VietKings đề cử Kỷ lục Châu Á lần III (2021 - 2022): 10 món ăn đặc sản, đặc sản nổi tiếng Việt Nam (P.3): 05 món ăn đặc sản - Gỏi Sầu Đâu (An Giang)

19-07-2022

(kyluc.vn) - Tiếp nối hành trình quảng bá các giá trị ẩm thực và đặc sản Việt Nam ra thế giới, tháng 5 năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã tiến hành đề cử lần III các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực Châu Á” đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á. Các hồ sơ này hiện đang được Tổ chức Kỷ lục Châu Á tiếp nhận và xem xét. Dự kiến kết quả sẽ được thông báo chính thức vào nửa cuối năm 2022.

 

10 đề cử Kỷ lục Châu Á cho các món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam lần III gồm có: 05 món ăn đặc sản, 02 đặc sản thiên nhiên và 03 đặc sản quà tặng. Trong đó gồm:

05 món ăn đặc sảnBánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế), Bánh mì Hội An (Quảng Nam), Gỏi Sầu Đâu (An Giang), Gỏi cá trích (Kiên Giang) và Lẩu mắm U Minh (Cà Mau). 

02 đặc sản thiên nhiênVú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) và Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

03 đặc sản quà tặngYến sào (Khánh Hòa), Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Rượu sim Phú Quốc (Kiên Giang).

Mỗi món ăn, đặc sản được đề cử đều mang những giá trị đặc biệt, không chỉ có hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe mà còn ẩn chứa bên trong những câu chuyện lịch sử về đất nước và con người Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về từng đề cử này, VietKings sẽ lần lượt giới thiệu từng đề cử cụ thể trong thời gian tới.

Món ăn đặc sản tiếp theo của 10 đề cử Châu Á cho các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2021 - 2022 sẽ là: 

Gỏi Sầu Đâu (An Giang)

 

Nằm ở phía Tây Nam Tổ Quốc, An Giang là vùng đất có văn hóa đời sống đa dạng, pha lẫn giữa người Kinh, người Khmer, người Việt, người Hoa… Chính sự đa dạng trong văn hóa đời sống đã làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực An Giang. Nổi tiếng ở An Giang có các món đặc sản như thốt nốt, gỏi sầu đâu, bò cạp Bảy Núi, mắm Châu Đốc, Tung lò mò (lạp xưởng bò)… Trong đó, gỏi sầu đâu là món ăn dân dã được nhiều du khách yêu thích khi du lịch đến An Giang. Nếu có dịp về miền Tây ghé An Giang, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món gỏi sầu đâu.

 

 

Sầu đâu còn được gọi là “sầu đông” hoặc “cây xoan”, là một loại cây quen thuộc ở vùng đất An Giang. Nhiều người thường có sự nhầm lẫn giữa cây sầu đâu mọc ở miền Tây và cây sầu đâu mọc ở miền Trung. Cây sầu đâu mọc ở miền Trung thường có lá màu xanh, hoa màu trắng tím, tất cả các bộ phận của cây đều có độc tính, đặc biệt là lá và quả. Còn cây sầu đâu mọc ở miền Tây có lá màu xanh sẫm, vị đắng, tính mát, hoa ít đắng hơn lá và thơm. Vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Thời điểm này, nhiều người nông dân vùng biên giới An Giang tất bật hái lá sầu đâu, mang ra bán tại các chợ quê. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng, có vị đắng, hậu ngọt, tính mát. Người mới ăn sầu đâu có thể cảm thấy khó ăn vì đắng, nhưng thực tế những món ăn được chế biến từ lá sầu đâu đều là đặc sản của An Giang. Theo nhiều nghiên cứu, cây sầu đâu có thể chữa được 40 loại bệnh khác nhau. Ngoài tác dụng chữa bệnh, lá sầu đâu còn là nguyên liệu chính để làm món gỏi sầu đâu - đặc sản nổi tiếng tỉnh An Giang. 

 

 

Cây sầu đâu.

