[Vietmaster - Đề xuất Kỷ lục - P.428] Đơn vị nghiên cứu, thiết kế phát triển hệ thống AI hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi đầu tiên tại Việt Nam

01-05-2020

​(Vietmaster) Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thiết kế hệ thống AI đọc kết quả phim chụp chỉ 5-10 giây, trong khi bác sĩ cần 5-10 phút.

 

Đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống nhận dạng ảnh y tế hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư phổi dựa trên học máy và nền tảng tính toán hiệu năng cao" do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Bệnh viện K Trung ương thực hiện từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019. Đề tài thuộc hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong y tế do tiến sĨ Trần Giang Sơn, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, làm chủ nhiệm.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: newatlas)

 

Nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thiết kế hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép đọc kết quả phim chụp trong thời gian từ 5 đến 10 giây để phát hiện vị trí, kích thước các nốt, khối u phổi trên phim chụp cắt lớp vi tính. Trong nghiên cứu này, nhóm đi sâu tìm hiểu về ung thư phổi không tế bào nhỏ, là loại ung thư phổi thường xảy ra nhất tại Việt Nam.

Hệ thống của nhóm đạt được độ nhạy và độ chính xác hơn 80% trên bộ dữ liệu mẫu quốc tế của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, Viện Y tế quốc gia Mỹ và bộ dữ liệu mẫu về ung thư phổi ở Việt Nam do nhóm thu thập từ Bệnh viện K. Từ nghiên cứu này, nhóm hướng tới việc tạo ra một hệ thống phần mềm nhằm bước đầu hỗ trợ bác sĩ ở các bệnh viện nâng cao hiệu quả và độ chính xác của chẩn đoán bệnh ung thư phổi.

 

Ví trí, kích thước của khối u phổi được định vị tự động bởi mô hình học sâu. Ảnh: NVCC

 

Thông qua thuật toán, hệ thống có khả năng phát hiện vị trí, kích thước khối u phổi trên ảnh chụp cắt lớp, phân loại thành công khối u là lành tính hay ác tính. Hệ thống cũng khoanh vùng sớm điểm tổn thương nghi vấn trên ảnh để các bác sĩ có thể tập trung, nâng cao chất lượng chẩn đoán. Dựa vào tiêu chí đánh giá của ngành y tế, cả độ nhạy và độ đặc hiệu, hệ thống đều đạt trên 96%.

TS Trần Giang Sơn là Chủ nhiệm đề tài cho biết, việc phát hiện và phân loại bằng hệ thống chẩn đoán, giúp phát hiện sớm ung thư phổi. Hệ thống không chỉ giúp giảm tải cho bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương mà còn hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến tỉnh, vùng sâu, vùng xa chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả hơn". Hiện nhóm đang nghiên cứu các kỹ thuật phân chia thể tích lá phổi để loại bỏ các khu vực bên ngoài phổi, giúp tăng độ chính xác trong phát hiện, phân loại khối u. 


Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam (Tổng hợp thông tin - Ảnh: Internet)