(VietKings Values ‎‎2005-2017) Chân dung Kỷ lục gia Việt Nam (P.12) KLG Võ Văn Tường - Người chụp ảnh và lưu giữ ảnh nhiều ngôi chùa nhất

22-08-2017

(Kỷ lục - VietKings) Ông là người chuyên chụp ảnh các ngôi chùa ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ năm 1989 đến nay với hơn 1.000.000 bức ảnh (trong đó có hơn 3000 ngôi chùa ở Việt Nam) và đã xuất bản nhiều ấn phẩm cao cấp về Chùa Việt Nam, phát hành trong và ngoài nước lập 4 Kỷ lục Việt Nam, và có trên 30 lần triển lãm hình ảnh ngôi chùa và tượng Phật Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Ông Võ Văn Tường, sinh ngày 31 tháng 3 năm 1953 tại TP. Đà Nẵng, nguyên quán Thừa Thiên Huế, pháp danh Tâm Thụy. Thời tiểu học và THCS, ông học ở trường Hàm Long. Với tư chất thông minh, thành tích xuất sắc trong học tập, ông được chọn vào trường Quốc Học, ngôi trường gắn liền với rất nhiều tên tuổi của các nhà văn hóa lớn đương thời.

 

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường

 

Năm 1994, ông bảo vệ thành công và nhận bằng thạc sĩ với đề tài “Ngôi chùa trong truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam”. Cũng từ đó ông tham gia giảng các môn: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam, Du lịch Danh lam Cổ tự Việt Nam, Tiếng Việt thực hành, Nhiếp ảnh kỹ thuật số tại nhiều trường trong và ngoài thành phố.

Cuộc đời ông nếu như chỉ có thế, cứ bình lặng với vai trò người thầy đưa những chuyến đò tri thức qua sông thì có lẽ cũng không quá đặc biệt. Điều đáng quý nhất ở ông chính là tâm hồn nghệ sĩ và sự trân trọng di sản văn hóa tâm linh vốn có tự ngàn đời. Là một người say mê nghiên cứu văn hóa cổ tự cũng như mang nặng tình yêu với chốn "cửa thiền", ông không quản ngại khó khăn, rong ruổi khắp dặm đường đất Việt, sang đến tận Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Singapore, Nepal, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Lào, Hàn Quốc… để sáng tạo, lưu giữ hình ảnh kiến trúc về các ngôi chùa và cả những chuyến hành hương lễ Phật của chư khách thập phương. Ông là người chuyên chụp ảnh các ngôi chùa ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ năm 1989 đến nay với hơn 1.000.000 bức ảnh (trong đó có hơn 3000 ngôi chùa ở Việt Nam) và đã xuất bản nhiều ấn phẩm cao cấp về Chùa Việt Nam, phát hành trong và ngoài nước, có trên 30 lần triển lãm hình ảnh ngôi chùa và tượng Phật Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

 

Triển lãm 1.000 tấm ảnh chùa Việt Nam trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (2008)

 

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường chụp ảnh tại chùa Sắc tứ Tịnh Quang, Quảng Trị (2011)

 

Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về danh thắng Phật giáo có giá trị và là người vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 04 Kỷ lục Việt Nam: Tác giả CD Rom "Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam" - Sách điện tử đầu tiên ở Việt Nam (xác lập ngày 14/8/2005); Người chụp ảnh và lưu giữ ảnh nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam (02/01/2006); Tác giả CD Rom "Chùa Việt Nam xưa và nay" - Tác phẩm có số lượng hình ảnh và bài viết về ngôi chùa nhiều nhất (xác lập ngày 31/5/2007); Đồng tác giả cuốn sách "Hành hương xứ Phật Ấn Độ - Nepal" - Quyển sách ảnh về xứ Phật in nhiều ngôn ngữ nhất (xác lập ngày 01/08/2010).

Với những đóng góp thiết thực làm phong phú thêm làng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhiều công trình được xác lập kỷ lục, sau thời gian thẩm định, ông được Hội đồng Khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới chính thức công nhận, cấp bằng Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới cùng với 05 kỷ lục gia khác vào năm 2013.

