Hành trình tìm kiếm những Kỷ lục bất biến của Việt Nam (P.58) Rừng bần Tuần Lễ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) - Rừng bần cổ thụ lớn nhất Việt Nam

09-02-2022

(Kỷ lục - VietKings) Tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh có khoảng 15 ha rừng ngập mặn, chủ yếu là cây bần. Tại đây, có rất nhiều cây cổ thụ, tuổi đời đến 200 năm. Ngoài các giá trị về sinh học, lịch sử và cảnh quan, vai trò của rừng cũng được ghi nhận là quan trọng trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng và gió bão… Ngoài ra, đây còn là ngôi nhà nuôi dưỡng các loại thủy sinh ven bờ. Rừng bần Vạn Ninh được coi là rừng bần cổ thụ lớn nhất Việt Nam hiện còn tồn tại ven biển cần phải được bảo vệ.

Rừng bần cổ thụ Tuần Lễ tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có hình dạng rất đặc biệt, trông như những cây bonsai khổng lồ, tạo ra một thảm thực vật ngập mặn đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Đây là rừng bần cổ thụ lớn nhất và duy nhất còn lại ở Việt Nam. 

 

 

Những cây bần cổ thụ ở Vạn Ninh Khánh Hòa còn lại. (Nguồn hình: Internet)

Rừng bần cổ thụ tại đây có số lượng nhiều lên đến hàng trăm cây với hình dạng rất cổ quái, với gốc cây to một người ôm không hết, thân vỏ xù xì, cành lá uốn vặn tạo ra nhiều thế rất đẹp, cây nào cũng giống một cây thế (bon sai) khổng lồ, có cây cao đến 10 mét. Có thể nói, vẻ đẹp của rừng bần Vạn Ninh có một không hai và chỉ có duy nhất ở Việt Nam.

Rừng ngập mặn cổ thụ Tuần Lễ đã góp phần tạo ra một hệ sinh thái rất đặc thù và đa dạng của vịnh Văn Phong với hàng chục loài hai mảnh vỏ bám đáy, rất nhiều loài cá có giá trị kinh tế và nhiều loài san hô tạo rạn khác nhau.

 

 

Rừng bần Vạn Ninh được coi là rừng bần cổ thụ lớn nhất Việt Nam hiện còn tồn tại ven biển cần phải được bảo vệ. (Nguồn hình: Internet)

Nhận định được tầm quan trọng và quý giá của rừng, chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng người dân thực hiện nhiều công tác, kế hoạch bảo vệ rừng bần cổ thụ này nhưng bước đầu chưa phát huy được hết tính tích cực cũng như công tác quản lý còn lỏng lẻo. Hiện nay, rừng bần cổ thụ này đang dần thu hẹp hơn trước bởi chịu nhiều tác động xâm lấn của con người. 

Rừng bần đã sinh tồn hàng trăm năm tại Tuần Lễ, ngoài tác dụng ngăn mặn xâm thực, giữ nguồn nước ngọt rừng bần ở đây còn có khả năng chắn sóng gió, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đây là rừng bần cổ nhất, dễ bị tàn phá nếu không có giải pháp bảo tồn. Khi rừng ngập mặn mất đi nó tác động ngược lại về sinh kế, giảm sút các đặc điểm về đa dạng sinh học. 

 

 

Với những gì còn sót lại rừng cây bần cổ thụ trên 200 năm tuổi ở thôn Tuần Lễ xứng đáng được liệt vào hàng cây di sản Việt nam và cần được bảo tồn tích cực. (Nguồn hình: Báo Khánh Hòa)

Bởi tầm quan trọng của rừng bần đối với môi trường và đời sống, việc phục hồi và bảo tồn sự phát triển của rừng bần tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh không chỉ bảo vệ được hệ sinh thái trên vịnh Vân Phong mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế của nhân dân vùng Vạn Ninh. 


Kyluc.vn