[Đề xuất Kỷ lục Việt Nam] Thủ đô Hà Nội - Nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất trong cả nước

20-12-2017

(Kỷ lục – VietKings) Là một trong hai thành phố lớn nhất nước, thủ đô Hà nội còn rất nổi tiếng với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của những làng nghề truyền thống.

1. Làng gốm Bát Tràng
 
Làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 14km, nổi tiếng với nghề làm gốm, đã có thương hiệu từ 500 năm nay. Ở đây, những bình hoa, chậu gốm được trưng bày khắp ngõ ngách trong làng. Các cửa hàng san sát, bày biện vô số những món đồ gốm khác nhau từ đồ gia dụng như chén bát, bình vại, lọ hoa cho đến các bức tranh treo tường, chuông gió và vòng cổ… hay những sản phẩm với chủ đề dân gian như lão nông, con trâu, Thị Nở – Chí Phèo từ tượng to cho đến tượng nhỏ, sống động như thật.
 
 

 

2. Làng gốm Giang Cao
 
Làng gốm Giang Cao nổi tiếng từ bao đời với nhiều thợ giỏi, nghệ nhân tài hoa mang đến những sản phẩm gốm sứ nghệ thuật nổi tiểng không chỉ trong nước mà còn trên toàn quốc tế. Làng Giang Cao tuy có nghề gốm muộn hơn, nhưng đội ngũ nghệ nhân trẻ tay nghề cao và đầy tâm huyết với nghề, họ luôn khát khao làm ra những sản phẩm gốm sứ đẹp cho mọi người .
Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Những dòng sản phẩm chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp. Một số người phát triển hướng làm gốm sứ theo dòng mỹ thuật cao cấp, có người theo dòng sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh...
 
3. Gốm Kim Lan
 
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Nam, nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Kim Lan thuộc địa phận huyện Gia Lâm. Phía Bắc giáp với làng cổ Bát Tràng, phía Tây giáp với quận Hoàng Mai.
 
Theo các nhà khảo cổ học và tài liệu lịch sử, làng Kim Lan hình thành từ thế kỷ thứ IX, nghề gốm bắt đầu khởi phát và phát triển qua nhiều thế hệ ở nơi đây. Kim Lan được biết tới như là cái nôi của nghề gốm sứ tại vùng Đồng bằng Bắc bộ. Các sản phẩm chính của làng thường là bình, vại gốm, chậu cảnh, lư hương; rồi chén, bát, ống đựng tăm… từ bình dân đến cao cấp. Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hằng ngày, nghệ nhân Kim Lan còn làm ra những sản phẩm có giá trị như: Độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, con giống... với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn.
 
4. Làng lụa Vạn Phúc
 
Làng lụa Hà Đông hay còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Từ đầu làng đi vào, dọc hai bên đường là những gian hàng lụa san sát với đủ các thể loại quần áo, túi xách, vải kiện bằng tơ tằm như vân, sa, quế, lụa sa tanh hoa, đũi… đủ màu sắc, hoa văn bắt mắt. Mỗi khâu sản xuất lụa ở đây đều phải tiến hành theo những quy định khá nghiêm ngặt.
 
 

 

5. Làng mây tre đan Phú Vinh
 
Làng nghề Phú Vinh ở Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội, nổi tiếng với nghề mây tre đan có từ khoảng thế kỷ 17. Hầu như nhà nào trong làng cũng làm nghề mây tre đan, từ các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, túi xách, khay, lọ hoa… cho đến những bức tranh đan bằng mây, bàn ghế, giường, tủ, khung ảnh… Cách đan truyền thống này gọi là đan nong mốt, nong đôi, nong ba, người dân nơi đây đã khéo léo kết hợp các nan lên xuống khác nhau tạo các hình thù, hình dáng đẹp mắt.
 
 

 

6. Làng tre trúc Thu Thủy
 
Thu Hồng là địa danh làng nghề tre trúc truyền thống nổi tiếng, tên tự là thôn Thu Thủy, thuộc xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nghề tre trúc Thu Hồng tồn tại hơn 300 năm. Sản phẩm của làng tre trúc Thu Hồng chắc, giản dị, nhưng đẹp, như: nhà tre, trường kỷ, giường tre, rổ rá,… Để tạo được một sản phẩm tre trúc hoàn hảo, người thợ rất khéo léo, có con mắt thẩm mĩ. Công đoạn tìm nguyên liệu phù hợp cũng rất công phu. Muốn tìm tre đẹp, người ta phải mua ở Hải Dương, Bắc Kạn, hay vào các làng mua tre bối chặt về, tận dụng cả cây làm những sản phẩm khác nhau. Làng sống bằng nghề, phụ nữ cũng làm nghề. Bởi vậy, cái tên Thu Hồng đã nổi tiếng, sánh ngang với gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Vì thế, nơi đây vẫn lưu truyền câu ca: “Gỗ thợ Me, tre thợ Hồng.”
 
7. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
 
Làng Thạch Xá nằm dưới chân núi Tây Phương xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đến làng chuồn chuồn, mọi người sẽ bị choáng ngợp trước màu sắc bắt mắt, cùng với kiểu dáng to nhỏ khác nhau của những chú chuồn chuồn tre xinh xắn và điều đặc biệt là nó có thể đứng cân bằng được bằng đầu mỏ.
 
 

 

8. Làng đúc đồng Ngũ Xá
 
Làng đúc đồng Ngũ Xã thuộc phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội. Nguồn gốc của làng bắt nguồn từ thế kỷ 17. Nghề đúc đồng thời ấy được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Những năm cuối thế kỷ 20, làng Ngũ Xã đúc đồng bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống bị thu hẹp thay vào đó là khu phố mới với nhiều dịch vụ ẩm thực nổi tiếng. Hiện nay, các bạn có thể tham quan các sản phẩm đúc đồng tinh xảo của nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xá tại địa chỉ: 178 Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội.
 
 

 

9. Làng kim hoàn Định Công
 
Làng kim hoàn Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) là một trong 4 làng nghề kim hoàn truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý. Trải qua những năm tháng thăng trầm, hầu hết những nghề này đã mai một. Nghề kim hoàn, ở Định Công vẫn còn hai nghệ nhân là ông Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu. Họ vẫn duy trì mở lớp đào tạo tại nhà cho những thanh niên nhiều nơi về học. 
 
 

 

10. Làng nghề dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ
 
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, có lịch sử trên 400 năm do danh nhân tổ nghề Nguyễn Quý Trị chế ra và truyền dạy.  Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề của mình đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp. Hàng năm, vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, làng mở hội nghề khai xuân và tế lễ tổ nghề. Hiện nay, cả làng có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc t��ợng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài… đều là những bạn hàng của làng Kiêu Kỵ.
 
 

 

11. Làng nón Chuông 
 
Làng Chuông nằm bên dòng sông Đáy, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 30km. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nón làng Chuông còn là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa… Hiện nay, làng Chuông vẫn còn giữ được phiên chợ nón họp 6 phiên/tháng vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.
 
 

 

12. Làng quạt Chàng Sơn
 
Quạt Chàng Sơn là sản phẩm có tiếng tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghề làm quạt ở đây có từ cách đây hơn trăm năm. Ngay từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã được người Pháp đem đi triển lãm tại thủ đô Paris. Đặt chân đến làng Chàng Sơn, mọi người sẽ thấy cảnh tấp nập sản xuất, buôn bán các mặt hàng quạt giấy như hầu hết những làng nghề quạt giấy khác, không khí làm quạt nhộn nhịp, những chiếc quạt đầy màu sắc, với đủ loại chất liệu, từ quạt giấy, quạt lụa, đến quạt tre… Từ những nguyên liệu cơ bản như tre, giấy, vải… người dân nơi đây đã biết cách sáng tạo để tạo ra những chiếc quạt độc đáo để làm quà, để trang trí…
 
 

 

13. Làng rối nước Đào Thục
 
Làng Đào Thục hay phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay. Đến làng Đào Thục, mọi người không chỉ được thưởng thức các tiết mục múa rối đặc sắc, những làn điệu dân ca mượt mà còn được dẫn đi tham quan tìm hiểu lịch sử hình thành của nghề mùa rối nước, theo văn bia ở đình làng có ghi rằng ông tổ nghề múa rối nước ở đây là ông Nguyễn Đăng Vinh làm chức Nội giám thời nhà Lê (1735 – 1940). Sau khi trở về làng, ông đã truyền dạy lại cho con cháu ba nghề: Dệt vải, làm mộc và múa rối nước. Đến nay, làng Đào Thục chỉ còn gìn giữ và phát triển được nghề múa rối nước.
 
