Thành phố Châu Đốc có vị trí địa lý khá đặc biệt nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau; nơi giao thương giữa 4 cửa khẩu kinh tế sầm uất là: cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – huyện tịnh Biên, 2 cửa khẩu Quốc gia Long Bình và Vĩnh Hội Đông – huyện An Phú và cửa khẩu Vĩnh Xương – thị xã Tân Châu. Thành phố Châu Đốc vì thế có trữ lượng thủy sản nước ngọt phong phú bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ, tạo hóa có phần ưu ái cho người dân xứ sở Châu Đốc, vừa có núi non hùng vĩ, vừa có sông rộng, với hơn 6 tháng là mùa nước nổi đã mang lại cho người dân vùng Châu Đốc Tân Cương ngày xưa một lượng thuỷ sản lớn, dồi dào. Cá đánh bắt được mỗi ngày, khi ăn không hết người dân lấy muối ướp vào cá để giữ cá có thể dùng được nhiều ngày và món mắm cá cũng được ra đời từ đó.
Với nguồn thủy sản phong phú, đa dạng được ưu ái bởi thiên nhiên, người dân tại vùng đất Châu Đốc, An Giang đã không ngừng sáng tạo ra các loại mắm làm say đắm du khách ( Ảnh: Lục Tùng - báo Lao Động)
Ngày nay, du khách đến Châu Đốc sẽ không thể bỏ qua những món ngon ẩm thực làm từ mắm – một loại đặc sản nổi tiếng của địa phương. Thực đơn từ mắm Châu Đốc gồm nhiều món, món nào cũng ngon lành, bắt mắt, có thể kể như món mắm thái rau sống, món lẩu mắm, bún mắm, mắm chưng…
Nhắc đến Châu Đốc, An Giang là không thể không nhắc đến món lẩu mắm trứ danh tại nơi đây (Videoclip từ kênh Youtube Đi Đâu Ăn Gì)
Ai đã một lần được thưởng thức mắm Châu Đốc, sẽ thấy lắng đọng những dư vị đặc trưng sông nước miền Tây. Châu Đốc có hàng trăm hộ sản xuất và kinh doanh các loại mắm đặc sản “gia truyền”. Nhờ không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì ngày càng đẹp hơn, cung cách phục vụ khách hàng lịch sự, nhiệt tình nên “Đặc sản mắm Châu Đốc” - do Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký tập thể vào năm 2008 - ngày càng mở rộng thị trường và thu hút khách hàng gần xa. Những du khách đã từng đến An Giang du lịch đa phần đều ghé thăm chợ mắm Châu Đốc để mua mắm, mua khô về làm quà cho gia đình, bè bạn. Từ đó mắm vốn đã thịnh vượng lại càng nức tiếng gần xa.
Chợ mắm Châu Đốc - nơi được mệnh danh là "Thiên đường ẩm thực" của tỉnh An Giang
Để tạo ra những loại mắm ngon ngoài tay nghề chế biến, cần phải chọn lọc kỹ nguồn nguyên liệu thủy sản nước ngọt, thì sản phẩm làm ra mới được hương vị đậm đà, thơm ngon. Có thể nói, nguồn nguyên liệu là nhân tố quyết định chất lượng thương hiệu mắm. Lưu truyền và phát triển nghề làm mắm không chỉ là phương thức kinh doanh mang lại cuộc sống sung túc cho những hộ sản xuất mắm, mà còn thể hiện một cách tích cực và thiết thực việc giữ gìn và phát triển một giá trị văn hóa truyền thống với lịch sử hàng trăm năm của người dân vùng biên giới Tây Nam.
Từ "kho báu ẩm thực" của vùng đất An Giang, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam "Thành Phố Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam bộ nhất tại Việt Nam” . Kỷ lục được trao cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Châu Đốc – tỉnh An Giang trong lễ khai mạc của sự kiện "Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022", đây cũng là một sự kiện trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).
Ngày hội được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu cũng như phát triển kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó sự kiện cũng nhằm mục tiêu tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh An Giang nói riêng, giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố nói chung.
"Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022" đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng đất được mệnh danh là "Thủ phủ mắm Nam Bộ" khi sự kiện này đã thu hút nhiều khách du lịch thập phương đến để không chỉ thưởng thức nền ẩm thực độc đáo mà còn để được chiêm ngưỡng những tiết mục biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hóa nơi đây.
Buổi lễ ghi nhận sự tham dự của đại diện các cấp, các ngành và Đoàn thể của địa phương cũng như các đại diện của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings
Ông Hà Phước Dũng – Trưởng ban phát triển dự án Kỷ lục thay mặt Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam.
Ông Dương Duy Lâm Viên – GĐ Điều hành Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings trao bằng và Huy hiệu Kỷ lục "Thành Phố Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam bộ nhất tại Việt Nam” đến ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy Châu Đốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Châu Đốc
Mắm Châu Đốc - An Giang đã trở thành mặt hàng đặc sản nổi tiếng không chỉ đối với người dân Châu Đốc, mà còn vươn xa hơn trên khắp mọi miền đất nước. Nếu ngày xưa, mắm Châu Đốc chỉ tập trung một số loại cá thì ngày nay, mắm Châu Đốc đa dạng về sản phẩm và mẫu mã, hiện có trên 20 loại mắm được bày bán trên các quầy như: cá linh, cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, mắm thái… mỗi loại đều có vị ngon đặc trưng riêng.