Hành trình tìm kiếm và quảng bá các Kỷ lục về sưu tập tại Việt Nam

03-07-2020

(KỶ LỤC - VIETKINGS) Một bộ sưu tập giá trị có ý nghĩa như một bảo tàng thu nhỏ, truyền lại cho thế hệ mai sau, nhắc chúng ta nhớ và hiểu về những sự kiện, vật dụng, sản phẩm của cả một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử...


Sưu tập từ lâu được biết đến như thú vui của nhiều người trên một số lĩnh vực. Có vô vàn những đồ vật để sưu tập từ tem, tiền cổ, tranh ảnh, sách báo... Chọn thứ nào và sưu tập bằng cách nào thì tùy vào sở thích, hoàn cảnh của từng cá nhân, nhưng đều có điểm chung là tìm kiếm, đem về cho mình càng nhiều thì càng tốt. Từ công việc thú vị này, người sưu tập cũng có thể tự học hỏi, chiêm nghiệm được nhiều điều bổ ích và lí thú. Từ một thú vui rồi trở thành "ghiền” và biến thành đam mê.

Nhiều nhà sưu tập đã tìm thấy niềm vui lớn trong cuộc sông qua công việc này. Sưu tập không chỉ vui vì nhiều hay đầy đủ, mà vui hơn vì họ biết và hiểu nhiều hơn về bản chất của vật thể mà họ đang sưu tầm. Để có thể có được một bộ sưu tập phong phú, ưng ý và có giá trị, bản thân người sưu tập phải đầu tư nhiều thời gian, sức khỏe, lòng kiên nhẫn, tiền bạc và trên hết là sự ham muốn, khao khát, đam m��.. Từ không đến có, từ có đến có nhiều hơn và từ nhiều hơn lại muốn nhiều hơn nữa! Luôn luôn - gần như không có điểm dừng. Niềm đam mê cứ thế thúc giục họ không ngừng tìm kiếm để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Có những người bỏ cả một đời chỉ để rong ruổi trên những nẻo đường để tìm kiếm, để sưu tập, để sở hữu, để thỏa mãn đam mê của mình..

Người sưu tập rất nhiều, bộ sưu tập vì thế không phải là ít. Tuy nhiên, có những bộ sưu tập chỉ mang tính chất vui chơi nhưng cũng có những bộ sưu tập để lại cho đời những giá trị văn hóa qua hiện vật, tái hiện một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử, một con người. Mỗi bộ sưu tập trở thành những bảo tàng hiện vật thu nhỏ mà nhà sưu tập cât công tìm kiếm. Thông qua những bộ sưu tập có giá trị, nhiều thế hệ sau được chiêm ngưỡng, tìm hiểu những giá trị của lịch sử. Ai đó nói rằng:"không ai có thể giàu có để mua lại quá khứ của mình”. Tuy nhiên, bằng con đường sưu tầm, bằng các bộ sưu tập có giá trị, nhiều thế hệ có thể quan sát, tìm hiểu để biết, để hiểu về những sự kiện, hiện vật đã từng tồn tại trong lịch sử và có những ý nghĩa nhất định trong đời sống.

Có những giá trị dần mai một đi theo năm tháng bởi con người không có ý thức tôn tạo, giữ gìn. Có những giá trị hôm nay vẫn còn chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp, trở thành nền tảng soi rọi trong mỗi bước phát triển hôm nay và ngày mai.

