[THE FIRST OF VIETNAM - VIETKINGS] P23: Nhà thơ, Kỷ lục gia Phạm Thiên Thư - Người Việt Nam đầu tiên biên soạn từ điển cười

11-04-2019

[THE FIRST OF VIETNAM - VIETKINGS] Nhà thơ Phạm Thiên Thư là người Việt Nam đầu tiên viết từ điển cười bằng thơ Điểm đặc trưng của tác phẩm “Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp” là hàng ngàn bài thơ đều được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Ông cũng là người thi hóa Kinh Hiền Ngu theo thể thơ lục bát.

 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình Đông y. Quê cha ở xã Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Quê mẹ ở xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ năm 1943 đến 1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Từ năm 1954 cho đến nay, ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Phạm Thiên Thư đi tu trong 10 năm từ 1964 đến 1973 rồi hoàn tục nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Trong thời gian tu hành ông đã làm thơ. Ông cũng là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Nhiều thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và trở nên phổ biến trong công chúng, có thể kể đến Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, các bài Đạo ca…

 

Chân dung Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
 
Phạm Thiên Thư cũng là người biên soạn hai bộ Từ điển cười và Từ điển đời. Ông dùng thơ để định nghĩa các khái niệm từ ngữ trong tiếng Việt, vừa độc đáo, thâm thúy, lại vừa mang tiếng cười sảng khoái đến cho độc giả. Đạo và đời luôn hòa quyện trong thơ của Phạm Thiên Thư. Ông nhìn đời bằng con mắt đạo và hiểu đạo qua lăng kính của đời. Đến nay, toàn bộ tác phẩm thơ của ông đã đạt đến con số 126.000 câu thơ mà theo ông đó là những vần thơ có tư tưởng. Ông quan niệm về thơ: “Thơ hay phải dày kinh nghiệm, phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả”. Rất rõ ràng, với ông, muốn làm được thơ hay trước hết phải biết dấn thân, dấn thân vào cuộc sống để trải nghiệm, mở rộng lòng mình để yêu thương, bao dung. Chính vì lẽ đó, thơ ông được rất nhiều người có tên tuổi trong giới văn chương và đông đảo độc giả mến mộ.
 
 Tác phẩm “Từ điển Cười - Tiếu liệu pháp”  của Phạm Thiên Thư - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Tác phẩm “Từ điển Cười - Tiếu liệu pháp”  của Phạm Thiên Thư - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
 
Ngày 15/8/2007, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là Người Việt đầu tiên sáng tác Từ điển cười bằng thơ. Đây là cuốn sách ông viết gần một nửa cuộc đời, với hơn 5.000 “lý do” để cười, cười để vui sống và đẩy tâm bệnh.
 
Điểm đặc trưng của tác phẩm “Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp” là hàng ngàn bài thơ đều được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Điểm đặc trưng của tác phẩm “Từ điển Cười -Tiếu liệu pháp” là hàng ngàn bài thơ đều được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Mang nghiệp thơ ca, Phạm Thiên Thư không chỉ là một tu sĩ đơn thuần. Trong người ông chia ra hai thái cực nhưng lại hòa quyện vào nhau: tu sĩ - thi sĩ mà nhiều người gọi vui thành “vị tu sĩ lãng mạn”. Và thực sự những gì nhà thơ đã sống, đã làm đúng như cách gọi của nhiều người. Ông đã “lãng mạn hóa” những tư tưởng nhà Phật thành thơ ca. Đến nay Phạm Thiên Thư đã chuyển các bộ kinh Phật thành thơ như: Kinh hiếu, Kinh ngọc - Qua suối mây hồng (Kinh Kim Cương), Hội hoa đàm (Kinh Hiền Ngu), Suối nguồn vi diệu (Kinh Pháp cú)... đã được nhà sách Cảo Thơm (Đà Nẵng) phối hợp với NXB Văn nghệ tái bản sau hơn 30 năm. Ông là Người thi hóa kinh Hiền Ngu theo thể thơ lục bát dài nhất được ghi nhận Kỷ lục năm 2009. Trong số những tác phẩm của Phạm Thiên Thư khởi nguồn từ kinh Phật có 10 bài Đạo ca được Phạm Duy phổ nhạc. Nhà thơ cho biết: 10 bài Đạo ca này ông viết trong 2 ngày và dường như tất cả các tác phẩm ông viết rất nhanh.

Song song đó, nhà thơ cũng biên soạn, sáng tác quyển Từ điển châm ngôn với hơn 50.000 lời hay ý đẹp. Ông cũng là “hậu thế” đầu tiên dám viết tiếp Truyện Kiều của Nguyễn Du với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh. Tác phẩm “hậu Kiều” của thi sĩ họ Phạm với số câu lục bát còn dài hơn của cụ Tiên Điền, đã được giải Nhất Văn học (miền Nam) vào năm 1973. Tác phẩm “hậu Kiều” của Phạm Thiên Thư được đánh giá là “Kiều VN 100%”.
 
Có thể nói, những sáng tác của ông luôn mang đến những bất ngờ, thú vị. Thi ca của ông giúp người đọc khám phá thêm những cửa ngõ mới về tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên… một cách bình dị mà lại vô cùng sâu lắng.

(Tổng hợp) - Ảnh BÁO ẢNH VIỆT NAM