[Đề xuất Kỷ lục Việt Nam] Bình Định - Tỉnh có nhiều quần thể tháp Chăm Pa nhất Việt Nam.

06-12-2017

(Kỷ lục - VietKings) Nằm cách Đà Nẵng 300km về hướng Nam, Bình Định ngày nay còn khá nhiều di tích Chăm tiêu biểu là hệ thống đền tháp đồ sộ được xây dựng liên tục trong thời gian từ thế kỉ XI đến XV khi trung tâm chính trị của Champa đặt tại đây.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Định còn lưu giữ 8 quần thể tháp Champa, bao gồm các nhóm tháp: tháp Mẫm, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, tháp Bánh Ít, tháp Thủ Thiện, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm và tháp Đôi.
 
1. Nhóm tháp Mẫm tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn
 
Tháp Mẫm có niên đại khoảng thế kỷ XIII, cùng niên đại với tháp Cánh Tiên. Tháp Mẫm giờ chỉ còn là một gò đất um tùm xoài mít với lởm chởm gạch vụn và đất sỏi.
 
 

 

Tháp Mẫm chỉ còn lại phế tích là gò đất với cây cối um tùm

 

 

 

Những viên gạch đã phủ rêu xanh

 
Tuy nhiên, trong 2 đợt khai quật năm 1934 và 1935 tại gò đồi Tháp Mẫm - Bình Định, nhà khảo cổ học J.Y Clayes đã phát hiện được rất nhiều hiện vật đẹp như rồng, voi-sư tử, chim thần Garuda, tượng và phù điêu các nam thần, nữ thần, vũ nữ...tiêu biểu cho Phong cách Tháp Mẫm. Hiện tại phòng Tháp Mẫm – Bình Định trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ XII – XV.
 
 

 

Phù điêu thần sáng tạo Bharma

 

 

Phù điêu chim thần Garuda

 

 

 

Phù điêu thủy quái Makara

 

Điêu khắc tượng dày và nặng, nhiều chi tiết, được chạm trổ rất chi li. Tượng động vật có nét chung là có xu hướng huyền thoại, hoang đường hóa, phóng đại hơn là hiện thực, trở thành các trang trí kiến trúc rất đẹp. Các tượng chim thần garuda trang trí góc tháp với hai tay đưa cao cho thấy ảnh hưởng của nghệ thuật Angkor.
 
2. Nhóm tháp Cánh Tiên tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn
 
 

 

Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi tháp Đồng, có niên đại thế kỷ XII – XIII, là một trong những nhóm tháp có hiện trạng còn khá nguyên vẹn. Tháp Cánh Tiên thuộc nhóm những cụm tháp ít thấy trong lịch sử kiến trúc Chăm Pa vì khu đền chỉ có một tháp đơn lẻ. Song  về hình dáng, cấu trúc của tháp Cánh Tiên lại không hề khác với các ngôi tháp vuông nhiều tầng. Tháp được xây bằng gạch loại lớn của Chăm Pa, có chiều cao gần 20 mét.
 
3. Nhóm tháp Phú Lốc tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn 
 
 

 

Tháp Phú Lốc còn có tên gọi là tháp Thốc Lốc, tháp Phốc Lốc hay tháp Vàng, được xây dựng vào đầu thế kỷ XIII. Đây là một ngôi tháp thuộc phong cách Bình Định, nhưng đồng thời phong cách kiến trúc có ảnh hưởng một phần từ kiến trúc Angkor của người Khmer.
 
Các cột ốp, đặc biệt là các cột ốp ở góc, các ô dọc giữa các cột ốp nhô mạnh ra và hoàn toàn để trơn. Các cửa giả đều có ba thân và ba tầng như ở các tháp Cánh Tiên và tháp Thủ Thiện. Phần trên các tầng của các cửa giả là vòm cung nhọn khá dài trong như hình mũi giáo, cả hai tầng còn lại phía trên của tháp đều cùng lặp lại kiểu dáng và bố cục của phần thân.
 
Điểm mới của tháp Phú Lốc cũng như các tháp Chăm mang phong cách Bình Định là dùng đá để làm các bộ phận trang trí kiến trúc - một trong những ảnh hưởng của Khmer. Ở tháp Phú Lốc, đá được dùng làm các hình áp chân các cột ốp, làm diềm mái cho thân và các tầng của tháp. Kiến trúc tháp Phú Lốc có nhiều điêu khắc đá, theo nghiên cứu thì tháp thờ thần Siva.
 
Tháp Phú Lốc được xây dựng trên một đỉnh đồi, so với mặt nước biển thì đỉnh đồi này có độ cao là 76 m. Đồi của tháp Phú Lốc cao hơn tất cả các đồi có tháp ở Bình Định, vì thế tháp Phú Lốc nổi bật lên giữa vùng đồng bằng tỉnh Bình Định như một ngọn hải đăng khổng lồ.
 
Ngôi tháp này hiện đã bị hư hại nặng, tầng nền bằng đá cao và cả phần nền sảnh ở phía đông đã bị đổ nát hết, tuy nhiên phần tháp chính vẫn hiện rõ.
 
4. Nhóm tháp Bánh Ít tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước
 
 

 

Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc, có niên đại thế kỷ XI – XII. Kiến trúc tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định. Cụm tháp Bánh Ít có tháp chính, tháp mái và tháp cổng. Đường lên cụm tháp ở phía đông mà bắt đầu là tháp cổng, đằng sau tháp cổng là các tầng, các lớp những phế tích đổ nát, chếch về hướng đông nam có một tháp gạch lớn như tháp cổng. Tháp cổng và tháp đông nam này là hai kiến trúc hiện còn ở vòng ngoài hay tầng ngoài cùng của khu tháp Bánh Ít.
 
Ngay đằng sau tháp cổng, trên nền tầng thứ nhất hiện còn dấu tích của một toà nhà chạy dọc theo hướng đông tây và đối diện với ngọn tháp chính bên trên.
 
Sau toà nhà dài là một lối tam cấp rất dốc dẫn lên tầng kiến trúc bên trên và tới một con đường đi thẳng tới ngôi tháp chính, hiện nay ở tầng trên cùng của quả đồi chỉ còn lại hai kiến trúc gạch đó là tháp thờ trung tâm và toà tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam. Bao quanh khu kiến trúc trên cùng này là một vòng đai đường mà giờ chỉ còn lại dấu tích của những ổ gạch.
 
Nếu đem từng kiến trúc ra để so sánh thì từng ngôi tháp của Bánh Ít không phải là lớn, nhưng khu tháp Bánh Ít là các lớp kiến trúc, là cả quả đồi tự nhiên cao gần 100 mét, vì thế tổng thể kiến trúc Bánh Ít khá đồ sộ và hùng vĩ.
 
Ngôi tháp chính có vẻ đường bệ và hoành tráng của các kiến trúc: các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các của vòm và của giả hình mũi lao nhọn đồ sộ, có những nét thanh tú của đường nét, những nét hoa là trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem.
 
Sang ngôi tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam tháp chính, gồm những hình người, hình thú, hình chim ở dưới chân tháp đang ưỡn người, khuỳnh chân, dùng hai tay như nâng bổng cả toà tháp lên, mái tháp cong hình yên ngựa như xoè cánh bay, trên mặt tường của kiến trúc, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá.
 
Xuống tầng kiến trúc phía dưới, tháp cổng có hình dáng và cấu trúc giống như tháp chính, nhưng nhỏ hơn, ít các chi tiết trang trí hơn, còn ngôi tháp đông nam có những hình quả bầu lọ trên các tầng với các khối cong nhịp nhàng đã che khuất và làm mềm đi những đường nét và hình khối kỷ hà cứng cỏi, khô khan và nhờ vậy toà kiến trúc dịu hơn, có nhịp điệu hơn
 
Mặc dù mỗi kiến trúc ở Bánh Ít có một dáng vẻ riêng, nhưng tất cả chúng đều có những nét chung, đặc trung cho cả quần thể, đó là sự thắng thế của tính hoành tráng và ngôn ngữ của khối lớn.
 
5. Nhóm tháp Thủ Thiện tại xã Bình nghi, huyện Tây Sơn 
 
 

 

Tháp Thủ Thiện lcó niên đại thế kỷ XII – XIII. Không như một số cụm tháp Chăm Pa khác, tháp Thủ Thiện là di tích chỉ có một ngôi tháp. Trước năm 1985, trên đỉnh tháp Thủ Thiện bị một cây đa đồ sộ mọc trên đỉnh tháp phủ kín, vào những năm 1980 cả ngôi tháp Thủ Thiệm như biến thành một gốc cây đa cổ thụ, không ai dám chặt cây đa này vì cả tháp và cây đều như đã trở thành linh thiêng, điều cũng tương tự với các tháp khác có cây mọc ở trên.
 
Tuy nhiên trận bão năm 1985 đổ bộ vào tỉnh Bình Định đã thổi bay cây đa khổng lồ khỏi đỉnh tháp, nhưng rất kỳ lạ là cây đa đổ xuống mà không hề làm hư hại lớn cho tòa tháp cổ này.
 
Như các ngôi tháp Chăm truyền thống khác, tháp Thủ Thiệm là một kiến trúc tháp tầng vuông gồm thân và ba tầng phía trên mô phỏng thân tháp nhưng nhỏ hơn. Trên các mặt tường phía ngoài của thân và các tầng tháp được tô điểm bằng các hình tháp nhỏ, đầu cùng các cột ốp góc tường có những hình điêu khắc đá nhô ra.
 
Các cửa giả ở giữa ba mặt tường tây, nam, bắc và cửa ra vào phía đông đều có hình cung nhọn lớn như mũi giáo khổng lồ phía trên, đầu các cột ốp hợp thành bộ diềm mái nhô ra mạnh, các tháp nhỏ ở góc các tầng mái không còn là một ngôi tháp thu nhỏ nữa mà biến thành một khố hình chóp nhiều tầng.
 
 
6. Nhóm tháp Dương Long tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn 
 
 

 

Tháp Dương Long là cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định, có niên đại thế kỷ XII – XIII. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 39 mét, hai tháp bên cao 32 mét. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó (cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp. Dương Long nằm bên cạnh một khu thành dân sự - thành Phú Phong, mặc dù đã trở thành phế tích. Ngoài các tháp, trong khu vực chính dường như còn có một tòa nhà dài ở phía nam mà nay chỉ còn là một đống gạch vụn.
 
Tháp đã nhiều lần bị phá hoại bởi những nhóm người đi tìm vàng, một số hộ dân quanh đấy cũng đã lấy gạch của tháp về xây nhà trong quá khứ.
 
7. Nhóm tháp Bình Lâm tại xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước
 
 

 

Tháp Bình Lâm có niên đại thế kỷ XII. Đây là một ngôi tháp tương đối đặc biệt ở Bình Định, vì khác với các tháp khác nằm trên đồi thì tháp Bình Lâm nằm ngay trên đồng bằng và như hoà mình vào thiên nhiên và khu dân cư bao quanh.
 
Tháp cao đồ sộ, khoảng 20m, tuy đã bị huỷ hoại các chi tiết phía trên khá nhiều bởi thời gian, nhưng tổng thể ngôi tháp vẫn ánh lên qua màu gạch vàng một vẻ đẹp trang nhã và thành kính. Tháp có 3 tầng, bình đồ vuông, thân tháp không lùn, không nặng nề, cân đối với hai tấng phía trên. Hai tầng phía trên cũng được thu nhỏ dần một cách đều đặn. Các cửa giả nhô ra ở khoảng giữa các mặt tường của thân tháp. Mỗi cửa giả là một cấu trúc ba thân kế tiếp nhau nhỏ dần từ trong ra ngoài. Mỗi thân đều có hai phần: hai cột ốp bên dưới và hòm hình mũi giáo bên trên. Cả ba thân cửa cửa giả đều như mọc lên từ một nền vuông chung phía dưới được trang trí bằng các hình sư tử, hoa lá và các hình áp.
 
Mặt tường bên ngoài của tháp Bình Lâm cũng được trang trí bằng hệ thống các cột ốp, nhưng có điểm khác biệt là đường rãnh ở cột ốp không tách cột ốp thành một đôi cột đứng song đôi, không còn hoa văn phủ kín bề mặt cột ốp và vòng đai bao quanh khung trang trí nằm giữa các cột ốp.
 
