Lễ hội này tồn tại từ khá lâu, được tổ chức tại Jakarta để chào mừng ngày độc lập của đất nước, sau khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Hà Lan ngày 17/8/1945. Nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ trò chơi leo cột mỡ do thực dân Hà Lan sáng tạo ra để phục vụ mục đích thống trị của mình.
Vào ngày diễn ra lễ hội, người ta sẽ cho dựng nhiều cây cột giữa bãi đất trống và trên đỉnh mỗi cây cột đều được treo những phần thưởng giá trị. Tất cả các cây cột đều được bôi trơn bằng mỡ, vì thế để lấy được những phần thưởng treo trên cột đòi hỏi người leo phải có tính kiên nhẫn, kỹ thuật leo trèo. Chính vì cột mỡ trơn nên người chơi không thể tự mình leo được mà phải có sự giúp đỡ của người khác, đó chính là lý do những người đàn ông tham dự phải có đội riêng của mình.
Mỗi đội chơi gồm 4 người leo lên cây cột cao 10 mét được bôi mỡ. Điểm đặc biệt trong cuộc thi này là những người tham dự sẽ dùng chính đồng đồng đội của mình để làm thang nhằm mục đích di chuyển lên cao hơn. Đội hình người leo cột mỡ thường được sắp xếp theo dạng kim tự tháp: người to khỏe nhất ở dưới, người nhỏ và nhanh nhẹn ở trên, cứ thế cho tới khi lấy được phần thưởng trên đỉnh cột.
Các phần thưởng mà họ nhận được trên đỉnh cột là xô, chậu, xe đạp và đồ gia dụng khác. Tuy phần thưởng là các đồ đơn giản nhưng người chơi phải rất công phu mới có thể chiếm được. Ban tổ chức cho biết họ có thêm phần thưởng cho đội nào có thể đứng được trên đỉnh cột và vẫy quốc kỳ Indonesia.
Xung quanh không khí vô cùng náo nhiệt khi phụ nữ và trẻ em hò reo cổ vũ không ngớt. Chính các đội cổ vũ đông đảo đã giúp các đội có thêm sức mạnh để chiến thắng và là một phần không thể thiếu để khuấy động không khí vui nhộn của cuộc thi.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Aseanrecords.world)