Campuchia có nền văn học truyền miệng phong phú mà ngày nay công chúng không được biết đến nhiều. Trong những năm 1960, được coi là hiện thân của thời kỳ vàng son của Campuchia, nền văn học này vô cùng nổi tiếng.
Ta Krut hay Neay Maha Krut, là người kể chuyện nổi tiếng nhất đất nước Campuchia trong những năm 1960 và thường xuyên có mặt trên Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia. Jacques Brunet, một nhà dân tộc học, đã yêu cầu Đài phát thanh sao chép các bản ghi âm của Ta Kurt về sử thi Reamker vào năm 1965 để nghiên cứu chúng. Sau đó, ông Brunet ghi âm thêm một phiên bản ngoài trời khi Ta Krut kể Reamker trước mặt dân làng Rokakong. Từ hai nguồn này — bản ghi âm trong phòng thu và bản ghi âm ở ngoài trời — Trung tâm Tài nguyên Nghe nhìn Bophana đã có thể dựng lại một phiên bản hoàn chỉnh, lấy lại những phần bị mất của câu chuyện và chọn những phân đoạn ít bị hư hỏng hơn. Những tài liệu này, là bản ghi âm duy nhất còn sót lại của sử thi Reamker. Vào năm 2011 nó đã được số hóa và khôi phục với sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia Campuchia về UNESCO, Văn phòng UNESCO ở Phnom Penh và sự hướng dẫn của Giáo sư Alain Daniel.
Reamker, dựa trên sử thi Ramayana của tiếng Phạn đã đến Campuchia vào thế kỷ thứ hai. Theo truyền thống cổ xưa, việc diễn lại hoặc kể lại sử thi này có thể tẩy sạch mọi tội lỗi. Reamker được đưa vào hầu hết các loại hình nghệ thuật của người Khmer bao gồm múa cổ điển, thơ ca, hội họa, điêu khắc và sân khấu. Mỗi nhân vật của nó đại diện cho những giá trị quan trọng của con người: Hanuman - dũng cảm và trung thực; Ream - sự thật; Seda - lòng trung thành; Krut - mạnh mẽ và dũng cảm.
Các bản ghi âm của Ta Krut về Reamker là một phần của di sản nghe nhìn Campuchia và đã được UNESCO đưa vào danh sách Ký ức về Thế giới vào năm 2014.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings.org)