Kỷ lục gia Nam Hương: 'Nữ hoàng của thời trang không biên giới'

12-01-2020

KYLUC.VN | VIETKINGS - Với hơn 10 bộ sưu tập cá nhân về thời trang và cổ vật, cùng hành trình đi khắp thế giới hơn nửa thế kỷ để thực hiện những đam mê, Kỷ lục gia Nam Hương xứng đáng được ca ngợi là “Nữ hoàng của thời trang không biên giới.” Bà đang lưu giữ nhiều đồng hồ sang trọng bậc nhất thế giới và hàng nghìn món thời trang từ đẳng cấp đến bình dân.

 

Vào ngày 11/01/2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng gia đình Kỷ lục gia Nam Hương đã tổ chức lễ trao bằng chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho các bộ sưu tập có giá trị và trao Đĩa vàng vinh danh từ Viện nội dung Kỷ lục Thế giới (WRCA) cho cá nhân bà Nam Hương. 

 

Bà Nam Hương (trái) nhận Đĩa vàng vinh danh từ Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (WRCA) từ TS.Luật sư Nguyễn Văn Viễn - PCT TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam . Ảnh Khang Nguyễn | Vietkings

 

Kỷ lục gia Nam Hương, người đang ở tuổi "thất thập cổ lai hi", đang dành quỹ thời gian còn lại của cuộc đời để hoàn thành một ước nguyện lớn trong đời: Ra mắt công chúng những bộ sưu tập có giá trị nghệ thuật trong lĩnh vực thời trang sau bao năm dày công sưu tập và lưu giữ.

Qua hơn 50 năm thực hiện các chuyến đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, bà đang sở hữu trong tay hàng nghìn tư trang đẳng cấp và bình dân - bao gồm đồng hồ, túi xách, giày, thắt lưng, khăn choàng cổ, dù và trang phục cá nhân – được sưu tập từ mọi nơi trên thế giới. Giới sưu tầm sẽ phải trầm trồ với bộ sưu tập 9 chiếc đồng hồ Patek Philippe - đồng đồ hạng nhất và hiếm có nhất trên thế giới – nhuốm màu lịch sử từ các chủ nhân của chúng. Các bộ sưu tập độc đáo và lớn khơi gợi cho một cuộc triển lãm hoặc một bảo tàng thời trang, nghệ thuật tư nhân trong tương lai.

 

NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ BỘ SƯU TẬP ĐỒNG HỒ NHIỀU NHẤT VIỆT NAM

Bộ sưu tập 9 chiếc đồng hồ Patek Philippe được xác lập của bà Nam Hương tại lễ công bố kỷ lục 11/01. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Theo tạp chí trực tuyến CityWealth, người đang sở hữu bộ sưu tập đồng hồ tốt nhất thế giới xuất hiện tại châu Âu. Bộ sưu tập tốt nhất này thuộc sở hữu tư nhân là bộ sưu tập Patek Philippe ở Geneva trong một bảo tàng tư nhân. Bộ sưu tập có giá hàng trăm nghìn bảng Anh đã được ký gửi cho Bonhams, một trong những nhà đấu giá nghệ thuật và đồ cổ lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới.

Bộ sưu tập lớn nhất và tốt nhất này có 2.000 mẫu đồng hồ của quý tộc châu Âu bao gồm toàn bộ hỗn hợp các thương hiệu như Patek Philippe, Rolex, Breitling, Cartier, Jaeger-LeCoultre và IWC.

Tại Việt Nam, Kỷ lục gia Nam Hương – một phụ nữ vẫn hằng lấy nét đẹp của thời đại 70 thế kỷ trước - cũng đang sở hữu một bộ sưu tập lớn tương tự và nhiều hơn thế. Bộ sưu tập của bà hiện có 2,572 đồng hồ các loại, trong đó, có hơn 21 chiếc đồng hồ thuộc các thương hiệu nổi tiếng (Rolex, Omega, Longines,…) và bộ sưu tập hiếm có 10 chiếc đồng hồ Patek Philippe của Thụy Sĩ.

Patek Philippe (hay PP) là một thương hiệu được mệnh danh là 'Rolls-Royce của đồng hồ'. Giống như nhà sản xuất ô tô quý giá đó, PP đồng nghĩa với sự hoàn hảo, độc quyền và tính thẩm mỹ tốt nhất. Công ty là Patek Philippe - công ty đồng hồ gia đình độc lập còn lại duy nhất ở châu Âu - đã thống trị ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ trong 180 năm.

Đồng hồ xa xỉ luôn được xem là dấu ấn của sự thành công. Trên thực tế, nhiều người vẫn xem nó như một phụ kiện quan trọng cho sự phát triển tài chính và cá nhân. Sở hữu trong tay 1 hay 2 chiếc PP cũng đủ tôn vinh sự đẳng cấp của chủ sở hữu. Bộ sưu tập 10 chiếc PP của bà Nam Hương, là một trường hợp hiếm có trên thế giới, đáng được ghi nhận và chú ý đến.

 

Chiếc đồng hồ PP đầu tiên mà bà Nam Hương sở hữu. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Bà Nam Hương vốn là một nghệ sĩ và người mẫu ảnh từ những năm 1960-70. Sân khấu là nơi biểu diễn và vốn là nơi dễ dàng thâm nhiễm với những thương hiệu thời trang. Bà sở hữu chiếc đồng hồ Patek Philippe đầu tiên vào năm 1962. Đó là món quà được tặng trong lễ cưới của bà.

Những năm 1950, những chiếc đồng hồ PP đầu tiên tại Việt Nam được cho là thuộc sở hữu của Ngô Đình Thục và các gia đình các tướng lĩnh cấp cao ở Sài Gòn. Vào những năm đầu 1960, ngoài 2 chiếc PP của vợ chồng bà Nam Hương, hai chiếc khác thuộc sở hữu của tướng Nguyễn Xuân Oánh và vợ ông, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Họ là một trong số ít người sở hữu những chiếc PP đầu tiên tại miền Nam Việt Nam.

Chiếc PP của ông Nguyễn Xuân Oánh là chiếc đồng hồ đầu tiên được bà Nam Hương mua trong bộ sưu tập. Hoàn cảnh xã hội những năm 1980 đã thúc đẩy cơ duyên để bà có được cơ may mua lấy nó. Đồng hồ PP của ông Nguyễn Xuân Oánh được bà Nam Hương mua lại với giá 30.000USD.

 

Bà Nam Hương (giữa) nhận bằng xác lập kỷ lục cho người có bộ sưu tập đồng hồ đeo tay nhiều nhất Việt Nam; Luật gia Nguyễn Mạnh Quí (trái) và Luật sư Nguyễn Văn Viễn (phải), đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Ảnh Khang Nguyễn | Vietkings 

 

"Mỗi chiếc đồng hồ bán ra, Hãng Patek Philippe đều lưu trữ hồ sơ, trong đó có rất nhiều thông tin gồm: ngày xuất xưởng, tên riêng của đồng hồ, số sêri, tên khách hàng... Sau khi mua được 1 chiếc PP, tôi đều gửi thư yêu cầu đến hãng đề nghị xác minh. Tôi phải nộp phí cho hãng với giá 2.200USD bao gồm tiền vệ sinh bảo quản, tiền trích lục in sao giấy khai sinh và một số chi phí khác. Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh, hãng giao đồng hồ lại cho tôi trong 1 chiếc hộp bảo quản. Hộp bảo quản nằm trong một chiếc hộp lớn hơn. Điều quan trọng là hãng cung cấp cho tôi một giấy khai sinh.”

- Bà Nam Hương chia sẻ.

Nhờ vào những cơ hội từ giới nghệ sĩ và trình diễn trước 1975, vào những dịp trao đổi trong thời kỳ mở cửa thị trường và tranh thủ những dịp đấu giá, bà lại có trong tay những chiếc PP của những nhân vật quyền lực thế giới, điển hình là của Saddam Hussein. Năm 2003, chính quyền của tổng thống Iraq Saddam Hussein sụp đổ, thông qua những người bạn tại Đại sứ quán Mỹ tại Trung Đông, bà Nam Hương biết được gia đình của tổng thống Saddam Hussein có ý định bán bớt một số tài sản, trong đó có 3 chiếc đồng hồ Patek Philippe. Bà đã mua được hai chiếc từ gia đình vọng tộc này với giá 70.000 đô la mỗi chiếc.

Hiện tại, bà Nam Hương có chính thức 10 chiếc đồng hồ Patek Philippe với 9 chiếc “có khai sinh” từ chính hãng đồng hồ Thụy Sĩ. Chúng không chỉ mang vẻ đẹp của một loại tư trang khẳng định đẳng cấp của chủ sở hữu, mà còn mang dấu tích lịch sử của thời đại, con người, nơi nó từng thuộc về. Sự quý hiếm của loại đồng hồ này có được do tính độc đáo của hãng sản xuất ra nó. Hãng PP đã cho xuất xưởng chỉ dưới 1 triệu chiếc đồng hồ được gia công tỉ mỹ trong vòng 180 năm tồn tại. Slogan nổi tiếng của hãng là: 'Bạn không bao giờ thực sự sở hữu Patek Philippe, bạn chỉ chăm sóc nó cho thế hệ tiếp theo'.

 

Bà Nam Hương cũng sở hữu kỷ lục cho bộ sưu tập đồng hồ Patek Philippe giá trị nhất. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

BÀ HOÀNG CỦA ‘THỜI TRANG KHÔNG BIÊN GIỚI’

Sở hữu hàng nghìn chiếc/đôi khác nhau cho từng bộ sưu tập phụ kiện thời trang của bà Nam Hương đã khẳng định kỷ lục về số lượng. Chúng được hình thành xuất phát từ cái sở thích “để dành” của tuổi thơ để trở thành thú sưu tập ở tuổi trưởng thành.

Bà Nam Hương đã có nhiều chuyến tham quan, du lịch và thực hiện các giao dịch khắp nơi trên thế giới và tích trữ các bộ sưu tập qua hơn 50 năm. Những sản phẩm thời trang gây niềm phấn khích bất ngờ và tạo cảm hứng thích thú cho tâm hồn đều được bà tìm cách sở hữu. Vì thế, những bộ sưu tập - túi xách, giày, khăn choàng, thắt lưng, dù và trang phục cá nhân - được bà mua lấy từ mọi nơi trên thế giới, thuộc mọi loại từ đẳng cấp cho đến bình dân, thậm chí là những mặt hàng đã cũ được bán với giá rẻ và hàng đã qua sử dụng, nhưng chúng đều là những mặt hàng có dấu ấn đặc biệt.

 

Kỷ lục gia Nam Hương gặp gỡ sư thầy Thích Huyền Diệu tại Ấn Độ, cùng chiếc khăn choàng trong bộ sưu tập của bà. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

GIÀY THỜI TRANG

Trên thế giới, những bộ sưu tập thời trang đắt đỏ và nổi tiếng nhất thường gắn liền với tên tuổi của Imelda Marcos. Bà là phu nhân của cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và có trong tay hàng nghìn đôi giày. Người phụ nữ này được mệnh danh là “Bướm Thép” vì sự kết hợp giữa phong cách thời trang và quyết tâm chính trị.

Theo thống kê của Cơ quan tư pháp tại Philippine, bà Imelda Marcos có 3,000 đôi giày, nhưng bộ sưu tập giày của bà Imelda bây giờ không còn nguyên trang như lần đầu tiên bị thu giữ từ Cung điện Malacañang vào năm 1986. Hiện tại, chúng được đặt trong Bảo tàng giày Marikina với 720 đôi giày của bà Imelda - 253 được trưng bày và 467 đang được lưu trữ. Phần còn lại của 3.000 đôi giày không được Cơ quan tư pháp và Bảo tàng giày Marikina cho biết, nhưng hơn 150 hộp quần áo, phụ kiện và giày của Marcoses đã bị hư hỏng do mối mọt, bão và bỏ bê.

Cập nhật một số chi tiết về bộ sưu tập các món thời trang xa hoa trên thế giới để độc giả có cái nhìn rõ hơn về bộ sưu tập của bà Nam Hương. Bà hiện sở hữu và lưu trữ 3,028 đôi giày còn nguyên dạng thuộc các mặt hàng cao cấp và phổ thông. Đây được xem là bộ sưu tập không chỉ đáng giá về mặt giá trị, số lượng, mà còn là một sưu tập độc đáo được hình thành tại Việt Nam và quốc tế. Bộ sưu tập mang lấy sự đang dạng về phong cách, chủng loại, chất liệu và các thương hiệu.

 

Một đôi giày nhuốm màu thời gian No.26 được chụp riêng tại nhà bà Nam Hương. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Những đôi giày thường được bà phối đôi với một chiếc túi xách, đảm bảo cho chúng có chung một tông màu và cùng độ thẩm mỹ cho người thưởng lãm. Vì thế, hơn 3.000 đôi giày của bà hay được trưng bày và phối màu với hơn 4.000 chiếc túi xách mà bà đang sở hữu.

