Hành trình quảng bá và tôn vinh Thư pháp chữ Việt

01-10-2020

(KỶ LỤC - VIETKINGS) nnghệ thuật thư pháp Viêt là một trong những mạch ngầm văn hóa truyền thống vẫn chảy mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam, dù trải qua bao thăng trầm.


...“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay...”

(“Ông Đồ” -  Vũ Đình Liên)

 

Hai câu thơ ấy vốn nhắc tới một nét đẹp trong văn hóa người Việt đó là nghệ thuật thư pháp Viêt – một trong những mạch ngầm văn hóa truyền thống vẫn chảy mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam, dù trải qua bao thăng trầm.

 


Thư pháp được hiểu ngắn gọn là cách viết chữ hay nghệ thuật thể hiện chữ viết do vậy nó không phải là nghệ thuật của riêng dân tộc nào. Bởi mọi dân tộc có chữ viết đều có thể tạo ra thư pháp cho mình. Nghệ thuật thư pháp vừa tạo nên giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống của mọi người. Theo thời gian, thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩ của bản thân việc viết chữ và trở thành nghệ thuật viết chữ đẹp, nghệ thuật đi tìm cái ������ẹp, thể hiện cái hồn văn hóa nơi mỗi chữ mỗi câu.
Trong dòng chảy văn hóa truyền thống của các nước phương Đông – thư pháp được xem như là một mạch ngầm, lặng lẽ tồn tại với thời gian nhưng có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật. Nó thực sự đã vượt khỏi chức năng thông tri của mình và đi thẳng vào thế giới tâm linh con người. Chính vì thế cùng với hội họa, âm nhạc, thi ca….thư pháp được nhìn nhận là nghệ thuật đặc thù “cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của các nền văn hóa dân tộc ở phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam….
Thư pháp Việt là một phân môn nghệ thuật xuất hiện ở nước ta từ thập niên 50,60 của của thế kỷ. Nhiều người cho rằng, học giả Đông Hồ chính là “Ông Tổ” của Thư pháp chữ Việt bởi ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu viết chữ Quốc ngữ.
Có thể nói, thư pháp Việt là sự kết hợp cái thần của chữ Hán và nét chữ Quốc ngữ, là sự giao hòa giữa văn hóa Đông - Tây, giữa nghiên mực bút lông và mẫu tự La tinh đã nâng cao tầm quan trọng và làm thăng hoa vẻ đẹp mặt chữ này. Khi vào và phát triển tại Việt Nam, thư pháp Việt được thể hiện với nhiều nhiều hình thức cổ kính xen lẫn hiện đại.
Dù không tượng hình như chữ Hán, nhưng tiếng Việt lại mang vẻ đẹp mềm mại, bay bổng, uốn lượn. Hơn thế, các nhà thư pháp có thể thể hiện tác phẩm thư pháp bằng tiếng Việt trên một không gian khoáng đãng và có thể tung hoành với nhiều chiều kích khác nhau. Chất liệu để tiến hành một bức thư pháp vẫn là bút lông, mực tàu và giấy dó. Các nhà thư pháp thường lựa chọn những câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ, những câu thơ hay để thể hiện nội dung của bức thư pháp. Thông qua những nét bút chính - phụ, đậm - nhạt, người viết thư pháp diễn tả tâm trạng, tính cách của mình với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau.

 


Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét nét bút thư pháp Việt “bay bổng, tài hoa nhưng mô phạm sâu lắng; mềm mại nhưng không yếu đuối; phóng nhưng không cuồng”. Điều đó thể hiện “nền văn hoá Việt Nam khiêm tốn, mộc mạc nhưng không hề thiếu cá tính”; cái đẹp không chỉ thể hiện ở cái phi thường mà còn ở sự bình dị, gần gũi. Dễ nhận ra một điều rằng thư pháp Việt Nam phục vụ cho chính nhân dân, phục vụ quần chúng lao động. Nên nhắc tới thư pháp Việt Nam là ai ai cũng liên tưởng tới hình ảnh "ông đồ" đang "thảo những nét - như phượng múa rồng bay" rất gần gũi. Chính vì vậy mà nhiều tác phẩm đi vào lòng người từ những rung cảm, cảm hứng có thật của của thi nhân, chẳng hề có gì là quý tộc, siêu phàm, khe khắt, chi li mà cái gì cũng mộc mạc, chân chất, giản dị. Đây cũng chính là sợi dây xuyên suốt trên con đường phát triển đầy sáng tạo của nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Một số tác phẩm thư pháp Việt lớn, gây được tiếng vang thời gian qua như Cuốn thư pháp kỷ lục “Truyện Kiều” của nhà thư pháp Nguyệt Đình; quyển thư pháp truyện thơ “Lục Vân Tiên” viết trên vải dài nhất của nhà thư pháp Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ hay Độc bản Sử thi “Hoa Lư thi tập” bằng thư pháp lớn nhất của GS.TS Hoàng Quang Thuận, Trần Quốc Ẩn, Phạm Chung Tú... . Gần đây nhất là 05 cuốn đại sách Kỷ lục Thư pháp của Kỷ lục gia Thế giới Võ Dương đã đánh dấu được tiếng nói nhất định của thư pháp chữ Việt.

 


Thư pháp Việt là sự sáng tạo rất đáng trân trọng, mang âm hưởng nguồn cội, là sự nối tiếp kế thừa những tinh hoa của thư pháp truyền thống và mang những nét sáng tạo, hiện đại. Thư pháp mang vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với đời sống tinh thần của con người hiện đại. Đến với nghệ thuật thư pháp chính là đến với thế giới của cái đẹp để mỗi người tự làm phong phú, hoàn thiện tâm hồn và tính cách của mình. Có thể nói, nghệ thuật thư pháp tôn vinh giá trị hệ thống văn tự từng dân tộc, là cốt cách đặc sắc của thẩm mỹ - triết học Á Đông. Thư pháp Việt Nam - hành trình không ồn ào nhưng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách và giờ đây thật sự được yêu mến và đầy sự mong chờ ở tương lai.
Nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật thư pháp Việt, giúp thư pháp Việt trở nên gần gũi hơn trong đời sống xã hội, đồng thời thời tạo điều kiện để người dân cũng như du khách nước ngoài có dịp tìm hiểu về sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt và thêm yêu ngôn ngữ nước nhà, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện Hành trình Quảng bá Thư pháp Việt.

Hành trình này đã thể hiện rõ nét qua việc xác lập hàng trăm kỷ lục về thư pháp và hai kỳ Hội ngộ Ông Đồ tại Ninh Bình (năm 2010) và tại Vũng Tàu (năm 2013) với mong muốn tạo cơ hội để người Việt Nam và du khách quốc tế yêu nghệ thuật thư pháp được tận mắt thưởng thức những "vũ điệu” thư pháp của các ông đồ. Sự kiện văn hóa đặc biệt  này được thực hiện nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”; khẳng định truyền thống hiếu học, giá trị nghệ thuật thư pháp Việt xưa và trong nền văn hóa Việt Nam đương đại; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nền văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập và mở cửa. Các kỷ lục đặc sắc về thư pháp được xác lập trong thời gian qua đã giới thiệu và tôn vinh những cái hay, cái đẹp, những tinh hoa và sức sống mạnh mẽ của thư pháp Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước, giúp mọi người tiếp cận, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, đặc biệt là thư pháp quốc ngữ một cách gần gũi, thân thuộc hơn; qua đó, thêm yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ nước nhà, ghi thắm thêm tình yêu quê hương, đất nước..

Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, tiếng Việt được đánh giá như một trong những nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực vào quá trình hội nhập của Việt Nam và thế giới. Thư pháp Việt cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá chữ Việt ra thế giới. Đó cũng chính là mong muốn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam khi thực hiện Hành trình này.

 


Tổ chức Kỷ lục Việt Nam