Hành trình Quảng bá Kỷ lục Đông Dương (P.212) - Suy Senglim (Campuchia) : Nhiếp ảnh gia đầu tiên tại Đông Dương thành lập Hiệp hội Giáo dục và Bảo tồn các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng

06-09-2021

(kyluc.vn – IndochinaKings.org) Năm 2000, Senglim Suy gặp một nhà báo người Pháp, người đã khơi dậy trong anh niềm đam mê nhiếp ảnh. Để sử dụng tốt niềm đam mê mới bắt đầu này, từ năm 2012, anh bắt đầu chụp những hình ảnh về muôn vàn loài chim của Campuchia. Thông qua công việc nhiếp ảnh của mình, ông ấy cũng đã phát hiện ra sự thiếu giáo dục và thực thi pháp luật làm phức tạp thêm vấn đề.

Chính vì thế từ năm 2012, nhiếp ảnh gia Senglim Suy đã điều hành Hiệp hội Giáo dục và Bảo tồn chim Campuchia. Lớn lên ở một ngôi làng cách Phnom Penh khoảng 40km, từ khi còn thiếu niên, Senglim Suy nhận thấy nhiều loài chim sặc sỡ từng thường xuyên lui tới khu vực này dần biến mất.

Campuchia là nơi sinh sản của nhiều loại chim, trong đó khoảng một nửa là chim di cư, với môi trường sống đa dạng gồm rừng ngập nước, rừng rụng lá khô nguyên vẹn lớn nhất Đông Dương, những cánh đồng lúa trải dài, những hồ nước rộng lớn, bờ biển, rừng ngập mặn, rừng thường xanh…

Loài chim quốc gia của Campuchia – đồng thời là một trong những loài quý hiếm nhất trên thế giới là cò quăm lớn (ibis khổng lồ), loài chim lội nước cao tới một mét. Chúng được cho là đã tuyệt chủng, cho đến năm 1993, khi các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) phát hiện một nhóm nhỏ trên vùng đồng bằng phía Bắc. Đến nay, ước tính tổng số loài chim này trên toàn cầu có khoảng dưới 300 con, sống chủ yếu ở đây và ở vùng đồng bằng phía đông Campuchia.

Ông rất buồn và nghĩ mình phải chụp những loài chim này trước khi chúng tuyệt chủng. Senglim Suy bắt đầu đăng ảnh lên trang Facebook và vui vẻ hẳn khi nhận được các phản hồi. Ông ấy ghi lại một cách có phương pháp từng loài mới mà ông ấy chụp ảnh: tên thường gọi, tên khoa học, đặc điểm nhận dạng của chúng, loài có nguy cơ tuyệt chủng hay không.

Giáo dục người Campuchia về nhu cầu bảo tồn là điều quan trọng hàng đầu đối với Senglim. “Giáo dục mà chúng ta có hiện nay về thế giới động vật rất hạn chế. Và về mặt thực thi pháp luật, chỉ có một tổ chức đứng ra, và đó là Wildlife Alliance, tổ chức này đã tiến hành một loạt các cuộc đàn áp nạn săn bắt trộm thành công cho đến nay. Tuy nhiên, có rất ít cuộc trấn áp quy mô lớn đối với hoạt động săn bắn động vật hoang dã nói chung”.

Senglim nói, cội rễ của văn hóa Khmer là săn bắn. Tuy nhiên, ông lưu ý, vào thời cổ đại, động vật phong phú hơn và con người ít hơn. “Nếu chúng ta nhìn vào gốc rễ của nền văn hóa của chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng người Khmer đã tiêu thụ thịt thú rừng từ hàng nghìn năm nay. Và hồi đó, số lượng động vật hoang dã vượt quá con người. Bây giờ thì ngược lại. Có nhiều người hơn động vật hoang dã.”

Ông kể rằng: “Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi thấy những loài chim tại Campuchia. Trước kia, khi nhìn thấy những con chim họ thường có ý nghĩ: Chà, ngon quá. Bây giờ họ nhìn chúng và nghĩ: Chà, đẹp quá”.

Covid-19 đã khiến Senglim Suy phải tạm dừng các buổi nói chuyện tại một số trường học. Thay vào đó, ông đang viết cuốn sách về các loài chim ở Campuchia để phân phát cho các lớp học và thư viện.

Ông nói: “Chúng ta phải bảo tồn sự sống loài chim đặc biệt của Campuchia cho thế hệ tương lai. Khi mọi người du lịch trở lại, họ sẽ đóng vai trò lớn giúp chúng ta thực hiện điều này. Nguồn thu sẽ được tài trợ cho các dự án bảo tồn và cung cấp thu nhập cho cộng đồng địa phương để bảo vệ cuộc sống của các loài chim”.

Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings.org)


Mihan - VIETKINGS - Kyluc.vn