Kinh Môn là một trong hai huyện, thị xã miền núi của tỉnh Hải Dương. Nơi đây là vùng nhân kiệt, địa linh. Tạo hóa đã ban tặng cho Kinh Môn phong cảnh thiên nhiên kỳ thú. Bằng ý thức của lớp lớp thế hệ người dân, nên hiện trên mảnh đất này, nhiều di sản văn hóa vẫn được bảo tồn. Nổi bật là Quần thể Di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 22/12/2016. Theo nghiên cứu, quần thể di tích lịch sử và danh thắng An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương có nhiều giá trị độc đáo, gồm: Đền Cao, chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ, Động Kính Chủ và chùa cùng hệ thống hang động núi Nhẫm Dương.
Nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Hải Dương, Đền Cao An Phụ huyện Kinh Môn như một dải lụa điểm xuyết cho bức tranh đồng bằng Bắc Bộ.
Phía trước là chùa Tường Vân rêu phong đã hàng trăm năm, tục gọi là chùa Cao vì nằm trên đỉnh núi cao nhất của An Phụ, xung quanh còn nhiều cây cổ thụ 600 - 700 năm tuổi, đặc biệt là cây Đại phía trước chùa như một bậc cao niên cằn cỗi vẫn đứng đó như nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này.
Cổng vào chùa Cao
Nhìn xuống dưới là Giếng Ngọc đầy nước, trong vắt như bức gương lớn phản chiếu phong thủy cho ngôi chùa, quanh năm không hết nước, tương truyền trước đây cụ Từ thường lấy nước để cúng ngày mùng 1 và 15 (âm lịch) (còn gọi là ngày sóc, ngày vọng).
Giếng Ngọc
Lên đền An Sinh Trần Liễu, không gian choáng ngợp bởi xung quanh là khoảng không vô hạn, có thể nhìn được bốn phương tám hướng, một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Ngôi đền này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, thờ An Sinh Vương Trần Liễu.
Đền An Sinh Trần Liễu
Đứng trên đỉnh cao nhất, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng hữu tình của trời mây non nước, những dòng sông uốn lượn như dải lụa, cánh đồng bạt ngàn chia thành từng ô vuông vức, những ngôi làng nhỏ phân khu địa phận, những con đường dọc, ngang. Tất cả tạo nên một bức tranh muôn màu. Theo đường mòn quanh sườn núi. Một không gian choáng ngợp với bức tượng Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo cao sừng sững, hùng dũng tọa tại chân tam quan đền Cao. Tượng đài đặt ở độ cao gần 200 mét, thấp hơn đền An Sinh Vương chừng 50 mét, cách đền Cao về phía trước 300 mét.
Tượng đài Trần Hưng Đạo - Núi An Phụ - Kinh Môn
Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chống quân xâm lược Mông-Nguyên ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Tượng đài được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên ngày 20/8 năm Quý Dậu tức ngày 5/10/1993, tượng đức Thánh được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hoá, cao 9,7 mét, gồm 65 viên, chia thành 8 thớt, gia cố bằng lõi bê tông cốt thép, đặt trên bệ cao 3 mét, cả tượng và bệ cao 12,7m, và quý khách có thể nhìn lên khuôn mặt của tượng Đại Vương được tạo ở độ tuổi 55-60, sau khi hoàn thành 3 cuộc kháng chiến thắng lợi, sống trong khung cảnh đất nước thanh bình. Bức tượng thể hiện rõ sự văn võ song toàn của vị tướng, chân dung quắc thước, nhưng nhân hậu, thể hiện tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu.
Ngày 18/8 năm Mậu Dần tức ngày 8/10/1998 công trình tượng đài đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 698 năm ngày mất của Đại Vương sau 5 năm vượt qua khó khăn, gian khổ để thi công công trình. Tượng đài Quốc công Tiết chế Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là một công trình văn hóa lớn thể hiện ý nguyện tâm linh của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hải Dương, với tấm lòng tôn kính người anh hùng dân tộc. Tượng được đặt ở dưới chân đền Trần Liễu mang ý nghĩa nhân văn. Công trình sẽ là nguồn động lực khích lệ lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết trong các thế hệ người dân Hải Dương trong công cuộc xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng vững mạnh. Đây là "Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng chất liệu đá xanh lớn nhất Việt Nam" được ghi nhận Kỷ lục năm 2013.
Cận cảnh bức phù điêu kỷ lục
Bên cạnh tượng là bức phù điêu được làm bằng chất liệu gốm Làng Cậy mô tả ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII dài nhất Việt Nam như một pho sử lớn, dãy trường thành lịch sử đang hiện hữu như nhắc nhở con cháu về chiến công anh hùng của cha ông. Bức phù điêu do các nghệ nhân Làng Cậy (xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đúc và nung đốt theo phương pháp thủ công dài 45m, cao trung bình 2,5m gồm 526 mảng. Đây là "Bức phù điêu bằng chất liệu gốm Làng Cậy mô tả ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII dài nhất Việt Nam" xác lập Kỷ lục năm 2013.
Với một tổng thể kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp, đền Cao – An Phụ đã cuốn hút lượng khách rất đông về hành hương và thưởng ngoạn phong cảnh.