Hành trình tìm kiếm và quảng bá Quà tặng Việt Nam

31-05-2020

(KỶ LỤC - VIETKINGS) Một món quà đặc sắc có thể tạo nên những điều kỳ diệu, làm bền chặt những mối quan hệ trong xã hội. Một món quà ý nghĩa, được tặng đúng thời điểm là điều ai cũng mong muốn.

Một món quà có khi giúp ta gợi nhớ đến hình ảnh một đất nước, một miền quê, một con người. Nói đến búp bê Matrioska, lật đật hay tranh gỗ bạch dương người ta nghĩ ngay đến một Nước Nga xa xôi mà gần gũi. Nói đến con mèo vẫy tay - Neko maneki món quà lưu niệm mang lại may mắn và thịnh vượng trong kinh doanh người ta nghĩ về đất nước mặt trời mọc, xứ sở của hoa anh đào.

Việt Nam từ xưa đến nay luôn là một địa điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách tham quan không chỉ trong mà còn ở ngoài nước. Vì thế, văn hóa tặng quà cho người nước ngoài vào những năm gần đây đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Những món quà tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn, mang đậm màu sắc dân tộc, gây hứng thú và ấn tượng trong tâm trí những người bạn ngoại quốc về đất nước Việt Nam chúng ta.

 

Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, quà tặng Việt Nam rất đa d��ng

 

 

Ngày nay, chiếc nón lá Huế thơ mộng, những vuông vải thổ cẩm đặc sắc, gốm sứ Bát Tràng tinh tế trong từng đường nét hoa văn, những dải lụa mịn màng, sang trọng, tinh tế của Vạn Phúc, chiếc Trống Đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn đúc thu nhỏ tinh xảo mang đậm ý nghĩa lịch sử và nét văn hóa truyền thống... trở thành những món quà đặc sắc của Việt Nam, theo chân du khách nước ngoài đến khắp những phương trời xa, trở thành cầu nối góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam trên thế giới.


Một năm có 365 ngày. Có bao nhiêu ngày người ta chọn để tặng quà cho nhau? Bao nhiêu món quà đã được trao? Bao nhiêu món quà đã được nhận? Bao nhiêu niềm vui và nỗi niềm đã được gửi gắm? Và bao nhiêu món quà đã làm tròn sứ mệnh của mình?

Không biết tự bao giờ, con người đã biết tặng quà cho nhau. Quà tặng đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một nghệ thuật giao tiếp không thể thiếu trong đời sống, đối với tất cả các lứa tuổi, ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Sự phát triển của xã hội đã làm cho văn hóa tặng quà càng ngày càng phát triển và người tặng quà ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Có quà tặng bang giao đậm tình hữu nghị; quà tặng tình yêu ngọt ngào, lãng mạn; quà tặng bạn bè thắm tình bằng hữu chi giao; quà tặng ông bà, cha mẹ chứa đựng tấm lòng thơm thảo của con cháu; quà tặng đồng nghiệp thay lời thân ái, đồng cam cộng khổ; quà tặng đối tác thắt chặt quan hệ hợp tác, tạo dựng niềm tin… Người ta tặng quà trong rất nhiều dịp khác nhau: ngoại giao, sinh nhật, lễ tết, ngày kỷ niệm, sự kiện… và có thể là bất cứ khi nào mà không cần một lý do gì.

Bản thân quà tặng mang trong mình những giá trị đặc sắc. Giá trị tinh thần nuôi dưỡng bao ước mơ, hoài bão, nâng đỡ niềm tin, động lực phấn đấu… góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ trong xã hội. Giá trị văn hóa lắng đọng trong hình tượng quà tặng ý nghĩa, trong những sản phẩm quà tặng truyền thống mang đặc trưng của địa phương, quốc gia, dân tộc. Giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật từ nét đẹp tinh anh của bàn tay cần mẫn người tạo tác. Giá trị vật chất kết tinh từ những nguyên vật liệu cấu thành. Có những món quà chỉ đơn giản là quà. Nhưng có những món quà còn nói lên được nhiều điều hơn thế.

Quà tặng ngoại giao, lễ tân ở cấp độ quốc gia là một trong những hình ảnh đại diện gợi nhắc về quốc gia dân tộc, nơi sản sinh ra món quà tặng, nơi lưu dấu ấn trong lòng người nhận về những cột mốc phát triển trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước.
 

 

Quà tặng du lịch là những sản phẩm lắng đọng hồn văn hóa dân tộc, là sự chắt lọc tinh hoa đất nước khắp ba miền, là đại sứ thiện chí chuyển tải những thông điệp nhân văn, giúp bạn bè năm châu bốn bể hiểu được một phần nào đó lịch sử và chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm của Việt Nam.

