10 đề cử Kỷ lục Châu Á cho các món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam lần III gồm có: 05 món ăn đặc sản, 02 đặc sản thiên nhiên và 03 đặc sản quà tặng. Trong đó gồm:
05 món ăn đặc sản: Bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế), Bánh mì Hội An (Quảng Nam), Gỏi Sầu Đâu (An Giang), Gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang) và Lẩu mắm U Minh (Cà Mau).
02 đặc sản thiên nhiên: Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) và Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
03 đặc sản quà tặng: Yến sào (Khánh Hòa), Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Rượu sim Phú Quốc (Kiên Giang).
Mỗi món ăn, đặc sản được đề cử đều mang những giá trị đặc biệt, không chỉ có hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe mà còn ẩn chứa bên trong những câu chuyện lịch sử về đất nước và con người Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về từng đề cử này, VietKings sẽ lần lượt giới thiệu từng đề cử cụ thể trong thời gian tới.
Đặc sản quà tặng của 10 đề cử Châu Á cho các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2021 - 2022 sẽ là:
Yến sào (Khánh Hòa)
Yến sào (tổ yến) là vị thuốc quý cũng là loại thực phẩm được kể đến đầu tiên trong bát trân (8 loại thức ăn quý). Ngày xưa, yến sào là loại thức ăn chỉ dành để tiến vua.
Danh xưng “Đệ nhất bát trân ngự thiện” đã gắn liền với yến sào từ thời xa xưa. Cho tới nay, với sự tiến bộ của y học, người ta phát hiện ra rất nhiều công dụng tuyệt vời từ vật phẩm quý hiếm này.
Yến sào được khai thác ở nhiều các hang đảo thuộc vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ Nha Trang - Khánh Hòa là nơi có số lượng quần thể, sản lượng dẫn đầu cả nước. Chất lượng của Yến đảo thiên nhiên Nha Trang - Khánh Hòa đã được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá tốt nhất Thế giới nhờ vào vị trí địa lý, nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học và khoáng vật tồn tại trong những vách đá tại đây. Điều đặc biệt hơn: Tổ yến huyết, tổ yến hồng với hàm lượng dinh dưỡng rất cao chỉ có thể tìm thấy trong số hang đảo thiên nhiên tại các đảo yến Nha Trang - Khánh Hòa. Vì vậy, yến sào Nha Trang - Khánh Hòa đã từng được ca ngợi:
"Chung tình biển rộng non cao
Ở Khánh Hòa, mùa sinh sản của chim yến thường trong khoảng tháng 3 đến giữa tháng 5 và 70% chim yến tập trung sinh sản vào giữa tháng 4.
Theo một số tài liệu còn lưu lại, người có công phát hiện nguồn tài nguyên yến sào tại Khánh Hòa là một vị Đô đốc nhà Trần tên là Lê Văn Đạt vào năm 1328. Nghề yến sào nước ta cũng ra đời từ đó.
Cho tới tận mãi sau này, dưới thời Tây Sơn, vị An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm đã kế nghiệp nghề yế, tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn.
Từ đó, cái nghiệp yến gắn liền với đất Khánh Hòa và cái mảnh đất trù phú ấy cũng trở thành cái nôi cho thương hiệu yến sào vang danh thế giới.
Hoạt động khai thác yến đảo là nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương.
Có rất nhiều cách để phân loại yến sào Khánh Hòa, tuy nhiên, người ta thường sử dụng nhất là hai phương pháp sau:
- Phân loại theo nguồn gốc:
+ Yến đảo: Đây là những tổ yến được khai thác từ các vách đá ở đảo. Tổ yến đảo thường có hình dạng như cái chén, thân dày và chân cứng để bảo vệ chim non hoặc trứng không bị các loài vật khác ăn mất cũng như ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.
Việc khai thác tổ yến đảo khá khó khăn và vì mức độ nguy hiểm của nó, yến đảo thường có giá cao hơn yến nhà.
Trong các loại yến đảo được khai thác trong khu vực Đông Nam Á, yến sào Khánh Hòa được đánh giá tốt nhất về mặt chất lượng với sự đa dạng về các nguyên tố đa vi lượng với giá trị dinh dưỡng cao và mùi vị rất đặc trưng.
+ Yến nhà: Hiện nay, mô hình nuôi yến nhà được ứng dụng khá nhiều ở Khánh Hòa. Khi đó, con người sẽ xây dựng và thiết kế các nhà yến để dẫn dụ chim yến vào làm tổ. Các tổ yến nhà thường có các đặc trưng như sau: màu sắc trắng ngà, chất lượng không đồng đều, ở những nơi có thức ăn nhiều cho chim tìm mồi thì chất lượng tổ yến tốt hơn.
- Phân loại theo màu sắc:
Về màu sắc, người ta phân loại yến sào Khánh Hòa thành các loại như sau:
+ Huyết yến: Đây là loại yến sào có sản lượng rất ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao bởi chúng chứa rất nhiều sắt, canxi và khoáng chất.
+ Hồng yến: Cũng mang lại giá trị kinh tế cao và được đánh giá là loại yến sào thơm ngon, dai nhất trong các loại yến.
+ Bạch yến: Đây là loại yến thông dụng nhất trên thị trường với sản lượng chiếm tới 80% tổng số yến trên toàn thế giới.
Yến sào có rất nhiều loại, thường được phân loại theo hai phương pháp chính là phân loại theo nguồn gốc và màu sắc.
Theo nghiên cứu của PGS. TS Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường Trường Đại học Nha Trang, tổ yến chứa carbohydrat, acid amin và muối khoáng, trong đó glycoprotein chiếm đến 50%. Trong số các carbohydrat thì acid sialic có tác dụng phục hồi nhanh khi cơ thể bị nhiễm xạ hay tổn thương hồng cầu; Galactosamine và glucosamin giúp phục hồi sụn bao khớp; Acid aspartic và acid proline rất quan trọng cho sự tăng trưởng mô, cơ, tái tạo tế bào; Acid glutamic kích thích sự tăng trưởng, chuyển hóa thần kinh và chức năng não bộ ; Acid threonin rất tốt cho hoạt động gan, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, bảo vệ da ; Acid valine có tác dụng điều hòa protein. Các muối khoáng chính trong tổ yến rất có lợi cho thần kinh, trí nhớ, hệ tiêu hóa giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Yến sào là loại thực phẩm tốt cho mọi đối tượng từ người già, người bệnh, phụ nữ mang thai cho tới trẻ nhỏ.
Chính bởi những giá trị đặc biệt đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã quyết định đề cử Yến sào vào 10 món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam lần III (2021 - 2022) đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á theo bộ tiêu chí xác lập "Giá trị ẩm thực Châu Á". Trong thời gian tới, Hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam sẽ tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings kết hợp cùng các đơn vị có liên quan để triển khai rộng rãi đến từng huyện, xã, thị trấn, thôn xóm, ... trên khắp cả nước để có thể tìm kiếm tất cả những món ăn ngon, những đặc sản độc đáo của người dân Việt Nam, góp phần quảng bá các giá trị ẩm thực - đặc sản của Việt Nam không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới.