Lý do chính là vì phần này của Campuchia bị ngập lụt sáu tháng trong năm, vào mùa mưa và khô hạn vào những tháng còn lại trong năm.
Phnom Da là một di tích lịch sử văn hóa đã được cải tạo để cung cấp cho du khách một nơi để thư giãn hoặc nghiên cứu lịch sử Campuchia. Nơi đây có cảnh đẹp quanh năm. Vào mùa mưa, cả một vùng nước mênh mông tạo ra những cánh đồng lúa xanh tươi tốt trong mùa khô.
Trong tiếng Khmer, Phnom là núi, Da là đá. Ngôi đền tọa lạc ở một nơi thật đặc biệt: cả vùng trũng mênh mông với sáu tháng nước lớn, Phnom Da như nổi lên giữa cánh đồng. Vào mùa khô, những con đường mòn ven đê lộ ra, có thể đến được đền bằng xe máy, nhưng hành trình không mấy dễ dàng và thú vị cho bằng mùa nước nổi.
Cách đi tốt nhất để tiết kiệm thời gian là bạn tìm đến bến thuyền ở tỉnh Takeo để thuê canô đến Phnom Da. Những người cho thuê canô cho biết hành trình mất hơn một giờ nếu thời tiết thuận lợi, khi gặp trời mưa phải tìm chỗ trú ẩn vì vùng này mùa nước nổi mênh mông thường có sét đánh lúc cơn dông.
Chân núi Tháp khá rộng với vài miếu, chùa cùng hàng quán ẩn mình trong bóng mát nhiều loại cây ăn trái. Quanh sườn núi Tháp (thật ra là đồi đá) có khá nhiều hang động. Có hai lần cầu thang hàng trăm bậc lên đỉnh núi. Đầu cầu thang nào cũng có hai tượng đầu rắn thần Naga năm đầu phùng mang như đón chào. Mình rắn uốn lượn hai bên đường lên. Lối lên không dốc mấy, nhưng vượt qua khoảng 60m đường lên núi cũng mệt đứ đừ.
Tiếp tục đi lên đỉnh đồi, sau vài lối rẽ theo các nấc thang, du khách sẽ thấy ngôi đền Phnom Da dần hiện ra. Theo tài liệu ghi lại, ngôi đền có bề ngang 12m và cao 18m, xây dựng từ thế kỷ thứ 6 dưới thời vua Rudravarman, thờ vị thần hủy diệt là Shiva, một vị thần cao cả trong Hindu giáo. Như vậy Phnom Da có trước cả cái nôi của đế chế Angkor là ngôi đền Sambo Preykuk ở tỉnh Kompong Thom.
Điểm chung trong kiến trúc ở các đền đài thời kỳ thế kỷ 6, 7 và 8 là dùng hai chất liệu chính: đá ong làm nền móng và gạch nung để xây đền. Sang đến thời kỳ Angkor, hầu hết kiến trúc đền đài chỉ dùng hai chất liệu chủ yếu là đá ong và đá sa thạch. Điểm độc đáo ở Phnom Da là kiến trúc khác lạ: phần đế móng và kiến trúc tường bao được làm bằng chất liệu đá ong đỏ, phần tháp đền xây bằng gạch nung, các ngạch cửa, mi cửa sử dụng đá sa thạch, điêu khắc những tượng thần trong Hindu giáo cùng các hoa văn được trổ móc rất cầu kỳ, tinh xảo.
Thông thường, các đền đài khác trên đất nước chùa tháp đều có cửa quay về hướng đông, nhưng Phnom Da lại quay mặt về hướng bắc, ba cửa còn lại của đền (gọi là cửa dụ) được bịt kín. Theo quan niệm của Hindu giáo, các cửa dụ ấy chỉ dành cho thần linh, vì thần linh mới có phép thần để ra vào cửa dụ, còn người phàm sẽ đi vào cửa mở sẵn.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings.org)