"Trường ca đôi giày” là một bài thơ được mô tả dưới cấu trúc thơ "ngũ hành thức – ngũ ngôn” có hình tượng "đôi giày và con người” trải dài theo lịch sử gần một thế kỷ (đầu thế kỷ XX đến ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 10-10-2010). Đôi giày được mô tả cùng cuộc đời anh bộ đội, từ cậu bé đánh giày mơ ước có được việc đánh giày cho người Tây. Có lần qua cửa kính của một khách sạn Tây cậu bé ngó vào và mơ ước có được một đôi giày. Cho đến ngày độc lập năm 1945, cậu bé ấy là anh bộ đội cụ Hồ theo kháng chiến, rồi lại tiếp tục con đường thống nhất đất nước, trải qua bao gian nan cùng đôi giày đến ngày chiến thắng 30/4/1975. Ngày duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, anh bộ đội nay đã là một vị tướng đi đôi dép cao su – đôi dép Bác Hồ.
Trường ca được chia thành 3 tập với chủ đề từng tập như sau:
- Tập 1: Đôi Giày Ước mơ (3.500 câu) – kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo kết cấu tập thơ cũng có thể gọi là "Đôi giày hẹn ước”.
- Tập 2: Đôi Giày Hạnh phúc (3.998 câu thơ) – kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975. Tập 2 cũng có thể gọi là "Đôi giày nghĩa – đức”.
- Tập 3: Đôi Giày Tự do (2.503 câu thơ) – kết thúc cuộc chiến chống bành trướng biên giới phía Bắc và nạn diệt chủng ở Campuchia. Tập 3 cũng có thể gọi là "Đôi giày trái tim – Đôi giày vĩnh hằng”.
