Hai phi hành gia Gorbatko và Phạm Tuân vào ngày 23/7/1980, tại sân bay vũ trụ Bakonur ở Kazakhstan trước khi bay vào vũ trụ bằng phi thuyền Soyuz 37. Ảnh: Tư liệu
TỪ CHUYẾN BAY LỊCH SỬ
Anh hùng Phạm Tuân cho biết, quá trình thi tuyển phi công rất khắt khe theo tiêu chuẩn chương trình Intercosmos. Để được chọn trở thành phi hành gia của phi vụ, cả phi công Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đều được huấn luyện trong thời gian 16 tháng. Cả hai người đều có cơ hội như nhau để bay vào vũ trụ nhưng chỉ có một người được chọn.
Ngày 21/7/1980 tức là chỉ 3 ngày trước khi bay, Hội đồng Quốc gia mới thông báo Phạm Tuân là người được chọ là phi công bay chính cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko, tức chỉ trước giờ bay 3 ngày. Lúc này hàng loạt công việc phải chuẩn bị, từ việc kiểm tra những công việc cần làm trên vũ trụ, sắp xếp thứ tự các hành động.
Gorbatko (trái) và Phạm Tuân huấn luyện trước khi thực hiện chuyến du hành kéo dài gần 8 ngày, bao gồm 6 ngày trên trạm không gian Salyut 6. Ảnh: TTXVN
Chuyến bay lịch sử bắt đầu từ 21h33 ngày 23/7/1980 (theo giờ Moskva) từ sân bay vũ trụ quốc tế Baikonur, Liên Xô, hướng thẳng đến trạm vũ trụ Salyut 6. Đây là lần phóng thứ 13 và lần kết nối thành công thứ 11 của tàu vũ trụ Soyuz với trạm.
Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (bên phải) - Gorbatko chuẩn bị vào bệ phóng Ảnh: Tư liệu
Khi đã vào quỹ đạo, tàu vũ trụ chuyển động với vận tốc 7,9km/giây. Ở độ cao và điều kiện này, mọi phép đo kiểm về sức khỏe của phi công khi thực hiện ở mặt đất dù tốt đến đâu cũng không đảm bảo được điều gì. Dù thế, chuyến bay vẫn diễn ra thành công, kết nối được với trạm không gian và trở về Trái đất an toàn vào lúc 18h15 ngày 31/7/1980.
Theo đó, Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân ở trong không gian tổng cộng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Tàu Liên hợp 37 khi được phóng lên quỹ đạo, có nhiệm vụ ghép nối với tổ hợp Chào mừng 6 - Liên hợp 36 (Salyut 6-Soyuz 36). Ở đây, họ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cùng với hai nhà du hành vũ trụ khác của Liên Xô là L.Popov và V.Riumin. Trong chuyến đi, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất, tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik. Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.
Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân ký tên vào khoang hạ cánh của tàu Liên hợp 37 sau khi trở về Trái đất. Ảnh: Quang Thành-TTXVN
Sau những ngày làm việc khẩn trương và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco chuyển sang tàu Liên hợp 36 để trở về Trái đất. Khoang đổ bộ của tàu Liên hợp 36 đã hạ cánh chính xác xuống khu vực đã được định trước cách không xa sân bay vũ trụ Baikonur.
Sau chuyến bay, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo đó là Huân chương Lenin. Ảnh: Tư liệu
"Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy quả đất tròn xoay nằm lơ lửng giữa một không gian xanh thẳm, trong không gian không trọng lực, cảm giác rất đặc biệt. Thú vị thứ hai là ngày đêm chỉ kéo dài trong 90 phút, trong đó 60 phút ban ngày, 30 phút là đêm. Tàu bay qua tất cả các nước… Tôi đã cố gắng tìm dải đất hình chữ S thân thương để ngắm nhìn. Trước đó tôi cũng lái máy bay rất nhiều nhưng để bay cao như thế thì có lẽ cả đời chỉ có một, cảm giác quá tự hào" - Nhà du hành Vũ trụ Phạm Tuân
ĐƯA VIỆT NAM CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH QUỐC GIA CHÂU Á ĐẦU TIÊN CHINH PHỤC VŨ TRỤ
Bay vào vũ trụ nên rất hạn chế khối lượng và trọng lượng mang theo, đối với cá nhân chỉ được mang thư từ, ảnh của gia đình. Ngoài ra, Anh hùng Phạm Tuân được giao nhiệm vụ mang một nắm đất Ba Đình, một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, ảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn, 2 huy hiệu Bác Hồ và một lá cờ Tổ quốc. Tất cả những thứ đó được mang lên, đóng dấu trên tàu, được ghi nhận chính thức đã vào vũ trụ.
Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như đối với Liên bang Nga ngày nay.
Phóng viên báo đài Liên Xô phỏng vấn hai nhà du hành vũ trụ vừa hoàn thành sứ mệnh của mình. Ảnh Nhat Nam
Có thể nói, đối với người Việt Nam, chuyến bay này là một sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa chính trị, khoa học, kinh tế quan trọng. Chuyến bay đã chứng minh trí tuệ Việt Nam có thể vươn dần lên với trình độ chung của khoa học thế giới. Thành công của chuyến bay đã tỏ rõ những khả năng to lớn của con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân Việt Nam đã làm chủ đất nước và cuộc sống, và vươn tới một thời kỳ phát triển rực rỡ hơn nữa trong lịch sử của mình.
ĐẾN KỶ LỤC VIỆT NAM VÀ CHÂU Á: NGƯỜI ĐẦU TIÊN BAY VÀO VŨ TRỤ
Năm 1980 nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh. Ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin. Ông là người được 3 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô).
Năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã tôn vinh Anh hùng Phạm Tuân với Kỷ lục "Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam".
Với những giá trị của chuyến bay lịch sử này, nhân kỳ Hội ngộ Kỷ lục gia Thế giới lần thứ 4 diễn ra tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào tháng 9 năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức trao tặng Kỷ lục đến Anh hùng – Trung tướng Phạm Tuân của Việt Nam: Người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Anh hùng – Trung tướng Phạm Tuân đón nhận bằng Kỷ lục Châu Á trong năm 2022 (Ảnh VietKings)
Anh hùng – Trung tướng Phạm Tuân hiện là Chủ tịch Danh dự Hệ thiên cầu Kỷ lục SPHERE.6 – một dự án do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sáng lập.
Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân sinh ngày 14 tháng 2 năm 1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng Không quân Nhân dân Việt Nam năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967 và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B-52 (tiêm kích bay đêm yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhiều so với lái tiêm kích ban ngày). Ông cũng là phi công đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn khi bắn rơi máy bay B52 của Mỹ vào đêm 27/12/1972. Năm 1973, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Năm 1977, ông được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ 6 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1 tháng 4 năm 1979. Khi lựa chọn phi công người Việt Nam vào vũ trụ, ông là lựa chọn cuối cùng cho đủ 4 suất. Sau 15 tháng chuẩn bị kỹ thuật và thể lực cho chuyến bay vào vũ trụ, Phạm Tuân bước vào thực hiện sứ mệnh lịch sử làm rạng danh đất nước Việt Nam vào năm 1980. Năm 1989, ông là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ năm 1999, ông mang quân hàm Trung tướng của Không quân Việt Nam, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 2000). Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (Military Commercial Joint Stock Bank - tên viết tắt: MB); đồng thời giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty trực thuộc ngân hàng này. Đầu năm 2008, ông nghỉ hưu theo quyết định của Chính phủ. |