Với số lượng giày và các bộ sưu tập tư trang hiện có, chúng xứng đáng được bố trí để trở thành một bảo tàng lưu trữ về lịch sử về thời trang, thẩm mỹ và nghệ thuật hiện đại trong nước.

 

Những đôi giày trong bộ sưu tập đã trải qua hơn nữa thế kỷ. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

TÚI XÁCH NỮ

Những chiếc túi xách thời trang của nữ phái cũng được bà Nam Hương kỳ công sưu tập. Một số trong những chiếc túi xách gắn liền gắn liền với đời sống và sự nghiệp thời trang của bà từ những năm 1960-70.

Hiện tại, bà đang sở hữu 4,012 chiếc túi xách thời trang. Túi xách thứ 4,012, cũng là chiếc túi xách được khẳng định là cuối cùng trong bộ sưu tập, có giá 13,396 đô la Mỹ. Chiếc túi này đến từ nhãn hàng Hermes, một thương hiệu đồng nghĩa với sự sang trọng, chất lượng và một mức giá đắt đỏ.

 

Chiếc túi xách Hermes thứ 4,012 (cuối cùng) trong bộ sưu tập của bà Nam Hương. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Vượt ra khỏi những chiếc túi xách thời trang đắt giá, bà còn sở hữu những chiếc túi xách kỷ niệm và có chức năng riêng biệt. Một trong số những chiếc túi xách gây ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời bà là chiếc túi đầu tiên được thừa kế từ mẹ của bà, chiếc túi được một người Pháp trao tặng vào những năm đầu của 1950.

Đến năm 1983, bà nhận được chiếc túi xách Gianni Versace từ thuyền trưởng người Hungary của tàu Victory tại một cảng vận chuyển. Năm 2001, bà lại có chuyến thăm Nhật Bản và có duyên mua một túi xách tại Tokyo. Ngoài ra, bà cũng sưu tập được chiếc túi xách chuyên đựng đạn săn thú từ châu Phi. Những chiếc túi xách đặc biệt điểm xuyết thêm sự độc đáo và đa dạng cho bộ sưu tập của bà.

THẮT LƯNG

 

Năm trong số hàng nghìn chiếc thắt lưng từng gắn bó với đời sống và công việc của bà Nam Hương. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

“Bà hoàng của thời trang không biên giới” còn sở hữu những bộ sư tập về các món tư trang thường nhật. Nữ kỷ lục gia đang lưu giữ 2,016 chiếc thắt lưng. Đó là những chiếc mà bà từng dùng bước lên sân khấu trong vai trò là người mẫu và một số là kỷ vật của người thân.

Trên thế giới kỷ lục về bộ sưu tập thắt lưng được xác lập vào năm 2005 tại Canada. Ông Chester Lindgren có 1.642 khóa thắt lưng khác nhau mà ông đã thu thập được từ năm 1974. Ông đã ngừng thu thập chúng vào năm 2004, theo Guiness.

BỘ SƯU TẬP Ô (DÙ CHE)

Ô (dù che) là một trong những vật dụng thiết yếu cho đời sống hằng ngày và thời trang. Không phải ai cũng có niềm đam mê hay cơ hội để có trong nhà hàng nghìn chiếc ô. Mỗi dịp trưng bày, chúng tô điểm cho khuôn viên nhà bà Nam Hương trở thành một khu vườn đầy màu sắc.

Hiện tại, bà đang sở hữu 1,070 cây dù, được sưu tập qua nhiều năm xuất phát từ thói quen thích sở hữu nhiều sản phẩm.

Qua nhiều năm, bộ sưu tập ô của bà càng lớn và hiếm có , chưa kể có thể là duy nhất, trên thế giới.

 

Bộ sưu tập dù che độc đáo của bà Nam Hương. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Ngoài ra, bà còn sở hữu bộ sưu ấm trà có số lượng nhiều nhất được sưu tầm đồng thời với các bộ sưu tập thời trang. Bà còn sở hữu bộ lư, chân đèn bằng gốm sứ có từ thế kỷ 19 được xem là bộ lư, chân đèn độc bản tại Việt Nam.

