Nghệ sĩ ưu tú, Nhà văn Minh Chuyên xác lập kỷ lục Người viết về thời hậu chiến tranh nhiều nhất tại Việt Nam

09-01-2019

(Kỷ lục - VIETKINGS) Vừa qua, Tổ chức kỷ lục Việt Nam -VIETKINGS đã trao bằng xác lập kỷ lục cho nhà văn Minh Chuyên "Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh truyền hình về thời hậu chiến tranh tại Việt Nam nhiều nhất" tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.


Nhà văn Minh Chuyên được biết đến với những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Tính đến nay ông là người duy nhất có vị trí trong làng văn, chỉ bằng những trang viết người thật việc thật sau chiến tranh. Nhà văn Minh Chuyên đôn hậu và gần gũi, nhưng ở ông có đôi mắt khắc khoải, đôi mắt một người lính ngộn ngang yêu mến từng con người trên quê hương mình, khi mặt trận đã im tiếng đạn bom. Với trách nhiệm của người cầm bút, nhà văn Minh Chuyên đồng cảm, chia sẻ nỗi đau, di họa chiến tranh đang hiện hữu. Sự kết hợp “ba trong một” văn học, báo chí, điện ảnh giúp Minh Chuyên vừa có tư chất của một nhà văn tài hoa; phẩm chất nhà báo nhanh nhạy, tác chiến và một nghệ sĩ trực tiếp dàn dựng, đạo diễn nhiều bộ phim.

 


Nhà văn Minh Chuyên cùng Ông Trịnh Thúc Huỳnh - Nguyên GĐ, TBT Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Thường trực HĐ Xác lập Kỷ lục Việt Nam (thứ 2 từ trái qua) tại Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh
 

 

Sau 10 năm cầm súng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, đất nước thống nhất, anh bộ đội Nguyễn Minh Chuyên xin giải ngũ, trở lại theo đuổi nghề cầm bút mà anh ước mơ thuở nhỏ. Anh đã viết truyện ngắn đầu tiên “Bức thư mật” khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng cuộc kháng chiến giục giã anh xếp lại chữ nghĩa để lên đường giành lấy độc lập cho non sông. Năm 1976, chàng trai 28 tuổi của thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình quay về quê cũ làm báo địa phương. Có bút mực trong tay rồi, ông lang thang khắp nơi tác nghiệp và bất chợt nhận ra, trong trái tim mình vẫn day dứt khôn nguôi về những đồng đội dưới khói lửa dạo nào. Từ chút may mắn vượt qua mờ mịt chiến tranh và trở về vẫn còn nguyên vẹn hình hài, ông quặn thắt khi chứng kiến những người lính năm xưa đang lầm lũi hòa nhập đời thường với không ít thua thiệt. Những ngày sau giải phóng, khó khăn chồng chất, ông tự thắp lên ngọn lửa quyết tâm để ban ngày đạp xe đi tìm tư liệu, ban đêm hý hoáy viết bên ngọn đèn dầu nho nhỏ trong một xóm lao động nghèo. Lần lượt, từng bài bút ký của Minh Chuyên xuất hiện lay động xúc cảm người đương thời, như “Má Giáo”, “Nghị lực”, “Chiến tranh đã đi qua”, “Quãng đời huyền thoại”, “Nỗi oan trần thế”…

 


Một số tác phẩm Văn học về đề tài hậu chiến của Nhà văn Minh Chuyên
 

 

Ông là tác giả của hơn 300 tác phẩm (gần 30 cuốn sách bút ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học; 255 tập phim tài liệu…). Minh Chuyên viết nhiều thể loại, nhưng thể ký mới là thế mạnh của ông. Khởi đầu từ bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” xôn xao dư luận cả nước, Minh Chuyên khẳng định hướng đi riêng với hàng loạt bút ký nổi tiếng, như: Người lang thang không cô đơn, Di họa chiến tranh, Những linh hồn da cam, Người liệt sỹ có nửa linh hồn, Mười lần sinh tử, Không được thành người, Vết thương không mảnh đạn… Bút ký của anh là tư liệu sống, tố cáo tội ác chiến tranh với những di họa chiến tranh trong những người đang sống. "Mình vừa viết vừa khóc! Viết như một món nợ phải trả cho đồng đội mình”…

Ông còn là tác giả biên kịch và đạo diễn nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình, như phim tài liệu “Ông cố vấn” (5 tập), “Huyền thoại tàu không số” (12 tập), “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía” (25 tập), “Bức thông điệp lịch sử” (52 tập), “Bất khuất Côn Đảo” (15 tập)… phát trên sóng truyền hình Quốc gia cũng chủ yếu tập trung vào đề tài “Chiến tranh cách mạng và hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam”.

 


Nhà văn Minh Chuyên (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh tới khách tham quan.
 

 

Có lẽ nhà văn Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi bút ký “Đứa con màu da thú” của Minh Chuyên công bố trên báo chí khiến không ít người tưởng là chuyện… siêu tưởng. Thế nhưng, với một chút kiến thức chắt chiu được từ quân y và với sự nhạy cảm của nhà văn, ông vẫn kiên trì chứng minh có cái di họa chiến tranh khủng khiếp ấy bằng những trang viết “Nước mắt làng”, “Đứa con người lính”, “Mười lần sinh tử”…

Nhà văn Minh Chuyên vốn kiệm lời, và không mảy may có ý định nói về bản thân. Thậm chí, nếu gặp ông trên đường phố tấp nập những người thành thị ngày càng khôn ngoan đã biết làm dáng làm vẻ hơn, thì bức chân dung ông lúc nào cũng bàng bạc như lầm lũi, như lấm láp, như nhẫn nhịn. Thế nhưng, những việc ông làm trong âm thầm cũng đủ khẳng định sự thao thức và tận tụy của ông với cuộc sống mỗi ngày. Trang bút ký viết về chất độc da cam của Nhà văn Minh Chuyên hoàn toàn là những bằng chứng có thể thuyết phục những người thiện chí yêu chuộng lẽ phải trên thế giới, khi nhìn lại di họa chiến tranh đã trút xuống đất nước và con người Việt Nam.

 


Nhà văn, Kỷ lục gia Minh Chuyên đón nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam
 

 

Khi được đặt câu hỏi: Hiện nay ông còn có ý định viết về đề tài Chiến tranh cách mạng và hậu chiến nữa không thì ông trả lời “Tôi vẫn tiếp tục viết. Nhà xuất bản Văn học đang chuẩn bị in hai tác phẩm của tôi, đều là đề tài chiến tranh và hậu chiến…”


Phạm Huê - Kyluc.vn