Năm 1985, ở Hà Thành nói riêng và Việt Nam nói chung xuất hiện một nghề thủ công mới: nghề "thúc đồng” nổi – tức sử dụng chạm, búa và nhiệt để thực hiện các thao tác nhằm thúc nổi từ mặt trái nguyên liệu, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo ý tưởng của nghệ nhân. Thúc đồng là sự kết hợp giữa hội họa và điêu khắc.

Người nghĩ ra và truyền lại nghề cho con mình là nghệ nhân Lê Văn Phú. Với những đóng góp cho sự gìn giữ, phát huy, làm giàu thêm nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam ở mảng tranh đồng thúc nổi, năm 1998 Lê Văn Phú là người duy nhất được thành phố Hà Nội công nhận là nghệ nhân. Năm 2010, Chủ tịch nước đã trao tặng cho ông danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Với dòng tranh thúc đồng, sau khi can hình vẽ, miếng đồng được khò nóng rồi dùng các "ve" để thúc xuống; phải thúc sao cho vừa tới và chi tiết sắc nét, uốn lượn hoặc võng theo ý muốn.

Cái khó là chỉ thúc ở mặt âm mà không nhìn thấy mặt dương, vì vậy nghệ nhân phải tưởng tượng và dựa theo kinh nghiệm. Trên 30 năm làm nghề cùng bộ đồ nghề tưởng rất đơn giản, chủ yếu là bu lông, ốc vít, những chiếc đinh cũ đủ kích cỡ và tay búa hơn 30 năm, các bức tranh được ông thực hiện hết sức độc đáo.

Có ba dòng tranh mà ông Phú đang theo đuổi, đó là tranh dân gian, tranh sáng tác và tranh dựa theo những họa tiết cổ.
