Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới - WRCA vinh danh Thượng tọa Thích Huệ Đăng với những cống hiến mang giá trị nội dung Kỷ lục

06-04-2018

(Kỷ lục - VietKings) Thông qua đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Hội đồng Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (World Record Content Academy - WRCA) vừa chính thức có văn bản xác nhận việc vinh danh những cống hiến mang giá trị nội dung Kỷ lục đến Kỷ lục gia, Thượng tọa Thích Huệ Đăng (Thế danh Nguyễn Văn Sáu ).

Thượng tọa Thích Huệ Đăng, thế danh Nguyễn Văn Sáu sinh ngày 25 tháng 8 năm 1940 tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài được công nhận là Giảng sư Ban Hoằng pháp TW/GHPGVN năm 1999, tốt nghiệp khóa Cao cấp Giảng sư Hoằng pháp TW/GHPGVN năm 2004. Từ năm 2007-2012, là Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học PGVN, từng là Giảng viên cao cấp Chuyên khoa Phật học Học viện Phật giáo Sóc Sơn Hà Nội và Học viện Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.

 

Thượng tọa Thích Huệ Đăng

 

Thượng tọa Thích Huệ Đăng là một nhà tu nhập thế, là một nhà nông dân giỏi, một nhà khoa học, một Đạo sư Yoga và là Kỷ lục gia của Việt Nam. Năm 1983, Thượng tọa rời chùa Long Thiền, Đồng Nai để lên Đà Lạt, bắt đ��u sự nghiệp với cây địa lan bị người dân địa phương vứt bỏ do không xuất khẩu được. Sau đó tiếp tục mày mò nghiên cứu, dự các khóa học dự thính về phương pháp cấy mô hoa lan tại Đại học Nông Lâm TP.HCM, bảo tồn thành công các loài lan quý tại Việt Nam, đồng thời trồng và bán hoa lan lấy tiền làm Phật sự. Thượng tọa còn là một trong Top 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước từ những năm 2007. 

 

Nhiều người tại TP.HCM đã khá quen với hình ảnh một vị tu sĩ tuổi 70, 80 bán lan tại Công viên 23/9 mỗi dịp Tết. Công việc này bắt nguồn từ chính nghiệp tu mà Thầy Thích Huệ Đăng đặt ra: tự lo liệu cho mình, đồng thời làm việc có ích cho cộng đồng.

 

Bên cạnh hoa lan, từ năm 2008, ngài lên núi Ngọc Linh tìm cây sâm Ngọc Linh tự nhiên về nghiên cứu nhân giống. Đặc biệt hơn, dù chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào, nhưng Thầy lại là người nghiên cứu và nhân bản vô tính thành công giống sâm Ngọc Linh - "quốc bảo" của Việt Nam. Công trình này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng sáng chế độc quyền cho “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô” vào cuối năm 2012, được Ban Tôn giáo Chính phủ tôn vinh Thầy là “Nhà khoa học đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam".

 

Vườn Sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt

 

Thượng tọa Thích Huệ Đăng cũng là người đầu tiên chế tạo thành công sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh dạng viên nén có chất lượng cao giúp hỗ trợ điều trị cho rất nhiều những người đang mắc bệnh nan y. 
 
Vào năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đề nghị Thầy lập hồ sơ để cấp thêm Bằng sáng chế độc quyền cho "Quy trình sản xuất sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh dạng viên và sản phẩm thu được từ quy trình này".  
 

 

Năm 2013, Thầy được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục là "Nhà sư đầu tiên được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, Thầy hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Buddha Yoga Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Nói về Yoga, thầy được Trung tâm Sivananda Yoga Vedanta quốc tế (có trụ sở chính tại Canada) trao Bằng Master of Yoga (Đạo sư Yoga) với các pháp môn Kriya Yoga, Sushumna Yoga, Chakra Yoga, đây là 3 pháp môn gần như đã bị thất truyền trên thế giới, và trao Chứng nhận thọ giới công nhận một Đạo sư Yogi theo đúng quy định của kinh Vệ Đà do một đạo sư Ấn Độ thực hiện.

 

Sư ông giảng dạy bộ môn Buddha Yoga 

 

Không những cống hiến cho cộng đồng, trong đạo, Thầy đã biên soạn 43 bộ luận kinh bằng chính những gì Thầy đã học, nghiên cứu và ứng dụng thành công. 

Để đạt được những thành tựu ấy, bên cạnh những nỗ lực, tâm siêng năng, ham học hỏi thì yếu tố quyết định chính là trí tuệ phát sáng của Thầy sau một lộ trình tu tập miên mật. Đúng như “tuyên ngôn” của Thầy: “Hành đạo mà chẳng giúp gì được cho đời thì vô nghĩa. Hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi vì đạo Phật là của con người, từ chân tâm của con người phát ra. Bởi vậy, muốn hiện thực được đạo thì phải từ nơi con người tự chứng...”.

 ​

 
Trong thư gửi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, WRCA đánh giá: Nhận thấy rằng Kỷ lục gia Nguyễn Văn Sáu là Tu sĩ Phật giáo, là nhà khoa học đã có nhiều đóng góp, cống hiến phục vụ cộng đồng xã hội ở Việt Nam, vì vậy Hội đồng Viện WRCA thông qua hồ sơ đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Viện WRCA chính thức ghi nhận những cống hiến mang giá trị nội dung Kỷ lục Thế giới đến Kỷ lục gia, Thượng tọa Thích Huệ Đăng (Thế danh Nguyễn Văn Sáu).
 

Dự kiến, Bằng xác nhận của Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (World Record Content Academy - WRCA) sẽ được trao tặng đến Thượng tọa Thích Huệ Đăng trong dịp Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 34 tổ chức vào tháng 5/2018 tại TP. Hồ Chí Minh.

 

THÔNG TIN CHUNG VỀ WRCA:

  • Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới - WRCA là tổ chức hoạt động thuộc quyền quản lý của Liên Minh Kỷ lục Thế giới - WORLDKINGS
  • WRCA là Viện nghiên cứu, ghi nhận, vinh danh những cống hiến mang giá trị nội dung kỷ lục của các kỷ lục gia, lãnh đạo các đơn vị sở hữu kỷ lục trên toàn cầu. 

 


Quỳnh Ngọc - Kỷ lục (Tổng hợp)