Ở Việt Nam, xưa nay đã có nhiều người "thành danh” nhờ bắt đầu từ ý thức sưu tập. Thế kỷ XVIII, thư sinh Phan Huy Chú trong thời gian đi học có ham mê là sưu tập sách cũ từ đời xưa còn truyền lại. Sau này, ròng rã trong mười năm trời, ông đã vận dụng kiến thức từ những trang sách ấy để viết nên bộ "Lịch triều hiến chương loại chí”- bộ Bách khoa toàn thư của Việt Nam. Ở thế kỷ XIX cũng có nho sinh Lê Nguyên Trung được đời sau biết đến là nhờ ý thức sưu tập tủ sách riêng cho gia đình và dòng họ mình. Hay cụ Vương Hồng Sển, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cổ ngoạn bậc nhất ở Việt Nam trong thế kỷ XX, đã "lập nghiệp” từ những bước đi của một cậu học trò ban đầu chỉ thích được ngắm nhìn cổ vật. Hay nghệ sĩ Đức Dậu đã bỏ cả đời người phiêu dạt vạn nẻo đất Việt để thỉnh về những chiêng, chống, đàn, sáo là hồn thiêng của núi rừng, của dân tộc về với mảnh đất Sài thành và coi đó như "cái duyên và sự may mắn’’ dẫu hành trình tìm và sưu tầm những nhạc cụ của các dân tộc là cả một hành trình khó khăn không tưởng. Ở tuổi ngũ tuần, gia tài hơn nửa đời người của ông là bảo tàng nhạc cụ dân tộc đồ sộ được ông cất công sưu tầm từ muôn nẻo trên đất Việt, bao gồm: Hơn 200 loại nhạc cụ dân tộc với gần 2.000 hiện vật hợp thành được bày trí trang trọng tại nhà riêng. Cùng với bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc quý hiếm bằng cả tâm linh, nghệ nhân Đức Dậu đã đem hồn thiêng sông núi, dân tộc tự ngàn đời và cả hùng khí đương đại vượt ra khỏi biên giới đất mẹ vươn xa trên khắp thế giới. Và dù ở nơi đâu, sau giờ biểu diễn, khán giả luôn phải trầm trồ: "Đúng là báu vật tầm quý nhân".

 

Một góc trong bảo tàng nhạc cụ tại nhà của nghệ sĩ Đức Dậu 



Nhận thấy vai trò không nhỏ của những bộ sưu tập có giá trị, ngay từ những ngày đầu sơ khai thành lập, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đặc biệt chú ý tìm kiếm các kỷ lục trên lĩnh vực này. Bước sang tuổi thứ 10, gần 10 năm tìm kiếm kỷ lục Việt Nam, trong 10 năm ấy, chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm các bộ sưu tập có giá trị trên mọi miền đất nước. Cho đến nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có hàng trăm bộ sưu tập được biết đến và giới thiệu cho công chúng. Đó là bộ sưu tập quạt cổ của kỷ lục gia Trần Công Phúc, bộ sưu tập bài báo nhiều nhất được cắt dán công phu của nhà báo Trần Thanh Phương, bộ sưu tập đồng hồ nhiều nhất Việt Nam của ông Đỗ Duy Ngọc, bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới của ông Huỳnh Minh Hiệp, bộ sưu tập quà lưu niệm danh lam thắng cảnh Việt Nam bằng polyeste của ông Nguyễn Vui, bộ sưu tập sáo của nghệ sĩ Đỗ Đức Liên.... Có thể nói, những bộ sưu tập của của các cá nhân và đơn vị kỷ lục gia, đã góp phần làm phong phú cho kho tàng mỹ thuật nước nhà.

 

Sau gần 30 năm sưu tầm, Kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp đang sở hữu gần 20 loại tiền xu nguyên khối có niên đại từ thế kỷ 1 đến 19.



Với mục đích quảng bá tài sản vô giá của những cá nhân cùng những bộ sưu tập vượt thời gian, đồng thời quảng bá về một Việt Nam với nhiều điều thú vị bằng những bộ sưu tập đa dạng và độc đáo, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện hành trình Tìm kiếm, xác lập và quảng bá các bộ sưu tập Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn Hành trình sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng kỷ lục gia trên cả nước, các nhà sưu tầm trên khắp mọi miền quê để kho tàng về các bộ sưu tập sẽ ngày càng phong phú hơn, trở thành một kho tư liệu quý trường tồn cùng thời gian và năm tháng, truyền lại cho thế hệ mai sau.

 


Tổ chức Kỷ lục Việt Nam