Đền này nằm ở Đông Bắc Angkor Thom và ngay phía Tây Jayatataka Baray. Preah Khan ít được du khách quan tâm bởi vị trí của nó nằm khá xa khu trung tâm Angkor. Preah Khan bị quên lãng trong khu rừng già và bị các cây cổ thụ mọc bao trùm lên. Khi khai quật khu di tích này, Quỹ Di tích Thế giới (World Monuments Fund) đã quyết định giữ toàn bộ nguyên trạng ban đầu của ngôi đền trong tình trạng đổ nát, tạo cho khu vực có ngôi đền một không khí rất cổ kính, tôn nghiêm, linh thiêng và hoang dã, gây cho du khách một cảm giác khó diễn tả.
Mục tiêu của Quỹ Di tích Thế giới (WMF) trong việc trùng tu và bảo tồn ở Campuchia là sử dụng các kỹ thuật thích hợp nhất để giữ được trọn vẹn vẻ đẹp của di tích, đồng thời giúp đào tạo một thế hệ mới các chuyên gia và thợ lành nghề. Quỹ Di tích Thế giới bắt tay vào kế hoạch quy hoạch chi tiết và bảo tồn tại Preah Khan vào năm 1991, đánh dấu hoạt động đầu tiên thuộc loại hình này kể từ cuộc nội chiến tàn khốc của Campuchia. Công việc của WMF đã khuyến khích và tạo việc làm cho các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà khảo cổ học người Khmer trẻ tuổi tham gia bảo tồn những di sản của đất nước họ.
Preah Khan rất lớn, khoảng 57 hectare, được bao bọc bởi bốn lớp tường thành và một hào nước bên ngoài. Preah Khan không phải chỉ là một đền thờ mà thật ra là một thành phố nhỏ. Những ký tự tìm được ở Preah Khan có nói đến một cộng đồng hơn 90 ngàn dân sống trong vòng đai đền. Chỗ ở của các thầy tu, học trò và các người chăm sóc đền được ước đoán là ở khoảng giữa bức tường bên ngoài và bức tường thành thứ hai.
Dù bị tàn phá, đổ nát bởi thời gian, nhưng những dấu chỉ về một ngôi đền thờ Phật ở Preah Khan vẫn còn hiện hữu rõ qua các nét chạm trang trí hình tượng Phật còn lưu lại rải rác ở các phế tích quanh đền chính. So với các công trình kiến trúc khác của thời Angkor, Preah Khan được biết đến và nghiên cứu khá muộn (từ 1937) bởi nhà Khảo cổ học Victor Goloubew. Rất nhiều mảng điêu khắc giá trị mỹ thuật đỉnh cao của thời kỳ Angkor được tìm thấy ở Preah Khan, tiêu biểu nhất là chân dung vị vua Jayavarman VII (hiện trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh).
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings.org)