GWK được thiết kế vào năm 1990 bởi Nyoman Nuarta dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Du lịch khi đó là Joop Ave. Bộ trưởng Năng lượng Ida Bagus Sudjana và Thống đốc Bali Ida Bagus Oka. Tuy nhiên dự án đã phải tạm hoãn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Phải tới năm 2018, tức là 28 năm sau, bức tượng mới được hoàn thiện và khai trương.
Bức tượng được ấy cảm hứng từ một sự kiện bắt nguồn từ Ấn Độ giáo về việc Garuda tìm kiếm Amrita, thần dược của sự sống. Theo câu chuyện này, Garuda đã đồng ý để Vishnu cưỡi lên mình, đổi lại vị Á thần này có quyền sử dụng tiên dược để giải thoát cho người mẹ nô lệ của mình.
Tổng chiều cao của tượng đài, bao gồm cả bệ cơ sở 46 mét là 122 m. Bức tượng khổng lồ nặng 4000 tấn - nặng nhất ở Indonesia – gồm 24 đoạn và được lắp ráp từ 754 mô-đun, đặc biệt có 11 dầm thép khổng lồ kết hợp với nhau để nâng đỡ phần đuôi của bức tượng. Tác phẩm nghệ thuật này được làm bằng đồng và đồng thau, với khung và xương bằng thép không gỉ, được hỗ trợ bởi 21.000 thanh thép, 170.000 bu lông.
Vương miện của thần Vishnu được khảm vàng và bức tượng có bố trí ánh sáng chuyên dụng. Phần đế của bức tượng được sử dụng như một nhà hàng, bảo tàng và phòng trưng bày. Tượng Garuda Wisnu Kencana được thiết kế để chống chọi với bão và động đất, và dự kiến sẽ tồn tại trong 100 năm tới.
Theo Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Aseanrecords.world) – Vietkings