Làng cổ Phước Lộc Thọ mang một vẻ đẹp hoài cổ. Đến đây, du khách như được đắm mình trong không gian cổ xưa, như đang trở về với nguồn cội, Làng Cổ Phước Lộc Thọ tọa lạc tại vùng đất Đức Hòa, Tỉnh Long An, nơi tiếp giáp chuyển vùng từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, tạo cho Làng Cổ Phước Lộc Thọ một bản sắc riêng độc đáo vừa mang vẻ đẹp của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, vừa có nét duyên của miền Đông Nam bộ. Nơi đây có một dòng sông yên bình, êm ả, thơ mộng uống cong chảy qua mang tên Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ ca, lịch sử, và còn là nơi sinh sống của người Phù Nam xưa như khu di tích Bình Tả thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ xưa.
Với hơn 22 căn nhà gỗ cổ trên khắp 3 miền nước Việt, và hàng trăm đồ vật, cổ vật quý từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày của vua chúa, quan quân, địa chủ, người dân đến các vật tâm linh văn hóa của người Việt được bày trí theo từng gian nhà gỗ được phục dựng và lưu giữ tại Làng cổ Phước Lộc Thọ. Trong năm 2012, Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho Điểm du lịch Làng Cổ Phước Lộc Thọ - Nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam.
Ảnh Làng Cổ Phước Lộc Thọ
Bộ tượng Phước Lộc Thọ bằng đá cẩm thạch phục vụ du khách chiêm bái và thắp hương cầu nguyện
Nơi đây rất phù hợp cho những ai thích thú vẻ đẹp hoài cổ, đam mê tìm hiểu giá trị phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường nhật của người Việt Xưa. Khi đến Làng Cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị, từ mỗi căn nhà gỗ mang phong cách 3 miền Bắc, Trung, Nam được phục dựng xen lẫn với những cảnh quan thiên nhiên, sông nước hữu tình đến các vật dụng sinh hoạt bằng đủ mọi chất liệu gỗ, sắc, đồng, gốm sứ…đang dạng niên đại, phong phú chủng loại.
Có thể nói đây là bộ sưu tập góp phần bảo lưu nét độc đáo trong mỹ thuật kiến trúc gỗ. Bản thân mỗi căn nhà là một sự kết hợp hài hòa theo triết lý âm dương - Ảnh Làng Cổ Phước Lộc Thọ
Ngôi nhà chữ Công với 104 cột, mang phong cách Bắc Bộ. - Ảnh: Vnexpress
Các nhà gỗ gồm nơi đây nhà chữ công dài 28m, rộng 16,5m, cao 6,7m có 104 cột gỗ, chia làm 5 loại với chu vi tương ứng 105cm, 100cm, 90cm, 85cm, 70cm; Nhà 3 gian 2 chái dài 16,5m, rộng 11m, cao 6m, 48 cột.; Nhà 3 gian 2 chái mái hiên: dài 20m, rộng 16m, cao 7,2m, 56 cột.; Nhà 5 gian 3 chái: dài 27m, rộng 17m, cao 7,5m. Hai chái hai bên dài 3,5m, rộng 3m, 74 cột. Nhà rường Huế: dài 13m, rộng 8m, cao 4,85m, có 34 cột, v.v.. Nội thất bên trong có hoa văn đa dạng như tứ linh, tứ thời, tứ quý...
Các ngôi nhà rường Huế tại làng cổ mang phong cách cung đình với chất liệu sơn son thếp vàng và được chạm trổ rồng phượng rất tinh xảo và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ - Ảnh: Vnexpress
Cụm nhà Nam Bộ bao gồm các ngôi nhà rường 3 gian 2 chái được chạm trổ hoa văn đơn giản, không gian khoáng đảng mang đậm chất Nam bộ. - Ảnh: Vnexpress
Nhà sàn Tây Nguyên (nhà 2 tầng), dài 15,5m, rộng 12,5m, cao 10m với 28 cột. Nhà sàn dân tộc Kh'mer dài 10m, rộng 5,5m, sàn dưới cao 2,25m, sàn trên cao 4,3m; Nhà sàn dân tộc Thái: dài 8m, rộng 7,5m, cao 6,1m. 3 nhà sàn Tây Nguyên: căn 1 dài 9,5m, rộng 8m, sàn dưới cao 2,8m, sàn trên cao 4,3m. Căn 2: dài 10m, rộng 5,5m, sàn dưới cao 2,45m, sàn trên cao 4,6m. Căn 3: dài 10m, rộng 5,5m, sàn dưới cao 2,45m, sàn trên cao 4,6m.
Tại Phước Lộc Thọ có 6 căn nhà sàn của các dân tộc khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như đế cột gỗ mang hình dạng chiếc gùi quen thuộc của người dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ các vật dụng thường nhật của người dân Tây Nguyên.- Ảnh: Vnexpress
Nhà rọi khu vực Tây Ninh dài 11,5m, rộng 8m, cao 5,4m. 2 nhà trính; nhà tứ giác bát dần (3 gian, 1 tiểu lầu) dài 12,5m, rộng 9,5m, cao 7,5m. Tiểu lầu cao 3,1m.
Chất liệu của các nhà gỗ này chủ yếu căm xe, gõ, trắc, dầu, cẩm lai. Kiến trúc gỗ gồm có 5 cổng tam quan, 2 lục giác, 3 tứ giác có phong cách, hoa văn đa dạng.
Nơi đây bài trí rất nhiều cổ vật hoặc những vật dụng thời xưa
Làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Tỉnh Long An công nhận là Điểm du lịch và mở cửa đón khách tham quan, vui chơi giải trí, dã ngoại, sưu tập những bộ album cưới, tổ chức tiệc cưới, sự kiện cho du khách có nhu cầu.
Đến làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách không chỉ có dịp khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn từ những ngôi nhà cổ mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa người Việt ở vùng sông nước Cửu Long dọc theo dòng sông Vàm Cỏ hay văn hóa Óc Eo cổ xưa, thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Long An và miền sông nước, nghe các làn điệu dân ca, những bài dạ cổ ngọt ngào, da diết…