(VietKings Values ‎‎2005-2017) Chân dung Kỷ lục gia Việt Nam (P.33) TS Lê Văn Tuấn và Quyển sách âm nhạc CROR độc đáo

14-09-2017

(Kỷ lục - VietKings) TS Lê Văn Tuấn sinh năm 1953 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Kỹ sư ngành năng lượng tại Belarus và sinh sống tại TP.HCM. TS Lê Văn Tuấn được xem là cha đẻ của dòng nhạc CROR.

 

TS Lê Văn Tuấn được xem là cha đẻ của dòng nhạc CROR.
 

Hiện ông là Tổng đại diện Unesco Việt Nam tại Phía Nam. TS Lê Văn Tuấn là người đã có công rất lớn trong việc nghiên cứu và khai sinh ra loại âm nhạc CROR (viết tắt của 4 chữ: Clasic, Romantic, Opira và Rock).  Ở Việt Nam, nhiều người khi lần đầu tiên nghe đến từ “nhạc CROR” thì thấy hơi lạ lẫm, tuy nhiên, khi đã tìm hiểu, lắng nghe và có độ cảm nhất định thì không khỏi bất ngờ vì sự tuyệt vời, sự quyến rũ của dòng nhạc này. CROR vừa kết hợp những giá trị truyền thống, vừa hướng đến tương lai, vừa chở nặng hồn dân tộc lại vừa hòa nhịp với âm nhạc của nhân loại. CROR chính là kết hợp của 4 dòng nhạc chính thống, nhưng không bị gò bó trong những khuôn khổ riêng biệt mà hòa quyện thành một dòng chảy chan hòa cùng nhau mang một sắc thái mới lạ hơn, du dương hơn và thấm đẫm những tiếng nói rạt rào của cảm xúc. Đó là sự giao hòa giữa Clasic - Romantic - Opera - Rock (CROR chính là viết tắt của 4 chữ cái đầu tên các dòng nhạc trên). Sự giao thoa kỳ diệu của âm thanh đã làm nên một dòng nhạc mà người nghe thấy con tim xao động, vỡ òa, sảng khoái lạ thường nhưng lại không lẫn với các dòng nhạc khác. Đây cũng là một lối nghe nhạc mới mà người muốn thưởng thức cần phải có đôi tai mới, một tâm hồn và một con tim mới.

Nói về dòng nhạc này, Cố Giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ: "CROR đã đưa vào đầy đủ màu sắc của tất cả các thể loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam. Bốn dòng nhạc Classic (cổ điển), Romantic (lãng mạn, phục hưng), Opera (nhạc kịch thế kỷ XVII) và Rock (thế kỷ XX). Mỗi dòng nhạc kết hợp hàng trăm năm, nên thật sự không phải điều đơn giản. Một bản nhạc tấu lên, nó không hề đơn côi, lỏng lẻo mà trái lại, nó thấm đẫm tình cảm, triết luận sâu sắc về cuộc sống nhân gian”.

 

TS Lê Văn Tuấn với cố GS Trần Văn Khê trong một đêm nhạc CROR.

 

CROR là công trình nghiên cứu, sáng tạo của Lê Văn Tuấn từ năm 1970, đến năm 2010 CROR được chính thức công diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh và tại Ấn Độ năm 2012. CROR không chỉ là một dạng nhạc “phá cách”, “tự biên tự diễn” mà Tiến sĩ, nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn đã xây dựng âm nhạc CROR thành một công trình sáng tạo độc đáo và tầm cỡ. Ông cho ra mắt cuốn sách “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc CROR” thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước bởi những lý thuyết nền tảng của âm nhạc CROR cực kỳ uyên thâm, sáng tạo.

 

TS Lê Văn Tuấn bên cuốn sách “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc CROR”

 

Cuốn sách nhạc khổng lồ này gồm 430 trang, làm từ giấy ivory 400, in phun kĩ thuật số, cán màng PP. Bìa sách làm bằng gỗ, hình bìa tráng laminad bóng, với độ dày trang bìa là 3cm. Với kích thước: ngang 1,2m; cao 1,6m; dày 0,28m; sách nặng 250kg, đặt trên giá đỡ bằng sắt ốp gỗ, kích thước 1,3m x 2,8m. Cuốn sách này xác lập kỷ lục là Cuốn sách âm nhạc được ấn loát với kích thước lớn nhất vào năm 2011, sau đó được đưa vào lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh) thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ). Sách đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập: "Quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo được ấn loát với kích thước lớn nhất” châu Á vào năm 2012.

 

TS Lê Văn Tuấn và mẹ trong dịp ông nhận danh hiệu Tiến sĩ Danh dự từ Đại học Kỷ lục Thế giới

 

Với luận án "Quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo”, ông được Đại học Kỷ lục Thế giới trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự vào ngày 21.9.2013. Đến năm 2015, Liên Minh Kỷ lục Thế giới chính thức ghi nhận Kỷ lục "Âm nhạc CROR” – Cuốn sách độc bản khổ siêu đại giới thiệu về dòng nhạc CROR với hình thức và nội dung sáng tạo mới lạ nhất” đến Ông.


Kyluc.vn (Tổng hợp)