Có thể thấy, những bộ sưu tập của bà không chỉ nhấn mạnh vào những con số kỷ lục định hình cho sự độc đáo, mà chúng còn cho thấy sự mở rộng về hướng di sản, ký ức của các sản phẩm được lưu giữ. Những sản phẩm trao truyền cho người xem nhiều thông tin về lịch sử của chính nó, gắn liền với các khung cảnh lịch sử của một vùng đất, về cuộc sống của con người. Những thước đo về lịch sử, nhân học này, chính là những tư liệu quý giá được tàng trữ trong những kỷ vật được sưu tầm cần được gìn giữ và phô trương một cách khoa học và hợp lý.

 

Bộ sư tập bình gốm của bà Nam Hương bên cạnh hàng nghìn chiếc đồng hồ đeo tay. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Ý TƯỞNG CHO MỘT BẢO TÀNG TƯ NHÂN

Sau nữa thế kỷ miệt mai sưu tầm, đi qua hơn 110 quốc gia, bà Nam Hương đã sở hữu được nhiều bộ sưu tập độc lạ nhất trên thế giới. Ngoài những bộ sưu tập đã có thể lập nên những kỷ lục Việt Nam và thế giới, bà còn đang sở hữu nhiều bộ sưu tập khác, nhiều hiện vật về đồ cổ, gốm sứ, mắt kính, v.v. Với số lượng hiện vật khổng lồ, bà ấp ủ cho mình một ý tưởng về một không gian trưng bày toàn bộ những sản phẩm đa dạng về phong cách, phong phú về nguồn gốc, chất liệu, và những tính năng, đặc trưng khác. Đó cũng là một trong những xu hướng hiện có lập nên những bảo tàng công hoặc tư nhân để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật, thời trang.

 

Chân dung bà Nam Hương được nhìn thấy tại phòng khách tư gia của bà. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings

 

Vào năm 2015, một cơ hội khai mở, giải phóng các giá trị có được từ những bộ sưu tập đã đến với bà hoàng thời trang này. Thương gia Nhật Bản Takahashi Maho đã thuê 50 chiếc giỏ xách giá trị nhất của bà để triển lãm thời trang tại các quốc gia như Ý, Pháp, Thái Lan,… trong chuỗi quảng bá lịch sử các thương hiệu thời trang thế giới. Điều này cho thấy kỳ công của bà Nam Hương đã góp phần gìn giữ lại những “khuôn vàng thước ngọc”, những giá trị vàng son trong lịch sử thời trang trên thế giới.

Với những thành quả có được sau nữa đời người miệt mài góp nhặt cho từng bộ sưu tập, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận 12 kỷ lục quốc gia cho Kỷ lục gia Nam Hương. Đồng thời, Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới (WRCA) đã vinh danh bà Võ Thị Kim Hoàng (Nam Hương) với những cống hiến mang giá trị nội dung.

 

Bà Nam Hương nhận Đĩa vàng của WRCA tại lễ trao chứng nhận xác lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: Khang Nguyễn | Vietkings.

 

12 kỷ lục mới nhất về các bộ sưu tập thời trang và dành cho cá nhân bà Nam Hương bao gồm:

1. Bộ sưu tập đồng hồ đeo tay nhiều nhất (2,572 chiếc);

2. Người phụ nữ có bộ sưu tập Ô (Dù che) nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (1,270 cây dù);

3. Người phụ nữ có bộ sưu tập đồng hồ thương hiệu Patek Philippe giá trị được sưu tập trong thời gian lâu nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới (9 chiếc);

4. Người phụ nữ có bộ sưu tập ấm trà nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại các quốc gia trên thế giới;

5. Kỷ lục Độc bản: Bộ Lư Đèn bằng gốm sứ đất nung độc đáo làm bằng thủ công.

6. Người phụ nữ có bộ sưu tập giày nữ nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (3,028 đôi);

7. Người phụ nữ có bộ sưu tập quần áo thời trang nữ nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (3,036 bộ trang phục);

8. Người phụ nữ có bộ sưu tập thắt lưng nữ nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (2,016 chiếc);

9. Người phụ nữ có bộ sưu tập túi xách nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (4,012 chiếc);

10. Người phụ nữ có bộ sưu tập khăn choàng nhiều nhất được sưu tập trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (5,273 chiếc).

11. Người phụ nữ đi đến nhiều quốc gia trên thế giới nhất để tìm kiếm, thực hiện các Bộ sưu tập có giá trị (hơn 110 quốc gia);

12. Người phụ nữ có nhiều bộ sưu tập đạt Kỷ lục Việt Nam nhất được thực hiện trong 53 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới (12 bộ sưu tập).


Tin ảnh Khang Nguyễn - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings)