Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 “Đủ nắng hoa sẽ nở - Đủ tầm nhìn thấy cơ hội”: 03 Kỷ lục gia đón nhận Kỷ lục Châu Á mới

25-05-2023

(kyluc.vn) Trong không khí tưng bừng tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 20/05/2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á (ABR) đã chính thức công nhận Kỷ lục châu Á đến với Kỷ lục gia mới của Việt Nam, bao gồm: Kỷ lục gia Phạm Thị Mai Hoa, Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm, Kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên.

Sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 - Kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Kỷ lục gia Việt Nam (2013 - 2023) đã diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến mục tiêu chung “Hợp lực cùng cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam xúc tiến thương mại và bán hàng ra toàn cầu.” Sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương, Lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), Lãnh đạo các Hội và Hiệp hội trong cả nước cùng cộng đồng 500 Kỷ lục gia, các cơ quan thông tấn Báo chí.

 

 

Tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Châu Á (ABR) đã trao bằng xác lập kỷ lục đến ba Kỷ lục gia Việt Nam lần lượt là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên, bà Phạm Thị Mai Hoa và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm để ghi nhận và tôn vinh những tác phẩm, bộ sưu tập nghệ thuật độc đáo và tinh hoa của con người Việt Nam. 

1. NGHỆ NHÂN ƯU TÚ - KỶ LỤC GIA PHẠM VĂN TUYÊN.

 

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kiến Thụy, Hải Phòng, Nghệ nhân Ưu tú - Kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên đã từng bước gầy dựng lại nghề Gốm truyền thống qua việc phục dựng các giá trị tinh hoa của Gốm sứ phù điêu Hải Phòng để thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Bằng tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng của mình, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã dành gần 30 năm để nghiên cứu, phục chế hoa văn, họa tiết phù điêu cổ trong các Chùa chiền, các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật cổ và thuộc lòng những kiến trúc văn hóa của các triều đại Lý, Trần, hậu Lê - Mạc để từ đó sáng tạo ra một dòng Gốm riêng biệt, thuần Việt, vô cùng độc đáo và mang đậm giá trị bản sắc dân tộc.

 

 

Bộ Bách Bình được nghệ nhân Phạm Văn Tuyên dày công thực hiện từ năm 2017, bao gồm 100 Lộc bình gốm. Bộ sưu tập được tác giả tạo ra từ cảm quan mỹ học giữa ngày tháng tiêu dao ở bến Đời, khai thị trên đường Giác. Chất men gốm thuần Việt mang dư âm của Triều Lê - Mạc có sức hấp dẫn tiềm ẩn, lôi cuốn người sáng tác. 

Các tác phẩm đều được làm bằng tay, phủ men gio, nung củi theo phương pháp truyền thống thuần Việt từ lâu đời. Bách Bình được tinh chế, kêt tụ, hun đúc mang hồn của đất, hơi ấm từ lửa. Họa tiết phù điêu trên từng tác phẩm mỹ cảm, đậm đà giá trị bản sắc, kế thừa tinh hoa văn hóa ngàn xưa, kỳ vọng sẽ là Văn vật lưu lại ngàn sau.

 

Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury – TGĐ Tổ chức Kỷ lục Châu Á và ông Trần Việt Hùng - Thường trực Hội đồng Xác lập VietKings trao bằng xác lập Kỷ lục Châu Á đến Nghệ nhân Ưu tú - Kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên (Ảnh:VietKings)

Tại sự kiện, Tổ chức Kỷ lục châu Á (ABR) đã trao bằng chứng nhận Kỷ lục châu Á đến Kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên với nội dung: "Ông Phạm Văn Tuyên - Người chế tác thành công bộ sản phẩm “Bách Bình” (100 Lộc bình) bằng gốm phù điêu, đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam đa dạng nhất tại Châu Á. Nét đặc sắc của Bách Bình là được chế tác thủ công, phủ men gio, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu và được nung củi hoàn toàn theo phương pháp truyền thống. Mỗi Lộc bình là một Độc bản, hoa văn phù điêu cổ với các hình tượng văn hóa như: rồng, hổ phù, sen, cúc… Kỷ lục được xác lập vào ngày 18.11.2022."

 

2. KỶ LỤC GIA PHẠM THỊ MAI HOA.

Bà Phạm Thị Mai Hoa sinh ngày 12/10/1951 ở Thủ đô Hà Nội. Hiện bà là Giám đốc của Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội.

 

 

Tác phẩm “Long Vân Khánh Hội” đã được nghệ nhân Nguyễn Hương Ngọc - hội viên Hội Sinh vật cảnh Hà Nội và được giới sinh vật cảnh vinh danh là “Nữ hoàng gỗ lũa”, đã cùng với 5 thợ chuyên về gỗ lũa khác chế tác. 

