Độc đáo Bức Phù Điêu hai mặt tạc hình tượng 18 Vị La Hán và 8 Vị Bát Tiên Quá Hải trên gốc Dâu

03-01-2019

(Kỷ lục - VIETKINGS) Với mục đích cầu bình an, may mắn và hạnh phúc đến cho gia đình, ông Lê Văn Bạo đã truyền tải mong muốn của mình qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân huyện Đức Trọng – Lâm Đồng để chạm khắc nổi hình tượng 18 vị La Hán và 8 vị Bát Tiên Quá Hải trên gốc rễ cây dâu cỡ lớn, kích thước 3,6m x 2,2m, dày 80cm.

 

Từ ngàn xưa, Gỗ dâu rừng đã được biết đến là một vật hộ thân trừ tà. Trong dân gian, Gỗ dâu rừng được xem là ứng dụng phong thuỷ tốt nhất, giúp trừ ly, tà, ma, ...mang lại sự an tâm cho mọi người. Chính vì điều này, ông Bạo đã cất công tìm kiếm và lựa chọn Gốc rễ một cây dâu cổ để tạo ra tác phẩm, đặc biệt đây là cây dâu sống tại miệng núi lửa – nơi cây cối khó có thể sinh trưởng ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Sau hơn 8 tháng thực hiện, từ những bàn tay tài hoa của 6 nghệ nhân tại huyện Đức Trọng – Lâm Đồng, bức phù điêu chạm khắc nổi đã được tạc lên vô cùng kỳ vĩ, tuyệt đẹp và hoàn toàn bằng thủ công. Sử dụng kỹ thuật chạm khắc nổi nhiều lớp đan xen vào nhau trên gốc dâu cổ vô cùng công phu, tỉ mỉ, các chi tiết chính xác nhưng vẫn tạo được nét mềm mại chứng tỏ kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân.Nhìn từ 2 phía đều cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm nổi hẳn trên mặt gỗ. Các chi tiết được điêu khắc cầu kỳ, tinh xảo vô cùng ấn tượng, làm nổi bật lên sự tôn nghiêm của 18 vị La Hán và 8 vị Bát Tiên Quá Hải biểu tượng cho sự an bình, may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.

 

Kỷ lục bức Phù Điêu hai mặt tạc hình tượng 18 Vị La Hán và 8 Vị Bát Tiên Quá Hải trên gốc Dâu

Mặt chạm khắc 18 vị La Hán
 

 

Tác phẩm được chạm khắc cầu kỳ cả hai mặt. Một mặt chạm khắc 18 vị La Hán, trong Phật giáo, Thập Bát La Hán là 18 vị tu luyện tới cực hạn, vĩnh viễn giải thoát khỏi luân hồi, La Hán là đệ tử đắc đạo của Phật, là chính quả có tu hành cao nhất trong Phật giáo. Tu đến cảnh giới La Hán tức là đã đoạn tận buồn phiền của tam giới, diệt trừ những điều đã thấy, vĩnh viễn giải thoát luân hồi. Về mặt ý nghĩa, La Hán có thể coi là Vô Cực Quả hoặc Giải Vô Học Quả, biểu thị đã đạt tới cực điểm, học hết mọi thứ, không có gì không thể học.

La Hán trong Phật giáo có ba ý nghĩa:

Một là “sát tặc”, tức là loại bỏ mọi buồn phiền. Phật giáo dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê muội, vọng tưởng, nghi hoặc, bởi nó chính là nguyên nhân gây nhiễu loạn nội tâm thanh tĩnh, trở ngại chi tu hành, mang tới tình cảm tai hại. La Hán diệt bỏ mối họa này. Trong phong thủy ý nghĩa là giúp cho con người đỡ đi những lo toan, áp lực trong cuộc sống.

Hai là “ ứng cung”, gọi là chính quả La Hán, đã đoạn diệt với tất cả những nguyên nhân có thể dẫn tới sinh tử lưu chuyển, cả người thanh tĩnh, được trời cung dưỡng.