Quà tặng của tầng lớp doanh nhân thấm đẫm chất trí tuệ, tri thức. Đó là những sản phẩm biểu trưng, không chỉ thắm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng cái ẩn ý khích lệ, thể hiện ý chí, khát vọng kinh doanh, thổi bùng lên sức mạnh và niềm tin cho một thế hệ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đạp bằng sóng gió trong thời hội nhập để vươn lên làm giàu, góp phần phát triển, xây dựng đất nước.

Ở góc độ cá nhân, quà tặng đóng vai trò là cầu nối, mang trong mình bao thông điệp, lời nhắn gửi của người tặng với ước mong người nhận quà thấu hiểu tấm lòng. Đó có thể là một món quà thay lời cảm ơn, xin lỗi, bày tỏ tình cảm, chúc mừng ngày vui… góp phần khích lệ, động viên người nhận, để niềm vui nhân đôi, nỗi buồn vơi nửa, giúp họ có thêm can đảm, dũng khí để bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Quà tặng, sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, có thể sẽ bị lãng quên. Nhưng có không ít những món quà sống mãi cùng năm tháng, được người nhận trân trọng, nâng niu vì nó tượng trưng cho một kỷ niệm thiêng liêng, gắn liền với những dấu ấn, bước ngoặt trong cuộc đời họ. Có quà tặng kể cho chúng ta nghe về ký ức tình yêu đẹp không thể nào quên trong cuộc đời một con người. Có quà tặng là hình ảnh gợi nhớ về những người thân yêu đã không còn bên ta trên mỗi bước đường đời. Có quà tặng gợi lên nỗi nhớ quê nhà tha thiết, bao nhiêu năm chưa có dịp về thăm…

 


Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa hàng ngàn năm, được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản về tự nhiên và ẩm thực phong phú. Đặc biệt, làng nghề được xem là một đặc sản của ngành du lịch Việt, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được khách hàng quốc tế đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Nghệ nhân của Việt Nam có hoa tay và khả năng sáng tạo... Những nguồn lợi này nếu được khai thác đúng cách và hợp lý sẽ trở thành những mặt hàng quà tặng tinh tế và độc đáo mang những nét đặc trưng Việt Nam. Sản phẩm làng nghề nước ta rất đa dạng, phong phú, đầy tiềm năng, nhiều sản phẩm có giá trị lịch sử phát triển hàng nghìn năm và đến được với người dân khắp trong và ngoài nước nhưng cũng có nhiều sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu và để lại dấu ấn riêng đối với thị trường. Điều này đang làm mai một đi không ít làng nghề truyền thống và không ít làng nghề lâm vào tình trạng bế tắc...

Với mong muốn các sản phẩm quà tặng đặc trưng, mang dấu ấn về những nét văn hóa, sáng tạo của người Việt sẽ được giới thiệu sâu rộng trong nước và ra thế giới, góp phần quảng bá cho du lịch làng nghề nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, vinh danh các làng nghề truyền thống cũng như góp phần tạo thị trường, đầu ra cho các mặt hàng và các công ty, làng nghề sản xuất, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) phối hợp với các Hiệp hội, Làng nghề, các nghệ nhân, chuyên gia thực hiện Hành trình Tìm kiếm và Quảng bá quà tặng Việt Nam. Hoạt động này có mục đích tìm kiếm, chọn lọc các mặt hàng quà tặng nổi tiếng ở Việt Nam phục vụ trong nhiều dịp khác nhau, phù hợp với đối tượng, qua đó góp phần quảng bá nét văn hóa riêng của đất nước và con người Việt Nam, những sản phẩm quà tặng chứa đựng tinh hoa dân tộc với du khách trong và ngoài nước.

Vietkinsg sẽ kết nối các làng nghề Việt Nam, các công ty chuyên sản xuất mặt hàng lưu niệm, quà tặng và đặc biệt là với nhiều nghệ nhân là kỷ lục gia có các dòng sản phẩm đặc trưng như tranh ốc, tranh cát, khảm trai... Hành trình sẽ giới thiệu 100 quà tặng độc đáo của Việt Nam, các bộ sưu tập quà tặng của các tác gia chế tác nổi tiếng. Đó là một sự ghi nhận của xã hội đối với vai trò của quà tặng trong đời sống văn hóa của dân tộc và nhân loại, tôn vinh những sáng tạo và cố gắng không ngừng trong việc tạo ra những món quà đặc sắc của các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quà tặng; góp phần liên kết các đơn vị sản xuất quà tặng tại Việt Nam; kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất quà tặng với người tiêu dùng.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia cũng như đóng góp ý kiến của các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quà tặng tại Việt Nam.
 


Tổ chức Kỷ lục Việt Nam