NHÀ GỐM TƯ BUÔI - CÔNG TRÌNH NHÀ GỐM ĐỎ ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI NGHỆ NHÂN NẶNG LÒNG GIỮ HỒN CHO ĐẤT SÉT VĨNH LONG
Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang, do chính dòng sông mẹ Mekong tách ra. Hệ thống sông ngòi chằng chịt được hình thành bởi sự xuất hiện những cồn đảo do phù sa bồi đắp. Hàng nghìn năm qua, dưới lớp phù sa của hai con sông đã hình thành những vỉa tầng đất sét dẻo quý hiếm - nguyên liệu làm nên những sản phẩm gốm đỏ nổi tiếng của Vĩnh Long. Cách đây hơn một thế kỷ, người dân Vĩnh Long đã biết khai thác mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên để hình thành nên làng nghề làm gạch – gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Vĩnh Long không chỉ nổi tiếng với những miệt vườn trái cây trĩu quả đặc trưng của miền Tây sông nước mà còn nổi tiếng với danh xưng “Vương quốc Đỏ” nhờ những làng nghề gạch, làng nghề gốm thủ công truyền thống lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi (thường gọi là Tư Buôi) là một nghệ nhân với hơn 30 năm gắn bó với nghề gốm đỏ nên rất “nặng nợ” với mảnh đất này. Trong bối cảnh làng nghề gốm đang dần bị mai một và bị thay thế, ông muốn làm gì đó để lưu giữ lại kỷ niệm và cho thế hệ sau biết được có một chất liệu gốm đã làm rạng rỡ những làng nghề gốm trên mảnh đất Vĩnh Long.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi (Tư Buôi)
Ngay từ năm 2009, ông đã hình thành ý tưởng xây dựng căn nhà làm hoàn toàn từ gốm đỏ và đến năm 2018, ngôi nhà chất chứa tình yêu của ông Tư Buôi với nghề gốm chính thức hoàn thành, tọa lạc tại Phường 5, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Khi hoàn thiện, nhà có diện tích gian chính khoảng 200m2, khu nhà sau 100m2.
Nhà gốm Tư Buôi nằm trên tuyến sông nơi tập trung có nhiều ngôi nhà cổ - Vùng đất lưu dấu một thời của một Long Hồ Dinh xưa thuộc Vĩnh Long ngày nay.
Với mong muốn gìn giữ sắc đỏ của gốm nung và vực dậy làng nghề nổi tiếng một thời, nên ông Buôi quyết tâm xây dựng căn nhà gốm đỏ này nên đã tự tay lên bản vẽ ngôi nhà, tính toán các yếu tố kỹ thuật, phác thảo từng chi tiết mỹ thuật để làm sao cho mọi thứ hòa hợp với nhau. Lấy cảm hứng sáng tạo từ Mái đình Long Thanh, Văn Thánh Miếu, ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu truyền thống 3 gian, 2 chái với chất liệu hoàn toàn gốm đỏ Vĩnh Long.
Căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc xưa với 3 gian, 2 chái và được làm từ nguyên liệu thiên nhiên là đất sét nung. Vì thế, nhìn tổng thể căn nhà rất chắc chắn tạo cảm giác mát mẻ, thoải mái và hoài cổ.
Theo ông Buôi, cái khó nhất là mọi thứ phải được cân chỉnh sao cho các chi tiết thật ăn khớp với nhau. Để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để xây dựng căn nhà đẹp mắt, mát mẻ quanh năm, chịu lực tốt, bền bỉ theo thời gian phải điều chỉnh nhiệt độ nung gốm từ 950ºC - 970ºC, còn đối với loại gốm mỹ thuật thông thường chỉ khoảng 850ºC. Điểm đặc biệt là những họa tiết, cột, kèo,…được thiết kế với những hình ảnh vô cùng bắt mắt gắn liền với văn hóa đặc trưng vùng Nam Bộ, cũng như khung cảnh làng quê yên bình. Trụ rào nào cũng có hoa văn màu đỏ, còn tường rào thì trang trí bích họa gốm đỏ mỹ thuật.
