Sản phẩm mũ bảo hộ này do học sinh Đỗ Trọng Minh Đức (lớp 11 trường Montverde Academy, Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An (lớp 8 Trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy) phát triển trên đề tài được kỹ sư, nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam giao cho từ cuối tháng 5.
Chiếc mũ dựa trên kết cấu của máy thở và mặt nạ phòng độc, nhưng được làm đơn giản hơn. Khi người dùng đội mũ, không khí được bơm qua một lớp màng lọc ngăn virus xâm nhập. Mũ cũng có hệ thống quạt để làm thoáng khí, ngăn không cho hơi nước đọng bên trong. Ngoài ra, các kết cấu cũng được thiết kế hợp lý, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người dùng.
Em Trần Nguyễn Khánh An, trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy cho biết: “Điều khác biệt lớn nhất chính là glove box trong này. Nó còn dùng để gãi mặt, gãi mũi. Đang đeo kính thì anh có thể thao tác được trong chiếc mũ này. Bọn em còn có cả cái food tray ở trong này, cũng là một điều khác biệt. Nó đi cùng với cả cái găng tay này, để có thể để vừa đủ một lượng thức ăn ở trong đó để đáp ứng yêu cầu tiếp nạp năng lượng của những người trên tuyến đầu.
Phiên bản mũ bảo hộ này vẫn cần được cải tiến thêm để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trước khi đưa vào sản xuất. Những thứ cần thay đổi gồm chất liệu làm vỏ mũ, găng tay, quạt làm mát để người đội mũ cảm thấy thuận tiện và dùng được trong thời gian dài.
Giá thành để sản xuất một chiếc mũ bảo hộ như thế này là khoảng gần 1,4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với những chiếc mũ thương hiệu nước ngoài.
Kỹ sư, nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam cho biết, chiếc mũ này có điểm khác biệt là nó ngăn không cho virus xâm nhập vào, bảo vệ người đội, chứ không phải là người đội bảo vệ cộng đồng khỏi bản thân mình. Khi những người nguy cơ cao đội chiếc mũ này, thì họ thực sự cảm thấy an toàn và thực sự được an toàn.
Tháng 8 vừa qua, sản phẩm đã hoàn thiện và gửi dự thi giải thưởng Đổi mới Sáng tạo Quốc tế (ICAN) năm 2020. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 600 sáng chế từ 60 quốc gia. Nhiều nhà sáng chế là các giáo sư, tiến sỹ của các trường đại học danh tiếng, nhiều CEO của các công ty công nghệ. Nó cho thấy mức độ cạnh tranh rất lớn giữa các sản phẩm dự thi. Và việc lọt vào top 10 trong cuộc thi này đã cho thấy tài năng của học sinh Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ.
Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam đang đề xuất Kỷ lục: “nCovi Vihelm - Mũ chống dịch đầu tiên do người Việt sáng chế tham dự cuộc thi Đổi mới sáng tạo quốc tế (ICAN) 2020".