khắp cả nước, trở thành một nét văn hóa đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Từ những căn bếp gia đình, những quán ăn đường phố cho đến những nhà hàng cao cấp; ẩm thực chay ngày càng được nhiều người đón nhận. Ngay cả trong những bữa tiệc cưới, cỗ chay đã xuất hiện ngày một nhiều, phổ biến rộng rãi và thường xuyên hơn trước với số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Các món chay ngon miệng, đẹp mắt, tốt lành khiến cho văn hóa ăn chay trở nên gần gũi, thân thiện hơn đối với người Việt nhất là những người đến với ăn chay với một sự tò mò. Những bữa cơm chay đã xuất hiện ngày một nhiều trong những bữa cơm của gia đình Việt. Giới trẻ đã tiếp cận với văn hóa ăn chay nhiều hơn, khái niệm ăn chay không còn trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. 

Với những ý nghĩa tích cực của việc ăn chay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một đại sự kiện ẩm thực mang tên “Đại tiệc chay” để có thể đưa văn hóa ăn chay đến tất cả mọi người. Với Đại tiệc chay, ban tổ chức mong muốn có thể lan tỏa những thông điệp tích cực của việc ăn chay và vai trò của ăn chay đối với sức khỏe con người. Sự kiện mong muốn có thể phổ biến những kiến thức cũng như những giá trị về việc sử dụng các nguyên liệu chay thuần tự nhiên tốt cho sức khỏe, giảm thiểu việc sát sinh, từ đó tu tâm, dưỡng tính và nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn. Đại tiệc chay dự kiến tổ chức đồng loạt trên khắp cả nước vào ngày 1 tháng 11 năm 2021 (ngày thuần chay thế giới) và tổ chức thường niên với rất nhiều hoạt động như: đại tiệc chay, xác lập các kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục thế giới về các nội dung liên quan đến việc ăn chay, các hội thảo giới thiệu các loại thực phẩm chay tốt cho sức khỏe và phương pháp ăn chay đúng, các hội chợ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm chay của các công ty có uy tín trong và ngoài nước,… cùng rất nhiều sự kiện khác nữa.

 

 

Đại tiệc chay được thực hiện bởi 111 đầu bếp nổi tiếng của Câu lạc bộ Kỷ lục Bếp Vàng và các bếp trưởng giỏi nhất của các ngôi chùa Kỷ lục trên toàn quốc. Sự kiện sẽ xác lập 21 kỷ lục Việt Nam, 11 Kỷ lục Châu Á và 1 Kỷ lục Thế giới cho đại tiệc chay đầu tiên. Ngoài ra tại sự kiện sẽ có các tiết mục biểu diễn chế biến trực tiếp các món chay ngon thông qua bàn tay tài hoa của những đầu bếp chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam trổ tài sáng tạo với các thương hiệu riêng món chay riêng của địa phương. Sự kiện có sự tham gia của 101 doanh nghiệp, thương hiệu gia vị - thực phẩm xanh – rau củ quả nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.

Với Đại tiệc Chay, ban tổ chức mong muốn đưa các giá trị tích cực của việc ăn chay đến tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội. Ăn chay giờ đây không chỉ là tránh nghiệp sát sinh mà còn vì chính sức khỏe của mỗi người. Để có thể ăn chay một cách khoa học, đủ dinh dưỡng mà vẫn ngon miệng chính là điều mà sự kiện sẽ đem lại cho toàn thể cộng đồng, xã hội. Hãy cùng VietKings làm nên một Đại tiệc Chay có ý nghĩa không chỉ với mỗi cá nhân mà còn mang ý nghĩa đến người dân trong nước và thế giới.


TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM - VIETKINGS