 

 

 

Từ năm 1990-2014 , ông đã có nhiều tác phẩm xuất bản về Phật giáo như Những ngôi chùa danh tiếng Việt Nam (cùng ông Nguyễn Quảng Tuân) - NXB. Trẻ, TP. HCM. 1990; Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 4 ngữ : Việt-Anh-Pháp-Hoa, tái bản lần 4 - NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, 1993, 1994, 1995; Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, 2 ngữ : Việt-Anh - NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995; Danh Lam nước Việt, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng TS. Huỳnh Như Phương) - NXB. Mỹ thuật, Hà Nội, 1995; CD-Rom Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, 2 ngữ : Việt-Anh - NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội và Công ty Tin học Tin Việt, TP. HCM, Xuất bản năm 1996, tái bản năm 1998; Hà Nội Danh Lam Cổ Tự (cùng TT. Thích Bảo Nghiêm) - NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003; Những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng ông Trương Ngọc Tường), NXB. Trẻ, TP. HCM, 2006; Chùa Phù Châu, Tiền Giang, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng ông Trương Ngọc Tường), NXB. Tổng hợp TP. HCM, 2006; 108 Danh Lam Cổ Tự Việt Nam, 4 ngữ : Việt-Anh-Pháp-Hoa - NXB. Thuận Hóa, Huế, 2007; CD Rom Chùa Việt Nam xưa và nay, 2 ngữ : Việt-Anh - NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007; 500 Danh Lam Việt Nam, 2 ngữ : Việt-Anh - NXB. Thông tấn, Hà Nội, 2008; Phật tích Ấn Độ - Nepal, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng TS. Thích Nhật Từ) - NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008; Sắc tứ Long An Cổ Tự, Tiền Giang, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng ông Trương Ngọc Tường), NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009; Chùa Từ Đàm, Huế, 2 ngữ : Việt-Anh (cùng HT. Thích Hải Ấn) -  NXB. Thuận Hóa, Huế, 2010 và 2012; Hành hương xứ Phật Ấn Độ - Nepal, 5 ngữ : Việt-Anh-Hoa-Thái-Ấn - (cùng ThS. Nguyễn Trung Toàn), NXB. Thông tấn, Hà Nội, 2010.

 

NAG Võ Văn Tường chụp Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ (2007)

 

Chụp ảnh Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (2008)

 

 

Nổi tiếng là người chụp nhiều ảnh chùa nhất Việt Nam, những năm trở lại đây, ông sang Mỹ định cư cùng gia đình. Một cơ hội khác lại mở ra, khi ông nhận lời Giám đốc một nhà xuất bản của người Việt ở Mỹ - đặt chân đến các ngôi chùa Việt trên khắp thế giới để làm một cuộc viễn du bằng hình ảnh và thực hiện bộ sách “Chùa Việt Nam hải ngoại”.

Chùa Việt Nam hải ngoại (tập I) xuất bản năm 2014, sách do Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường và Ông Từ Hiếu Côn, Giám đốc nhà xuất bản Hương Quê tại San Jose, California, Hoa Kỳ thực hiện. Đây được xem là một tác phẩm lớn hình thành tại hải ngoại để "giới thiệu tới Phật tử cũng như chư Tôn đức khắp năm châu về những hình ảnh chùa chiền trong một chiều dài lịch sử của nhiều năm tháng, khi người Phật tử Việt Nam của chúng ta có mặt tại xứ người”. (Hòa thượng Thích Như Điển Phương trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức).

 


Sách dày 728 trang cộng với 4 trang bìa. Bên trong sách tập I, các tác giả đã giới thiệu 72 ngôi chùa hiện có trên 4 châu lục ngày nay. Ví dụ như Châu Á 5 chùa, Châu Âu 4 chùa, Châu Úc 4 chùa và 59 chùa thuộc Châu Mỹ gồm Canada và Hoa Kỳ. Có cả 2.800 tấm hình màu sinh động giới thiệu tổng quát về mỗi tự viện cũng như cách thờ tự và sinh hoạt của mỗi chùa tại mỗi địa phương khác nhau. Chùa nào cũng có ghi lại đầy đủ về địa chỉ, số điện thoại liên lạc và một bài giới thiệu về lịch sử của ngôi chùa ấy bằng 4 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Nhật nhằm giới thiệu với người Việt và bạn bè khắp năm châu về hình ảnh chùa chiền cũng như sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại ngày nay.

 

Chụp ảnh tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Florida (2013)

 

Chùa Bát Nhã, Arkansas (2014)


Có thể nói, hiếm có một người Việt Nam nào lại say mê chụp cảnh chùa chiền và dành nhiều công sức, tâm huyết để nghiên cứu, xuất bản nhiều ấn phẩm cao cấp về Phật giáo như Nhà nghiên cứu, Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường. Dường như "cửa thiền" đối với ông đã trở thành một nét đẹp văn hóa ăn sâu trong tâm thức; để rồi khi năm tháng đi qua, ông lại như đóa sen lặng lẽ dâng đời những đứa con tinh thần vô giá...

 


BH - Kyluc.vn (Tổng hợp nhiều nguồn)