Hàng cột phía trong gian nhà chính được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn
Trong nhà, những rui, mè, kèo, cột, đòn dông, mái nhà cũng đều bằng gốm đỏ. Tất cả điều là tâm huyết và sự kỳ công của người nghệ nhân muốn “thổi hồn” và tìm hướng mới cho cái nghề ông cha. Riêng cột kèo trong gian nhà chính được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng các con vật gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như: tôm, cua, gà, cá, khỉ...
Những hàng cột bằng gốm ngoài mái hiên được thiết kế, trang trí theo chủ đề đất phương Nam với các hoạt động sinh hoạt nông thôn, cấy lúa và ngày xuân Nam Bộ
Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng những con vật gần gũi trong cuộc sống hằng ngày
Ngoài ra trong căn nhà gốm đỏ độc nhất này, ông Buôi còn mua sắm toàn bộ nội thất bằng gỗ và được tạo tác theo kiểu giả cổ để phù hợp với tổng thể ngôi nhà. Bên cạnh đó, ông còn sưu tầm đồ đồng xưa quý hiếm như: bộ dụng cụ sinh hoạt bằng đồng thau cổ, những chiếc bàn ủi xưa của Pháp, các bộ cân đòn, các vật bằng gốm độc đáo như lu, khạp, máy hát đĩa than, tranh cẩn xà cừ, đèn măng song, kèn tây,... đặc biệt là bộ 100 chiếc đèn dầu xưa vô cùng độc đáo được trưng bày ngăn nắp trong những chiếc tủ.
Nội thất trong nhà được làm bằng gỗ, cẩn xà cừ
Trong nhà còn trưng bày nhiều đồ cổ quý hiếm tạo không gian ấm cúng nhưng không kém phần lộng lẫy
Từ những thỏi đất sét thô, những tưởng chẳng thể nào ứng dụng vào xây dựng, nhưng qua bàn tay của người nghệ nhân gốm sứ này không gì là không thể. Căn nhà không chỉ vừa thỏa tiêu chí đẹp, mát, lại vừa tận dụng tối đa ưu điểm của gốm xây dựng là thân thiện môi trường và bền bỉ theo thời gian. Ngôi nhà lưu giữ những tinh hoa của nghề gốm, cái hồn của đất được giữ và thể hiện trên ngôi nhà, giúp thế hệ trẻ của làng nghề tiếp nối và bảo tồn phát huy những giá trị đặc sắc từ “gốm đỏ” mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Vĩnh Long. Hơn nữa, ngôi nhà đã gom lại những nét văn hóa tiêu biểu của vùng đất Nam bộ xưa giúp người con xa quê không thể nào quên dù đi bất cứ nơi đâu.
LÀ NGÔI NHÀ LÀM TỪ GỐM ĐỎ VĨNH LONG LẬP KỶ LỤC VIỆT NAM
Tối ngày 11/9/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings đã chính thức trao Kỷ lục Việt Nam với nội dung: "Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng Gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam” đến ông Nguyễn Văn Buôi.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Lễ khai mạc Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch BCH TW Hội nông dân Việt Nam, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long 2023 phát biểu chào mừng (Ảnh:VietKings)
Ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban chỉ đạo Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long 2023 phát biểu khai mạc (Ảnh: VietKings)
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Quyết định về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam (Ảnh: VietKings)
TS.Ngô Quang Xuân – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Quốc, PCT TƯ Hội Kỷ lục gia Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc cùng trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Kỷ lục gia, Nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi. Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tich HĐND tỉnh Vĩnh Long (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng (Ảnh: Trung Phạm)
Bên cạnh đó, trong sự kiện khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích đóng góp thực hiện "Con đường gốm đỏ - Vĩnh Long 2023" (Ảnh: VietKings)
Một số tiết mục văn nghệ trong sự kiện khai mạc Festival Nông sản VIệt Nam - Vĩnh Long 2023 (Ảnh: VietKings)
Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023 (Từ 11/9-17/9/2023) là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ tích cực cho tỉnh giới thiệu, quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hình ảnh quê hương, con người Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Festival diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị nông sản Việt Nam như: Con đường nghệ thuật “Sản phẩm nông sản tiêu biểu - động lực phát triển nông thôn mới”; con đường nghệ thuật gốm đỏ; Hội thi “Mâm cơm ngon chế biến từ sản phẩm vườn nhà”; Hội thi món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng Vĩnh Long; Triển lãm các sản phẩm nông sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ - gốm đỏ...