Tại sự kiện Hội nghị Khoa học về Ghép tạng Việt Nam diễn ra tối ngày 27/10/2017, Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng đã tiếp tục được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh ở các hạng mục Kỷ lục dành cho đơn vị và cá nhân.
Ca ghép tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam - Sở hữu: Học viện Quân y – Bộ Quốc phòng
Ca ghép đa tạng tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam được thực hiện vào ngày 1-3-2014 tại Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y. Người hiến tạng sau khi bị chết não là một người 34 tuổi (sinh sống tại Hà Nội) bị tai nạn giao thông đã góp phần quan trọng vào thành công này. Anh đồng thời hiến tụy, thận, gan cho y học, cho những người mắc bệnh hiểm nghèo cần phải được ghép tạng.

Các thầy thuốc tiến hành rửa tụy lấy từ người hiến tạng - Ảnh: http://www.qdnd.vn

Các thầy thuốc của kíp phẫu thuật đang cắt bỏ lá gan không còn chức năng của người bệnh - Ảnh: http://www.qdnd.vn
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 1-3-2014, ngay sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, các thầy thuốc của Học viện Quân y lập tức triển khai các đồng loạt kíp phẫu thuật tại 4 phòng mổ với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, nhân viên. Các bác sĩ đã tiến hành lấy tạng, rửa... Ca ghép thận bắt đầu lúc 6 giờ, hoàn thành lúc 9 giờ. Ca ghép gan hoàn thành lúc 16 giờ cùng ngày. Còn ca ghép tụy, thận bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm và tặng quà bệnh nhân sau ca ghép tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thành tựu này được bình chọn là một trong 9 sự kiện khoa học công nghệ ấn tượng trong năm 2014 và là một trong những sự kiện y học quan trọng này của Ngành y tế Việt Nam.

PGS.TS.BS Hoàng Mạnh An đại diện đón nhận bằng xác lập Kỷ lục - Ảnh VIETKINGS
Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam - Sở hữu: Học viện Quân y – Bộ Quốc phòng
Tháng 11/2016 Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não” thuộc chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chủ nhiệm đề tài là GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện.
Sau khi nhận nhiệm vụ, học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người bệnh tại Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản. Đồng thời, học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. Ngày 14/11/2016, học viện đã cùng với Bệnh viện Nhi trung ương chọn cháu Lý Chương Bình với chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia hội chẩn và chẩn đoán xác định tình trạng bệnh nhân giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định ghép phổi. May mắn sau khi vận động, giải thích, ngoài bố bệnh nhân, bác ruột đã đồng ý hiến phổi. Qua các xét nghiệm thăm khám, các chỉ số đều phù hợp để tiến hành ghép.
7h ngày 21/2, êkíp phẫu thuật bắt đầu tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân. Ca ghép kéo dài đến 17h30 cùng ngày. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy 2 thùy dưới của hai người cho và ghép vào phổi của cháu bé.

Ca ghép phổi đầu tiên được tiến hành ở Bệnh viện 103 vào ngày 21/2. Ảnh bác sĩ cung cấp.
Giáo sư Đỗ Quyết cho rằng ghép phổi cũng như những ca ghép tạng khác, đều có khó khăn riêng. Đặc biệt, phổi là cơ quan trao đổi oxy nuôi dưỡng cơ thể nên trước khi ghép, các bác sĩ phải đánh giá tổng thể cả người cho và người được ghép phổi. “Một trong những điểm khó trong ca ghép là phổi người cho bị tổn thương, nhiễm khuẩn. Nếu ghép phổi không khỏe, người được ghép phải dùng nhiều thuốc thải ghép, khó thành công. Rất may mắn, đối với ca ghép phổi này, mọi chỉ số và chức năng phổi cả trước và sau khi ghép đều rất tốt”, giáo sư Quyết chia sẻ.
Ca ghép phổi thành công là một dấu ấn quan trọng không chỉ của Học viên quân Y mà của cả nền y học Việt Nam.

GS.TS.BS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng đại diện đón nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam - Ảnh VIETKINGS
Cùng trao với hai Kỷ lục Tập thể, dịp này Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng vinh danh nhiều Nhà khoa học và các chuyên gia hàng đầu tại Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng. Chi tiết các Kỷ lục sẽ được Ban Biên tập đăng tải trong các bài viết tiếp theo.
Học viện Quân y (tiền thân là Trường Quân y sĩ Việt Nam, Thành lập ngày 10/3/1949) trực thuộc Bộ Quốc phòng. Qua quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, thầy thuốc, nhân viên, học viên, chiến sĩ trong toàn Học viện bằng nhiệt tình, trí tuệ và cả xương máu đã vun đắp nên bề dày thành tích và truyền thống đáng tự hào. Hiện nay, Học viện Quân y có 10 Phòng trực thuộc, 2 Bệnh viện thực hành (Bệnh viện 103 và Viện Bỏng Quốc gia), 1 Trường Trung cấp y, 4 hệ quản lý học viên, 7 trung tâm và gần 100 Bộ môn – Khoa. Học viện Quân y đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước phong tặng như Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; 2 lần Anh hùng LLVT Nhân dân trong thời kỳ Đổi mới và trong thời kỳ Kháng chiến Chống Mỹ; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất; 20 Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc... Học viện Quân y từng xác lập các Kỷ lục Việt Nam khác như "Bệnh viện ghép thận, gan, tim đầu tiên tại Việt Nam" (Năm 2011); Sự kiện có nhiều người cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người để phục vụ y học sau khi chết, chết não (Năm 2016). |