Căn cứ vào đề cử kỷ lục thế giới từ Viện Kỷ lục Châu Phi (Africa Records Institute – AFRI) và quyết định số WK/USA.INDIA/788/2021/No.244, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) chính thức công bố Romain Pizzi là Bác sĩ thú y đầu tiên phẫu thuật não thành công cho một chú gấu đen châu Á, vào ngày 21/12/2021.
Một trong những bác sĩ phẫu thuật động vật hoang dã sáng tạo nhất ở châu Âu và có lẽ là trên thế giới, một chuyên gia phẫu thuật nội soi hay lỗ khóa – là những phương pháp phổ biến ở người, nhưng cho đến nay rất hiếm trong ngành thú y - Pizzi đã phẫu thuật cho hươu cao cổ và khỉ đuôi dài, chim cánh cụt và khỉ đầu chó, rùa khổng lồ và ít nhất một con cá mập, và duy trì danh tiếng trong việc đảm nhận những ca mổ mà đa số bác sĩ từ chối.
Năm 2012, tổ chức từ thiện bảo tồn Free The Bears đã tiếp cận Romain Pizzi với một bệnh nhân khác thường, một con gấu đen châu Á ba tuổi tên là Champa. Được biết đến với cái tên gấu ngựa, hoặc gấu mặt trăng (vì những mảng màu trắng, hình lưỡi liềm trên ngực), gấu đen châu Á đang bị đe dọa trên toàn châu Á, bởi vì mật, bàn chân và xương của chúng được sử dụng làm nguyên liệu trong y học cổ truyền.
Free The Bears là tổ chức cứu hộ được thành lập vào năm 1993. Tổ chức điều hành các khu bảo tồn dành cho gấu ngựa, gấu chó và gấu lợn, là những loài có nguy cơ bị bắt lấy mật tại Lào, Campuchia và Việt Nam. Vào năm 2010, tổ chức đã tặng hai con gấu chó được giải cứu cho Vườn thú Edinburgh, nơi Pizzi làm việc bán thời gian với tư cách là bác sĩ phẫu thuật thú y. Đổi lại, tổ chức từ thiện đã nhận được hỗ trợ tài chính - và Pizzi.
Ảnh minh họa
Champa không phải là con gấu bình thường. Được giải cứu khi còn là một chú gấu con và đưa đến khu bảo tồn Free The Bears ở Lào, hộp sọ của nó bị biến dạng, và thị lực thì suy giảm. Trong khi những con gấu khác giao lưu và chơi đùa cùng nhau, Champa lúc nào cũng ủ rũ, đầu cúi xuống, có vẻ rất đau đớn. Pizzi nghi ngờ nó mắc chứng não úng thủy, một tình trạng hiếm gặp trong đó dịch não tủy dư thừa tích tụ trong hộp sọ, gây tổn thương não.
Ca mổ kéo dài sáu tiếng bắt đầu vào sáng ngày 25 tháng 2 năm 2013. Pizzi khoan một lỗ nhỏ phía sau một trong hai tai của con gấu đã được tiêm thuốc an thần, sử dụng đầu dò siêu âm để xác nhận chắc chắn Champa bị mắc chứng não úng thủy. Pizzi sau đó đưa một ống mỏng qua lỗ khoan vào não và nhờ camera chỉ lối, ông cho luồn ống xuống dưới da và đi vào bụng của con gấu. Ống này được đặt ở đó vô thời hạn, được thiết kế để dẫn lượng dịch não tủy dư thừa vào khoang bụng, nơi nó có thể dễ dàng hấp thụ vào cơ thể.
Ca phẫu thuật hoàn tất vào lúc 4 giờ chiều và các bác sĩ thú y đã theo dõi Champa suốt đêm. Đến 8 giờ sáng hôm sau, Matt Hunt, giám đốc điều hành của Free the Bears cho biết, Champa đã thức giấc và "nhìn như một con gấu rất khác". Trước khi phẫu thuật, cái đầu sưng tấy của nó đè nặng lên cổ, nhưng bây giờ nó có thể ngẩng đầu lên để nhìn thẳng vào nhân viên của khu bảo tồn. Chúng tôi không thể biết liệu thị lực của nó có hồi phục hoàn toàn hay không, nhưng mọi người chắc chắn rằng thị lực ấy đã được cải thiện."
Sáu tuần sau khi phẫu thuật, Champa năng động hơn rõ rệt và hòa đồng hơn với những con gấu khác, và nó đã tăng cân. Nó sẽ luôn bị tổn thương não, vì chất lỏng tích tụ đã gây ra những thương tổn vĩnh viễn. Và nó sẽ vẫn bị giam cầm. Nhưng sự nhẹ nhõm mà nó cảm thấy sau phẫu thuật là quá rõ ràng.
Pizzi nói: “Phẫu thuật cho một con gấu sẽ không cứu được loài gấu khỏi nguy cơ tuyệt chủng, và làm cho cuộc sống của một con gấu tốt hơn cũng không thể thay đổi thế giới. Nhưng điều tuyệt vời ở đây là thế giới của con gấu đó đã thay đổi mãi mãi."
Romain sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, nơi ông được cấp bằng bác sĩ phẫu thuật thú y. Ông là giáo sư danh dự về sở thú và y học động vật hoang dã tại Đại học Nottingham trong 15 năm, đồng thời đã giảng dạy và cố vấn cho các bác sĩ thú y về động vật hoang dã trên toàn cầu. Ông là bác sĩ phẫu thuật chuyên môn tại Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland trong một thập kỷ, cung cấp dịch vụ thú y cho Tổ chức Cứu hộ Động vật Hoang dã Quốc gia Scotland trong 18 năm và trước đây là nhà nghiên cứu bệnh học tại Hiệp hội Động vật học của Vườn thú London.
Ông đã làm việc với các tổ chức từ thiện bảo tồn, các trung tâm cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã, và các vườn thú trên khắp thế giới tại hơn 30 quốc gia. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên TV trên BBC, Animal Planet, National Geographic, CNN và các phương tiện in ấn quốc tế.
Theo Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings.org)