Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn: Những giá trị mãi còn dù người đã về cõi hư không

06-09-2018

(Kỷ lục - VietKings) Từ bức ảnh đầu tiên được chụp năm 1948, cho đến nay đã tròn 70 năm, người tạo ra những tấm ảnh ấy cũng đã qua đời 46 năm, nhưng những thước phim được thực hiện trong những tháng năm gian khổ ấy đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Nhà nhiếp ảnh mà bài viết nhắc tới chính là cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn. Người vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh trong Hội ngộ Kỷ lục Việt Nam diễn ra ngày 26/8 vừa qua.

Nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn, tên thật là Ngô Đức Đẩu, sinh năm 1911 tại làng Quỳnh Sơn, nay thuộc xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước ông vào Sài Gòn học nghề ảnh và làm thuê cho các hiệu ảnh ở đây. Đến năm 1936, ông trở về Nghệ An sinh sống bằng nghề nhiếp ảnh và đặt tên hiệu ảnh chính là tên ngôi làng của mình. Bút danh Quỳnh Sơn cũng bắt đầu như thế.

 


Chân dung cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn - Ảnh gia đình cung cấp
 

 

Thời đó, tiệm ảnh của ông lúc nào cũng đông khách, hình ảnh chủ hiệu tài hoa và nghệ sĩ đến nay vẫn còn được nhiều người già nơi đây nhớ đến. Nhưng đặc biệt nhất là, ngoài việc chụp ảnh để sinh nhai, ông đã sớm ý thức được trách nhiệm công dân của mình. Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ cùng trái tim nhiệt huyết của một công dân khi đất nước lâm vào cảnh binh đao, bằng chiếc máy ảnh cũ kỹ trong tay, ý thức được sự diệu kỳ của khoảnh khắc bấm máy. Ông tự nguyện bỏ cả phòng chụp của mình, tiền bạc và công sức để ghi lại những hình ảnh quý giá nhất của quê hương trong những năm kháng chiến thần kỳ của dân tộc.

Nghệ An thời kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do khu 4 cũ, giặc Pháp vẫn dùng máy bay đánh phá ác liệt. Chúng còn dùng tàu thủy đổ quân lên vùng Lạch Quèn, thẳng tay bắn giết, cướp bóc đồng bào. Để ghi lại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, ông không quản gian khổ, bất chấp sự an nguy đến tính mạng, để cho ra đời những bức ảnh mang tính thời sự đậm nét như: “Thanh niên cầu Giát tòng quân”; “Mua công trái ủng hộ kháng chiến”; “Gây quỹ Liên Việt”; “Lớp cứu thương Quỳnh Lưu”; “Lễ tưởng niệm Đại nguyên soát Stalin ở vùng cách mạng khu Bốn”; “Cầu Giát cháy trong trận càn”; “Đắp đường phục vụ kháng chiến”…

 


Những tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn được chính tay tác giả đã tỉ mỉ ghi chép đầy đủ nội dung về thời điểm cùng địa phương nơi diễn ra sự kiện lịch sử
 

 

Dẫu là những hình ảnh thời chiến nhưng các tác phẩm của Quỳnh Sơn vẫn mang nhiều dấu ấn nghệ thuật và tâm hồn lãng mạn của người cầm máy. Ông ghi nhận ở nhiều góc độ của cuộc kháng chiến với tinh thần lạc quan và khẳng định một niềm tin cho ngày toàn thắng của dân tộc. Có thể thấy được điều này qua các tác phẩm: “Lễ trao huân chương trong vùng tự do”; “Hoan nghênh chính sách tôn giáo của Hồ Chủ tịch và Chính phủ”; “Bình bầu chiến sĩ thi đua nông nghiệp”; “Một gia đình mua công trái giỏi”; “Chuẩn bị cho lễ duyệt binh”… Chiêm ngưỡng những bức ảnh này, người xem nhận ra những dấu ấn lịch sử của từng vùng đất mà ông đã đi qua, thể hiện được những nét đặc thù của quê hương mình: Có rừng, có biển, có những cánh đồng bao la và đặc biệt là có những con người thuần hậu, chất phác…

