Có thể trước đây khoảng chục năm chúng ta sẽ nghe nói đó là tỉnh Đăk Lắk. Nhưng từ năm 2003 khi Đăk Lắk tách ra thành 2 tỉnh là Đăk Lắk và Đăk Nông thì danh hiệu tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam hiện nay thuộc về tỉnh Nghệ An.
![]()
Thành phố Vinh
Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời nhà Lý, đời vua Lý Thái Tông. Lúc đó gọi là Nghệ An châu trại, sau đổi thành trại Nghệ An, rồi Nghệ An phủ, Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ). Năm 1831, thời vua Minh Mệnh, xứ Nghệ bị tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh và đến năm 1991 lại tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay. Hiện trung tâm Nghệ An là thành phố Vinh với 3 thị xã Cửa Lò, Thái Hòa, Hoàng Mai và 17 huyện.
![]()
Quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh
Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, với diện tích 16.490,25 km2. Phía Bắc, Nghệ An giáp tỉnh Thanh Hóa; phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía Tây giáp Lào với 419 km đường biên giới trên bộ; phía Đông là bờ biển dài 82 km với các bãi tắm đẹp, nổi tiếng nhất là Cửa Lò.
Bản đồ tỉnh Nghệ An với diện tích lớn phủ khắp vùng Bắc Trung bộ.
Nghệ An hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông huyết mạch, với 91 km quốc lộ 1A chạy qua; đường Hồ Chí Minh (chạy song song với quốc lộ 1A dài 132 km); quốc lộ 15 ở phía Tây dài 149 km chạy xuyên suốt tỉnh... Tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km, có sân bay quốc tế Vinh.
Địa hình chủ yếu của Nghệ An là đồi núi chiếm 83% diện tích. Nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, Nghệ An có địa hình đa dạng, bị chia cắt bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối. Địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Trên 38% diện tích đất của tỉnh có độ dốc lớn hơn 25%. Hệ thống sông ngòi có độ dốc lớn, với 117 thác nước lớn, nhỏ.
Nơi cao nhất là đỉnh Pulaileng (2.711 m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai có nơi chỉ cao 0,2 m so với mặt nước biển (xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu).
Nghệ An sở hữu khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào tháng 9/2007, có diện tích lớn nhất Đông Nam Á với 1.303.285 ha, thuộc 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn. Trong đó có 3 vùng cốt lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
![]()
Vườn quốc gia Pù Mát
Ở Nghệ An, dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ An nổi tiếng bởi những đặc sản như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, lươn xứ Nghệ, bánh đa Đô Lương. Đặc biệt, giống cam Vinh tiến vua nổi tiếng là cam Xã Đoài, trồng chủ yếu tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc.
Nghệ An được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân, chí sĩ yêu nước, tiêu biểu là Mai Thúc Loan, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Phùng Chí Kiên...