 

 

14. Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá
 
Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu… Trước đây làng Đào Xá, có rất nhiều hộ gia đình làm nghề này, nhưng giờ đây thì còn lại ít lắm.
 
 

 

15. Làng nghề thêu ren Quất Động
 
Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nghề thêu Quất Động có khoảng gần 400 năm, từ giữa thế kỷ XVII, do Lê Công Hành truyền dạy nghề. Các công đoạn thêu từ vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu đều được thực hiện rất tỉ mỉ. Những người thợ ở đây thao tác cực kì khéo léo và điêu luyện.
 
 

 

16. Làng nghề may truyền thống Cổ Nhuế
 
Cổ Nhuế là một xã của huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội. Làng nghề may Cổ Nhuế có từ lâu đời. Khoảng năm 1920 do sản xuất nông nghiệp bị sút kém nên người dân Cổ Nhuế phải tìm thêm nghề để sinh sống, trong đó có nghề may. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng: quần áo mùa hè, mùa đông của cả người lớn và trẻ em. Nguồn nguyên liệu là vải được nhập khẩu từ Trung Quốc. Công nghệ sản xuất bằng máy may công nghiệp. Nhân lực lao động chủ yếu là sử dụng lao động phổ thông, tự đào tạo. Hiện nay, mặc dù làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ, thiếu vốn, nhiều lao động chưa qua đào tạo, mặt bằng sản xuất không đều, nhưng cũng đã tạo việc làm cho khoảng 7000 lao động, thu nhập ổn định và cũng ký kết được một số hợp đồng xuất khẩu nước ngoài. Ngoài sản xuất theo hộ gia đình, nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập nhận gia công cho các xí nghiệp, thậm chí họ còn nhận gia công cho những hộ sản xuất nhỏ theo thời vụ.
 
 

 

17. Chè lam Thạch Xá
 
Nghề làm chè lam ở Thạch Xá có từ lâu đời. Chè lam được tiêu thụ nhiều nhất là vào dịp tết và lễ hội, thị trường tiêu thụ khắp trong nước, trong đó nhiều nhất là tại địa bàn huyện, các huyện lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai..), và các tỉnh bạn như: tỉnh Phú Thọ ( Đền Hùng), Quảng Ninh (Chùa Yên Tử). Làng nghề làm chè lam Thạch Xá đã tồn tại qua bao thăng trầm, lớp trẻ hôm nay tiếp nối những bí quyết của lớp người đi trước để tiếp tục đưa sản phẩm chè lam Thạch Xá đi khắp trong và ngoài nước. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thạch Xá nói riêng mà còn là niềm tự hào người dân huyện Thạch Thất nói chung.
 
 

 

18. Làng Lồng Chim Canh Hoạch
 
Làng Vác là tên dân gian của làng Canh Hoạch nổi tiếng v��i nghề truyền thống làm quạt, làm nón, làm lồng chim... Lồng chim làng Vác không chỉ cung cấp cho Hà Nội mà còn đưa vào trong Nam, thậm chí sang nước ngoài. Nhiều người yêu chim còn tìm về tận làng đặt lồng với giá hàng chục triệu đồng.
 
 

 

19. Làng sơn mài Hạ Thái
 
Làng nằm ở xã Hạ Thái - Duyên Thái - Thường Tín- Hà Nội. Làng làm tranh sơn mài Hạ Thái ngày nay đã có tiếng với tranh, với những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng như lọ hoa, bát, đĩa, đũa và những vật dụng trang trí trên tường, hành lang... Sơn mài của Việt Nam đã đi ra thế giới, do tranh được làm rất kỹ, hướng tới chất lượng, hướng về thiên nhiên đồng quê Việt Nam.
 
 

 

20. Làng điêu khắc Dư Dụ
 
Làng nằm ở xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 23km về phía nam. Sản phẩm chính là những hình tượng Phật Di Lạc, tượng tiên nữ, tượng phù điêu, những biểu tượng mang lại sự yên ấm, thanh bình, chút ngộ nghĩnh đáng yêu của những bức tượng con giống với những đường nét chạm khắc thật công phu, tỉ mỉ và có cả cái hồn được thổi vào từ bàn tay tài hoa của người thợ điêu khắc. Đó là những sản phẩm làm nên sự hấp dẫn của điểm du lịch làng nghề Dư Dụ.
 