 

Gỏi sầu đâu được biết đến là món rau ngon trong bữa cơm thường ngày của người Campuchia. Món gỏi này được du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven vùng biên giới ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu... Tuy nhiên, nổi tiếng với món gỏi sầu đâu được nhiều người biết đến là tỉnh An Giang. Món gỏi sầu đâu được chế biến khá nhanh và đơn giản nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

 

Các nguyên liệu chế biến món gỏi sầu đâu gồm có lá sầu đâu, khô cá lóc hoặc cá sặc, các loại cà chua, dưa leo, thơm hoặc xoài bào đi kèm tùy khẩu vị mỗi người. 

 

Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, cà chua, xoài sống, thơm (dứa), ớt và không thể thiếu nước mắm me ... Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Khi trụng nên cho thêm một ít muối vào để lá được xanh và trông đẹp mắt. Khô cá sặc có thể nướng hoặc chiên, sau đó đem xé nhỏ, không lấy xương. Thịt ba rọi rửa thật sạch rồi đem luộc và thái mỏng vừa ăn. Ngoài ra, người ta còn trộn thêm xoài sống, dưa leo, cà chua, ... Cuối cùng, có thêm một ít rau thơm, ngò rí, củ hành xắt lát, tỏi, ớt ... để tăng thêm sự phong phú về mùi vị. Nước chấm được dùng cho món gỏi này là nước mắm me.
Nước mắm me được chế biến khá công phu. Đổ ít nước sôi vào me chín rồi lọc lấy nước cốt. Nước cốt me được pha với nước mắm nhĩ, trộn thêm đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước mắm me hài hòa giữa các vị mặn, ngọt, chua, cay.

 

Vị đắng thanh của lá sầu đâu, vị chua chua ngọt ngọt của nước mắm me kết hợp cùng mùi thơm lừng của khô cá sặc hoặc cá lóc tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng không thực khách nào cưỡng lại được.

 

Vị đắng từ lá sầu đâu, vị ngọt từ thịt, vị chua từ nước mắm me, có thể thêm một ít cay nồng từ ớt... tất cả tạo nên hương vị rất riêng biệt cho món đặc sản vùng biên giới này, khiến ai đã một lần nếm thử đều khó quên.

Ngoài trộn gỏi, lá sầu đâu còn có thể làm rau chấm để ăn kèm với các món kho. Không chỉ thế, sầu đâu còn là một vị thuốc nam rất bổ dưỡng. Lá và hoa sầu đâu có thể ép lấy nước chữa bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, ...

Có thể nói, gỏi sầu đâu hoàn toàn khác biệt so với bất cứ món gỏi nào. Do đó, món ăn dân dã này được nhiều du khách khi đi du lịch ở An Giang.

 

Đến An Giang mà không nếm thử hương vị gỏi sầu đâu quả là một thiếu sót.

 

Gỏi sầu đâu không chỉ là đặc sản An Giang nổi tiếng mà còn là một món ăn vị thuốc bổ ích. Theo tìm hiểu, các bộ phận trên cây sầu đâu từ vỏ, lá, quả và gỗ đều có chất đắng giúp chữa giun rất tốt. Ngoài ra, từ lâu cây sầu đâu đã được người Ấn Độ sử dụng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét và nhiều bệnh khác. Riêng nước sầu đâu dùng uống có thể chữa các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp.

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã quyết định đề cử gỏi sầu đâu vào 10 món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam lần III (2021 - 2022) đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á theo bộ tiêu chí xác lập "Giá trị ẩm thực Châu Á". Trong thời gian tới, Hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam sẽ tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings kết hợp cùng các đơn vị có liên quan để triển khai rộng rãi đến từng huyện, xã, thị trấn, thôn xóm, ... trên khắp cả nước để có thể tìm kiếm tất cả những món ăn ngon, những đặc sản độc đáo của người dân Việt Nam, góp phần quảng bá các giá trị ẩm thực - đặc sản của Việt Nam không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới.


Theo Nga Võ - topbepvang