Tháp Bình Lâm thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định. Theo nghiên cứu, tháp Bình Lâm nằm trong khu thành Bình Lâm là kinh đô đầu tiên tạm thời khi các vị vua Chăm dời đô từ Quảng Nam vào Bình Định trước khi xây dựng kinh đô Đồ Bàn, khi thành Đồ Bàn được xây dựng thì Bình Lâm mất vị trí là trung tâm chính trị, hành chính của Chăm Pa.
 
8. Nhóm tháp Đôi tại thành phố Quy Nhơn
 
 

 

Tháp Đôi hay còn có tên là Tháp Hưng Thạnh có niên đại  thế kỷ XII, là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau hiện nằm ở phường Đống Đa,thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
 
Tháp được các chuyên gia trùng tu lại vào những năm 1990, đã trả lại cho ngôi tháp hình dáng gần như xưa. Cả hai ngôi tháp nằm trên khu đất bằng phẳng dưới chân một quả đồi và đều quay mặt về hướng nam, tuy có cùng hình dáng và cấu trúc là thân hình khối vuông và mái hình tháp mặt cong nhưng ngôi tháp phía bắc cao hơn tháp phía nam.
 
Cả hai ngôi tháp ở Tháp Đôi đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm Pa mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối than vuông vức, và phần đỉnh hình tháp mặt cong, vì vậy nhìn qua các ngôi tháp Đôi có dáng vẻ của những đền thờ Khmer thời Angkor Vat. Theo các nhà nghiên cứu những hình chim thần Garuda bằng đá với hai tay đưa cao, trang trí các góc tháp, là những sản phẩm chịu ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật Khmer thế kỷ 12-13, thế nhưng toàn bộ phần dưới và phần thân của tháp Hưng Thạnh vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc và kiểu trang trí đặc trưng của những ngôi tháp Chăm truyền thống. Khối thân hình vuông, mặt tường bên ngoài được trang trí bằng cửa giả, các cột ốp và các mặt nổi nằm ở giữa các cột ốp. Vòm bên trên các cửa giả vút cao lên thành những mũi lao, các cột ốp trơn nhẵn.
 
Ngôi tháp phía bắc, toàn bộ chân tường của tháp được bó bằng những tảng đá cát lớn thể hiện một đài sen khổng lồ đỡ toàn bộ tháp, giữa các cánh sen là những hình voi, sư tử và những hình người múa, như các tháp Chăm truyền thống khác, đầu tường phía trên tháp Bắc cũng nhô ra để tạo thành bộ diềm mái lớn, thế nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer, bộ diềm của tháp được làm bằng đá và được trang trí bằng hình các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử, đầu voi và những hình người ngồi có sáu và tám tay. Bốn góc của bộ diềm mái là bốn thần điểu Garuda bằng đá khổng lồ được tạc theo mô hình và phong cách nghệ thuật Khmer thời Angkor Vat.
 
Ở ngôi tháp phía nam, mặc dù bị hư hại nhiều hơn so với tháp bắc, nhưng một vài tảng đá nằm tại chỗ đã chứng tỏ xưa kia ngôi tháp nam cũng có hệ thống chân tường bằng đá tương tự tháp bắc, dù bị hư hại nhiều hơn song các vòm cửa giả, các hình trang trí trên các tầng trên đỉnh hình tháp cũng tương tự như tháp bắc.
Tháp Đôi có sự giao lưu thường xuyên giữa Chăm Pa và vương quốc Khmer nên các nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Angkor có ảnh hưởng ít nhiều vào kiến trúc điêu khắc của tháp.
 
Không chỉ là những công trình nghệ thuật đọc đáo, những tháp Champa còn lại ở Việt Nam hiện nay chính là những dấu tích giúp việc nghiên cứu lịch sử phát triển đất nước dễ dàng hơn, cụ thể hơn. Chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của nhóm tháp Champa tại tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chúng là một hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh tinh thần sáng tạo, công sức lao động con người thời cổ xưa.

Ngọc Châu - Kyluc.vn (Tổng hợp thông tin)