Ba là “vô sinh”, tức là La Hán đã tiến vào cảnh giới Niết Bàn vĩnh hằng bất biến, không cần bước vào luân hồi sinh tử, là cảnh giới bất sinh bất diệt. 18 vị La Hán đạt tới cảnh giới bất sinh bất diệt, được người người cung dưỡng, có thể cắt đứt tất cả cảm xúc nhiễu loạn tu hành.Trong phong thủy thì mang ý nghĩa là một cuộc sống khỏe mạnh, sống lâu sống khỏe.

 


Mặt chạm khắc 8 vị Bát Tiên Quá Hải
 

 

Một mặt còn lại của tác phẩm chạm khắc 8 vị Bát Tiên Quá Hải. Bát Tiên Quá Hải là những hình ảnh tượng trưng đại diện cho tính cách, các yếu tố, tầng lớp trong xã hội của con người vào những thời điểm khác nhau như: già có Trương Quả Lão, trẻ có Lam Thái Hòa và Hàn Tương Tử, chỉ huy có Chung Ly Quyền, phụ nữ có Hà Tiên Cô, thư sinh có Lã Động Tân, phú quý có Tào Quốc Cữu, quyền lực có Thiết Quản Lý. Tác phẩm mang hình ảnh 8 vị tiên vượt biển được khắc họa sinh động nhất, trong đó, mỗi vị tiên đều được khắc họa theo những nét đặc trưng riêng, đi cùng với mỗi vị tiên là một bảo bối. Mỗi bảo bối lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau: Bảo vật ngư cổ (trống cả) của Trương Quả Lão nói về mạng sống của con người, bảo kiếm của Lã Động Tân dùng để ngăn cản tà ma, chiếc sáo của Hàn Tương Tử khiến vạn vật sinh sôi nảy nở, hoa sen của Hà Tiên Cô dùng để tu thân dưỡng tính, hồ lô của Thiết Quản Lý có thể cứu giúp chúng sinh, chiếc quạt của Hán chung Ly có thể hồi sinh vạn vật, tấm ngọc của Tào Quốc Cửu có thể làm trong sạch môi trường, chiếc giỏ của Lam Thái Hòa có thể quảng thông thần minh. Vì vậy, hình ảnh Bát Tiên Quá Hải (8 vị tiên vượt biển) được bài trí trong nhà không chỉ nhằm mục đích trang trí, mà còn hướng đến những ý nghĩa tốt đẹp: diệt trừ cái ác, khắc chế hung tàn, mọi người hòa thuận sống với nhau vui vẻ hạnh phúc…
Với những ý nghĩa ấy, căn cứ đề xuất của ông Lê Văn Bạo, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Viện Sáng tạo Độc bản Việt Nam đã cử cán bộ, chuyên viên đi thực tế xem xét, thu thập tư liệu và hình ảnh để thực hiện việc xác lập Kỷ lục Độc bản cho Bức Phù Điêu Hai Mặt Tạc Hình Tượng 18 Vị La Hán Và 8 Vị Bát Tiên Quá Hải Trên Gốc Dâu Lớn Nhất Việt Nam.

 


Ông Đặng Huy Tuân - Phó Viện trưởng Viện Độc bản Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục Độc bản Việt Nam đến ông Lê Văn Bạo
 

 

Vào lúc 10h sáng ngày 30/12/2018, tại tư gia của ông Lê Văn Bạo (Thị Trấn Đinh Văn - Huyện Lâm Hà – Tỉnh Lâm Đồng) đã diễn ra buổi lễ công bố và trao tặng bằng xác lập Độc bản Kỷ lục Việt Nam cho Bức Phù Điêu độc đáo này.

Có thể nói đây là một tác phẩm độc đáo và đặc biệt, các chi tiết điêu khắc trên đó không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao mà còn chứa đựng những ý nghĩa tốt lành, mang lại sự thành công thịnh vượng, bình an viên mãn cho cả gia đình hiện tại và con cháu sau này.


Trinh Lê - Kyluc.vn