 

 

21. Làng nghề truyền thống thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang
 
Ninh Hiệp là vùng đất cổ của huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội có làng thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang vào diện cổ nhất của đất Thăng Long và đang trở thành nơi tái chế, trung chuyển thuốc thuộc diện lớn nhất cả nước. Lịch sử của làng thuốc này tương đương với lịch sử hình thành của thành Thăng Long, khoảng 1.000 năm trước, nhưng đến nay mới được thành phố Hà Nội chính thức công nhận làng nghề. Những người làm thuốc ở đây hãnh diện bởi thời xưa, hai danh y nổi tiếng người làng giỏi nghề thuốc được vào cung làm ngự y chữa bệnh cho vua là Chánh ngự y Nguyễn Tán và Phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt cùng rất nhiều thái y khác. Hiện nay, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đang đề nghị làng nghề Ninh Giang tham gia chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để nghề thuốc Ninh Hiệp giới thiệu với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế về một bản sắc nghề truyền thống quê hương.
 
 

 

22. Làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ Thiết Úng
 
Làng Thiết Úng tên Nôm là làng Úng (hay ống). Xa xưa, Thiết Úng gọi là trại Tế Áng, được hình thành từ thời Hai Bà Trưng. Ngoài nông nghiệp, làng Thiết Úng có nghề mộc chạm. Không rõ nghề có từ bao giờ và tổ nghề là ai. Sản phẩm chính của nghề mộc chạm là các loại sập gụ, tủ chè; hiện nay có thêm các loại giá gương, cây đèn, các loại tượng. Thợ chạm làng Thiết Úng thành thạo cả việc tạo dáng và tạo hình thợ chạm, đục trang trí. Thời Nguyễn, làng có đến 70 thợ có tay nghề cao, được phong “cửu phẩm bá hộ”.
 
 

 

23. Làng nghề giò chả truyền thống thôn Ước Lễ
 
Nghề làm nem, giò chả của làng nghề Ước Lễ trải qua hơn 500 năm thăng trầm. Giờ đây, làng Ước Lễ không nhiều người làm nghề nem, giò chả. Nhưng nhiều người làng đã “mang chuông đi đánh xứ người”, phát triển nghề truyền thống khắp mọi miền tổ quốc. Nghề giò chả bây giờ, như cây chuối, cây đa cổ thụ đẻ nhánh con, nhánh cháu sinh sôi, có những gia đình nhiều thế hệ tự nguyện trọn đời gắn bó “giữ hồn” nghề.
 
 

 

24. Làng nghề bún truyền thống Phú Đô
 
Làng bún Phú Đô thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Làng ở cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km về phía Tây Nam. Làng bún Phú Đô, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là làng nghề truyền thống có lịch sử gần 400 năm, hiện đang là nguồn cung cấp bún chủ yếu cho Thủ đô Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề đang từng bước vượt qua những khó khăn hiện tại để khẳng định chất lượng cũng như thương hiệu "bún Phú Đô" trên thị trường.
 
 

 

25. Làng nghề dệt truyền thống Triều Khúc
 
Làng Triều Khúc huyện Thanh Trì có truyền thống lâu đời về sản xuất các mặt hàng bằng tơ lụa. Từ ba bốn thế kỷ trước, làng đã có những nghề làm góp phần hoàn chỉnh bộ trang phục phụ nữ: nghề dệt the (áo the, quạt the); nghề dệt nái (yếm, bao thắt lưng); nghề nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng)… Hiện nay, làng Triều Khúc có một HTX công nghiệp dệt, 20 doanh nghiệp tư nhân. Các đơn vị này làm ra hơn 100 mặt hàng thủ công.
 
 

 

26. Làng nghề mộc truyền thống Phụng Công
 
 
Làng Phụng Công (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) có lịch sử gần 100 năm. Nơi đây chuyên sản xuất những sản phẩm mộc gia dụng như: Bàn ghế học sinh, ban thờ thần tài, giường, tủ… Sản phẩm của làng nổi tiếng bởi chất lượng bền đẹp, độ tinh xảo và giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay 80% số hộ trong làng tham gia vào làm nghề, mỗi ngày làng nghề sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm các loại. Nhờ phát triển mạnh nghề mộc mà đời sống của người dân Phụng Công ngày một nâng cao. Làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn. Đây là nguồn lực lớn mạnh góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
 

 

27. Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá
 
Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nằm bên quốc lộ 32, cách trung tâm TP 15km. Nơi ấy, ông tổ của nghề ảnh Lai Xá – cụ Nguyễn Đình Khánh. Những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký... hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai...”. Suốt bao đời nay, bằng tình yêu quê hương và ý thức trách nhiệm, Ban làng nghề cùng người Lai Xá đã đồng tâm hiệp lực giữ lửa nghề và đã đạt được những thành quả đáng nhớ, đáng tự hào.
 
 

 

28. Làng nghề may áo dài truyền thống thôn Trạch Xá
 
Làng Trạch Xá, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Từ nơi đây, bàn tay khéo léo của người thợ Trạch Xá đã làm nên những chiếc áo dài truyền thống vừa kín đáo, vừa tôn lên vóc dáng thanh thoát của người phụ nữ Hà Thành. Làng Trạch Xá hiện có gần 1.000 lao động làm thợ may tại các cửa hiệu trên các phố lớn của Hà Nội và hàng nghìn lao động làm nghề tại làng. Những cửa hiệu nổi tiếng như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch ở ngoại thành đến các phố Khâm Thiên, Lương Văn Can, Cầu Gỗ trong nội đô đều do những người con của Trạch Xá làm chủ đã từng bước khẳng định được thương hiệu "Áo dài Trạch Xá" với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
 
 

 

29. Làng nghề rèn truyền thống thôn Vũ Ngoại
 
Từ bao đời nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Vũ Ngoại còn gắn bó với nghề rèn. Nhờ có nghề rèn, cuộc sống của người dân Vũ Ngoại luôn được ấm no, đủ đầy. Người thợ Vũ Ngoại bằng sự khéo léo của đôi tay, sự mẫn cảm với lửa mà cảm nhận chính xác độ mềm của thanh thép để làm ra những sản phẩm đảm bảo đủ cả 3 chuẩn mực trong nghề rèn. Sản phẩm của làng từ xưa tới nay luôn đáp ứng mọi nhu cầu khi sử dụng. Chủng loại sản phẩm của làng cũng rất đa dạng như dao, kéo, cuốc, thuổng, mũi cày, bừa… Nhờ uy tín của làng nghề mà khách hàng từ các tỉnh, thành xa xôi vẫn lặn lội về đây đặt hàng. Ngày nay, khách hàng chủ yếu của người thợ Vũ Ngoại là các sản phẩm phục vụ bà con đồng bào miền núi phía Bắc trong việc phát nương, làm rẫy, đào măng, đốn củi, cày nương…
 
 

 

30. Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo
 
Làng Thượng Mạo được hình thành từ năm 36  sau công nguyên, từ một làng nghèo nàn, lạc hậu, chỉ độc canh cây lúa, đời sống vô cùng khó khăn và nghèo đói. Để vượt lên cái nghèo, cái khổ, các cụ tiền nhân đã đi tìm thầy về để dạy nghề mộc cho nhân dân trong làng. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cụ Tổ nghề, cùng với sự nỗ lực học tập để lấy nghề, nhân dân trong làng cùng nhau vượt khó, tay nghề của các vị tiền nhân cũng được nâng cao thành thạo về mực thước, tinh thông về chạm khắc. Trải dài theo dòng lịch sử, đời trước truyền nghề cho đời sau, cha truyền con nối, cứ thế tiếp nối nghề mộc cho đến tận ngày nay. Để ghi nhớ công ơn người thầy đã truyền nghề, thể hiện sự tôn kính và truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân dân trong làng đã lập ban thờ cụ Tổ dạy nghề mộc vào một gian tại Đình làng thờ chính vị Tam Vị Đức Thánh Tổ. Cứ hàng năm vào ngày 11/10 âm lịch, các cụ cùng cán bộ, nhân dân và các tổ thợ lại tổ chức, dâng hương long trọng để tưởng nhớ người thầy truyền nghề, đồng thời cùng nhau trao đổi một năm lao động, sản xuất, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề giữa các thế hệ.
 
 

 

Với 30 làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển từ lâu đời đã góp phần tạo nên những giá trị về kinh tế, về văn hóa xã hội của thủ đô ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, làng nghề truyền thống là tài nguyên du lịch nhân văn góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm tại Hà Nội thêm phong phú đa dạng.

Ngọc Châu - Kyluc.vn (Tổng hợp thông tin)