Sau khi nhận ra rằng hoa đậu biếc (Clitoria ternatean) có thể chiết thành dịch có độ nhạy pH cao hơn so với nhiều loại thực vật khác như bắp cải tím, hoa hồng... và có thể thay đổi màu sắc do sự biến đổi cấu trúc của một sắc tố màu sinh học có tên anthocyanin – sắc tố màu thay đổi khi có sự thay đổi nồng độ pH trong thực phẩm, Lê Cao trí đã nghĩ tới việc sử dụng nó để làm dấu hiệu chỉ ra thực phẩm có dấu hiệu bị hỏng.
Hoa đậu biếc được thu thập sau đó trích ly bằng cồn 70 độ để chiết hợp chất anthocyanin. Dung dịch anthocyanin sau đó được cô đặc, làm bay hơi bằng dung môi cồn ở nhiệt độ thấp trong môi trường chân không, sau đó được phối trộn với các thành phần nguyên liệu khác để tạo ra mực in chỉ thị. Mực in được hiệu chỉnh và cố định độ pH.
Mực sau khi tạo thành công được in trên giấy bên trong bao bì hay hộp đựng thực phẩm tươi sống nhiều protein như các loại thịt, cá tươi đã qua sơ chế và đóng gói, được bảo quản ở nhiệt độ mát hoặc đông lạnh. Khi thực phẩm hỏng sẽ giải phóng amin bay hơi, làm cho pH của môi trường bảo quản bên trong bao bì thay đổi, từ đó làm thay đổi màu của nhãn từ đỏ, tím, xanh theo thứ tự mức độ hư hỏng thực phẩm: đỏ(0h), tím (8h) và xanh (12h). Với việc nhận diện màu sắc mực in, người dùng có thể cân nhắc việc sử dụng thực phẩm.
Các nghiên cứu về bao bì hay mực in có thể phát hiện hư hỏng thực phẩm đã có nhiều công trình nghiên cứu tại Việt Nam thực hiện, tuy nhiên nhóm của Trí và Vi là nhóm đầu tiên sử dụng hoa đậu biếc để chế tạo mực in, hoàn toàn thiên nhiên và an toàn với thực phẩm và con người.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings.org) - Vietkings