Là người chứng kiến sự đam mê hết mình của cha, một trong những người con của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn – Kỷ lục gia Ngô Minh Đạo, nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, người từng vinh dự được tháp tùng rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác ở gần 60 nước trên thế giới không bao giờ quên được hình ảnh của cha mình trong những năm tháng khó khăn nhất, đã tự nguyện bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc bằng trái tim nhạy cảm. Ông Đạo kể: “Cha tôi sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số ở vùng có chiến sự để chụp cho được một bức ảnh. Cụ sẵn sàng đưa vợ con đi lánh nạn để một mình quay trở lại chụp những hình ảnh khốc liệt nhất của chiến tranh…”. Theo ông Đạo, điều đặc biệt của những bức ảnh do nghệ sĩ Quỳnh Sơn chụp là chính tay tác giả đã tỉ mỉ ghi chép đầy đủ nội dung về thời điểm cùng địa phương nơi diễn ra sự kiện lịch sử. Để có được những dòng chữ này, ông phải dùng bút tre chấm mực Tàu, và phải viết ngược. Với những bức ảnh nền tối, ông phải viết mực đen, để khi rửa ra ảnh, chữ có màu trắng. Còn với những bức ảnh nền sáng, ông phải dùng bút thủy tinh cạo lớp nhũ tương trên phim để khi ra ảnh, sẽ có chữ màu đen. Đó là sự tỉ mỉ cẩn trọng của người chụp ảnh nhưng đó cũng nói lên trách nhiệm và ý thức sâu sắc của người làm ảnh thời sự… Ông Đạo cho biết thêm, để thỏa nguyện ước mong của mẹ ông, người phụ nữ một đời tảo tần, năm nay đã gần trăm tuổi, ông đã tìm, tổ chức triển lãm và in cho người cha của mình một cuốn sách ảnh.

 


Những bức ảnh chụp Nghệ An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp lần đầu tiên ra mắt công chúng Nghệ An đúng vào ngày 19-5-2005
 
Cuốn sách ảnh tập hợp những tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn. Ảnh: NMĐ

Cuốn sách ảnh tập hợp những tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn
 

 

Trong cuốn sách ảnh Nhiếp ảnh Nghệ An thế kỷ XX (Nhà xuất bản Nghệ An 2003) nhận xét: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một số nhà nhiếp ảnh Nghệ An đã bỏ phòng chụp về các vùng có phong trào cách mạng nóng bỏng để ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến sôi động. Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã chụp được bức ảnh độc đáo về xác lính Pháp trôi dạt trên cửa Lạch Quèn – Quỳnh Lưu. Ðây là người chụp ảnh thời sự đầu tiên của Nghệ An đi vào kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Khi xem cuốn sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã nhận xét: “Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã đóng góp cho đất nước những hình ảnh sinh động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là những hình ảnh quý, hiếm và ngày càng có giá trị…”.

Tập hợp những bức ảnh của Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn dường như chúng ta có được một hình ảnh một Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp thu nhỏ. Những bức ảnh sản xuất, luyện tập quân sự, tòng quân, giã gạo nuôi quân, đưa voi đi phục vụ chiến trường… cho thấy sức lao động nghệ thuật bền bỉ và tình yêu cháy bỏng của ông với quê hương.

Với những giá trị đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức tôn vinh Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn trong Hội ngộ Kỷ lục Việt Nam diễn ra ngày 26/8 tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Nhiếp ảnh gia, Kỷ lục gia Ngô Minh Đạo - Con trai Cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn đón nhận bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục

Nhiếp ảnh gia, Kỷ lục gia Ngô Minh Đạo - Con trai Cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn đón nhận bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục tại Hội ngộ Kỷ lục gia
 

Sáng ngày 3/9, gia đình cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quỳnh Sơn xúc động đón nhận bằng xác lập Tôn vinh giá trị Kỷ lục Việt Nam tại TP.Vinh (Nghệ An) do Nhiếp ảnh gia, Kỷ lục gia Ngô Minh Đạo - Con trai Cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn từ TP.HCM chuyển về.

Vợ cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn

Vợ cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn ở tuổi 99 thật sự xúc động khi lần đầu nhìn thấy tấm bằng Kỷ lục ghi tên ông và những việc ông làm cách đây 70 năm
 

 


Gia đình cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn bên di ảnh và bằng Kỷ lục tôn vinh ông
 

 

Trước đó, năm 2014, con trai của nghệ sĩ Quỳnh Sơn là nhà báo - nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng Bằng Xác lập kỷ lục cho nội dung: “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” - Sách ảnh tập hợp nhiều ảnh màu và đen trắng về phong cảnh Việt Nam được chụp từ trên cao nhiều nhất.

 


Kyluc.vn