Đến năm 2006, khi nhà nước phát động sưu tầm các hiện vật tiêu biểu để chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tác phẩm đã được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội. Sau đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội thì tác phẩm được chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Mai Hoa sở hữu. 

 

 

Tác phẩm "Long Vân Khánh Hội" có chiều dài 4.54 mét, cao 2.32 mét, được điêu khắc hình tượng Rồng Phương Đông uy nghiêm với dáng rồng đang bay lên trời  Tác phẩm không những hội tụ được đầy đủ nét đẹp tinh hoa, tầm vóc, sự kết hợp hài hòa và ý nghĩa lịch sử mà còn ứng vào quẻ đại cát luôn mang lại sự may mắn tốt lành và phồn vinh.

 

Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury – TGĐ Tổ chức Kỷ lục Châu Á và ông Trần Việt Hùng - Thường trực Hội đồng Xác lập VietKings trao bằng xác lập Kỷ lục Độc bản Châu Á đến Kỷ lục gia Phạm Thị Mai Hoa

 

Tổ chức Kỷ lục châu Á (ABR) đã chính thức trao bằng chứng nhận Kỷ lục châu Á đến Kỷ lục gia Phạm Thị Mai Hoa với tiêu chí: "Bà Phạm Thị Mai Hoa - Người sở hữu Tác phẩm "Long Vân Khánh Hội" - Tượng Rồng Phương Đông được điêu khắc bằng chất liệu gỗ lũa nguyên khối đạt giá trị Độc bản châu Á. Tác phẩm được chế tác với dài 4.54 mét, cao 2.32 mét, tạo hình tượng Rồng phương Đông, dáng Rồng bay lên trời. Kỷ lục được xác lập vào ngày 16 tháng 7 năm 2022."

 

3. KỶ LỤC GIA, NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN THỊ THANH TÂM.

 

Là quốc hoa của Việt Nam, sen được xem là loài hoa thể hiện sức sống mãnh liệt và những phẩm chất tốt đẹp, văn hóa và cốt cách của con người Việt Nam. Sen là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho nhân loại nói chung và con người Việt Nam nói riêng.

 

 

 

Với một tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với loài hoa đặc biệt này, trong hơn 20 năm nay, Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam đã dành rất nhiều công sức để sưu tầm những hiện vật liên quan tới hoa sen và gắn liền với đời sống văn hóa Việt Nam.

 

 

 

Đến nay, bộ sưu tập với chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt Nam” đã có 433 hiện vật gồm: hơn 258 bức ảnh sen nghệ thuật, tranh sen trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, đá quý, tranh gốm và hàng trăm hiện vật gắn liền với hình ảnh hoa sen: bình hoa, đồ dùng, đồ trang trí có họa tiết hoa sen; 106 lọ hoa, kỷ vật liên quan đến sen và 69 bức thư pháp, câu đối về sen.

 

Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury – TGĐ Tổ chức Kỷ lục Châu Á và ông Trần Việt Hùng - Thường trực Hội đồng Xác lập VietKings trao bằng xác lập Kỷ lục Châu Á đến Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm 

 
Kỷ lục châu Á của Kỷ lục gia, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Tâm có nội dung:"Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Người sở hữu Bộ sưu tập chủ đề “Sen trong đời sống văn hoá Việt” lớn nhất. Bộ sưu tập gồm 433 hiện vật, kỷ vật lấy cảm hứng từ hình tượng Sen. Trong đó, có 258 bức ảnh, tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh đá quý; 106 lọ hoa, đồ dùng và đồ trang trí; 69 bức thư pháp và câu đố về Hoa sen. Trong hơn 20 năm, bà đã tổ chức nhiều triển lãm nhằm quảng bá nghệ thuật Hoa sen tại Việt Nam và trên Thế giới. Kỷ lục được xác nhận ngày 16/5/2023."
 
Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Châu Á còn trao bằng chứng nhận xác lập giá trị Kỷ lục châu Á (theo Tiêu chí Kỷ lục Châu Á về Ẩm thực và Đặc sản) cho các đặc sản ẩm thực của Việt Nam tại Hội ngộ, bao gồm: 
1) Yến sào (Khánh Hòa, Việt Nam)
2) Thanh long (Tỉnh Bình Thuận, Việt Nam)
3) Nước mắm Con Cá Vàng của Công ty Cổ phần nước mắm Phan Thiết (Tỉnh Bình Thuận, Việt Nam)
4) Các món ăn từ cá Thát Lát (tỉnh Hậu Giang, Việt Nam)
5) Các món ăn từ khóm Cầu Đúc (Hậu Giang, Việt Nam)
6) Atiso Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam)
7) Gỏi sầu đâu (Gỏi sầu đâu) (tỉnh An Giang, Việt Nam)
8) Cơm tấm Long Xuyên (An Giang, Việt Nam)
9) Các món ăn từ Sen (tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam)
 
 

Thanh Huyền - VietKings (biên tập và nguồn ảnh: internet)