[Điểm Tin Kỷ Lục Thế Giới] Viện Kỷ Lục Châu Phi (P.8) - Đề Xuất Kỷ Lục - Đại bảo tàng Ai Cập Grand Egyptian Museum (Ai Cập): Bảo tàng khảo cổ lớn nhất thế giới

29-10-2019

(Kyluc.vn - Worldkings.org) Đại bảo tàng Ai Cập Grand Egyptian Museum là bảo tàng khảo cổ lớn nhât thế giới.

Đại bảo tàng Ai Cập (Grand Egyptian Museum), hay còn được gọi là Bảo tàng Giza, là một bảo tàng được lên kế hoạch xây dựng để trưng bày các hiện vật của Ai Cập cổ đại. Được mô tả là bảo tàng khảo cổ học lớn nhất trên thế giới, công trình xây dựng bảo tàng bắt đầu vào ngày 12 tháng 3, 2012 và dự kiến sẽ chính thức khánh thành vào năm 2020, bảo tàng sẽ trưng bày bộ sưu tập đầy đủ của vị vua pharaon Tutankhamun với các cổ vật lần đầu tiên được đưa vào khu triển lãm của bảo tàng.

Bảo tàng nằm trên vùng đất có diện tích 500.000 mét vuông, cách xa Kim tự tháp Giza khoảng 2 km. Bảo tàng thuộc một phần của kế hoạch xây dựng tổng thể mới cho vùng cao nguyên.

Thiết kế của tòa bảo tàng được phê duyệt thông qua một cuộc thi tuyển kiến trúc. Theo kế hoạch, tòa bảo tàng được xây dựng theo hình dáng của một tam giác vát cạnh. Bảo tàng nằm cách các toà kim tự tháp xung quanh 2 ki-lô-mét về phía Tây, và nằm gần nút giao đường cao tốc. Các bức tường ở phía bắc và nam của tòa bảo tàng nằm ngay hàng với Kim tự tháp Kê ốp và Menkaure. Ở phía trước bảo tàng là khu quảng trường rộng lớn, bao xung quanh là các cây chà là.

Một trong những đặc tính nổi bật của bảo tàng là bức tường đá thạch cao có tính thấu quang được đặt trước mặt tiền của bảo tàng. Cấu trúc bên trong cánh cửa chính của bảo tàng là khu sảnh rộng lớn, nơi các bức tượng khổng lồ được trưng bày. 

Bảo tàng sắp tới đây sẽ được thiết kế theo công nghệ tiên tiến nhất, trong đó phải kể đến là công nghệ thực tế ảo. Bảo tàng cũng sẽ xây dựng một khu trung tâm giao lưu quốc tế giữa các bảo tàng với nhau, đây sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh đến rộng rãi các khu bảo tàng địa phương và quốc tế. Ngoài ra, Đại bảo tàng Ai Cập còn dự tính xây dựng khu bảo tàng dành cho trẻ em, khu trung tâm hội nghị, khu đào tạo, và các hội thảo liên quan đến các di tích nơi vị vua Pharaon từng sinh sống.

Theo Liên minh Kỷ lục Thế Giới (Worldkings.org)

 

 


Kiến Trung (biên dịch) (nguồn ảnh: internet)