(VietKings Values ‎‎2005-2017) Chân dung Kỷ lục gia Việt Nam (P.28) Tôn Nữ Hỷ Khương - Nhà thơ nữ có thơ in trên lịch nhiều nhất

09-09-2017

(Kỷ lục - VietKings) Thơ của bà mang âm hưởng ca dao, tục ngữ nên mọi người không còn biết là của ai mà ai cũng nhớ, cũng thuộc đôi câu

 

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương năm nay đã gần 80 tuổi. Bà sinh ra trong một gia đình làm thơ cha truyền con nối, đến bà là đời thứ năm. Từ ông sơ là vua Minh Mạng đến ông cố là người con thứ 11 của vua là Tuy Lý Vương Miên Trinh, người được nhắc trong câu thơ của vua Tự Đức "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường". Đến ông nội bà là Tiểu Thảo Hồng Thiết, sang cha bà là Ưng Bình Thúc Giạ Thị và đến Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, kéo dài đến nay đã trên 190 năm.

 

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tại nhà riêng, bên tảng đá có ghi thơ mình do bạn đọc gửi tặng

 

Thời thơ ấu, bà có may mắn gần cha nhiều và được ông cụ dạy cho cách làm thơ. Với cha bà, thứ nhất thơ phải rõ nghĩa, thứ hai trong thơ phải có nhạc và chính thơ có nhạc thơ mới "bén rễ" sâu trong lòng người!

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương sáng tác nhiều bài thơ nhưng ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người đọc là bài thơ Còn gặp nhau. Vào năm 1964, Giáo sư Trần Văn Khê và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã kết nghĩa làm anh em. Năm 1993, Giáo sư Trần Văn Khê theo phái đoàn của Tổng thống Francois Mitterand (Pháp) về thăm Việt Nam. Trước khi trở về Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê có nhắn bà đến để giã biệt. Nhưng do bị đau, bà không thể đến có gửi cho ông một bài thơ dài.

 

Lời bài thơ Còn gặp nhau

 

Trong bài thơ đó có 4 câu sau, "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi, Chỉ có tình thương để lại đời". Về sau, bà cảm nhận ý tình mạch thơ vẫn dồi dào tuôn chảy đã khiến bà viết tiếp 6 đoạn làm nên một bài thơ hoàn chỉnh. Từ khi ra đời, Còn gặp nhau không chỉ được người đọc yêu mến mà còn được nhiều nhà thư pháp thể hiện trên những bức thư pháp và trên những tờ lịch treo tường.

Năm 2004, bài thơ Còn gặp nhau đã được Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News in trên lịch 7 tờ với thư họa của họa sĩ Vũ Hối. Cứ thế vào mỗi dịp đầu xuân, Trí Việt lại "đưa" thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lên lịch và được nhà xuất bản Trẻ cấp phép xuất bản.

 

Thơ của bà trên Lịch năm mới 2008

Tuyển tập thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

 

Tiếp theo, các công ty như Công ty văn hóa Hương Trang, Công ty An Hảo, Công ty TNHH một thành viên 789 (Bộ Quốc Phòng)... đã in Còn gặp nhau, Hãy cho nhau cùng những bài thơ khác của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lên các cuốn lịch Bloc, lịch 7 tờ, lịch năm, lịch để bàn, Agenda... phát hành rộng rãi trong nước, thông qua các nhà xuất bản Trẻ, Văn Nghệ, Hội Nhà văn... Ngoài ra, còn nhiều nơi in thơ bà trên lịch.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã in các tập thơ như: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2005), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng cha mẹ (2007), Hồi ức về cha tôi “Ưng Bình Thúc Dạ Thị” (1996, tái bản bổ sung vào 2002, 2011).

Nhiều người nhận xét, thơ của bà mang âm hưởng ca dao, tục ngữ nên mọi người không còn biết là của ai mà ai cũng nhớ, cũng thuộc đôi câu như những câu hò của cha bà: Chiều chiều trước bến Văn Lâu..., thơ bà đã đi vào những cánh thiệp mừng Xuân, mang lời chúc đầu năm đến cho mọi người, rồi thơ còn được khắc trên đá... như thế. Cũng như cha mình, thơ của bà vượt thoát khỏi sự làm dáng của câu chữ, dù bản thân bà là “lá ngọc cành vàng” chính hiệu. Đáng quý hơn, thơ Hỷ Khương còn đứng riêng ra khỏi cái bóng quá lớn của Ưng Bình Thúc Dạ Thị.

 


QN - Kyluc.vn (Tổng hợp)