Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với hơn 71.000 ha, chiếm 50% diện tích dừa cả nước, có trên 163.000 hộ trồng dừa. Tổng sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD. Công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre không ngừng phát triển, toàn tỉnh hiện có hơn 1.970 cơ sở chế biến dừa. Bến Tre là xứ của dừa. Và chắc có lẽ vậy, mà người dân xứ dừa luôn tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, rồi đưa ra những ý tưởng sáng tạo từ nguyên liệu, chất liệu, vật liệu của dừa, để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị có ích cho đời.
Lễ hội Dừa lần thứ I do UBND tỉnh chủ trì và Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch Bến Tre phối hợp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (VICRAFTS) tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào năm 2009, nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch, đánh dấu sự mở đầu của vùng đất gồm ba hòn đảo ngun ngút dừa xanh; tôn vinh cây dừa, loài cây đã đi vào đời sống tinh thần, trở thành tâm hồn của người dân Bến Tre: thời chiến tranh cây dừa cùng quân dân đánh giặc giữ làng, trong hòa bình cây dừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân… Từ lâu cây dừa đã trở thành biểu tượng của Bến Tre, dừa trở thành tên một vùng đất, “dáng đứng” của Bến Tre. Lễ hội
Lễ hội Dừa lần thứ I bao gồm nhiều hoạt động: triển lãm các sản phẩm từ dừa; hội làng nghề và hàng thủ công mỹ nghệ; hội chợ Xuân Kỷ Sửu, ẩm thực truyền thống; cung cấp cây, con giống, thiết bị, vật tư nông công nghiệp; bán hàng tiêu dùng nhân dịp Tết Kỷ Sửu. Lễ hội cũng có các cuộc thi chế biến, trưng bày các loại bánh, mứt, kẹo, các món ăn, thức uống chế biến từ dừa; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa như các sản phẩm trồng trọt, chế biến, các sản vật lớn nhất, nhiều nhất, độc đáo nhất…; thi làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất như đan giỏ bằng cọng dừa, xe chỉ, làm thảm xơ dừa… Lễ hội cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh giới thiệu những sản phẩm mới về dừa, công dụng đa dạng của cây dừa trong đời sống hằng ngày và tôn vinh những người có công trong việc duy trì, phát triển và xây dựng thương hiệu dừa Bến Tre.
Hội chợ triển lãm mừng xuân Kỷ Sửu trong khuôn khổ Lễ hội Dừa, với 300 gian hàng của 143 đơn vị trong và ngoài tỉnh, trong đó có sự tham gia của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với 50 gian hàng trưng bày sản phẩm của các làng nghề từ Thành phố Đà Nẵng trở vào. Riêng tỉnh chủ nhà có 33 đơn vị tham gia và 62 gian hàng với các sản phẩm chủ yếu từ dừa, cây trồng gắn bó mật thiết với người dân trên ba dãy cù lao.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Lễ hội Dừa Bến Tre lần I đã đạt được một số thành công. Trước hết, lễ hội đã thu hút một lượng khách tham quan vượt ngoài dự kiến: 154.000 lượt người, tức bình quân khoảng 22.000 lượt người/ngày đêm. Lượng khách tham quan đông đảo đã giúp cho các hoạt động văn hoá – nghệ thuật, vui chơi giải trí, hoạt động thi đấu xảo, hội thi ẩm thực, các hội thi và trò chơi dân gian, hoạt động thể dục thể thao kèm theo trong lễ hội đều đạt sự thành công mỹ mãn. Đặc biệt, lượng khách tham quan đông đã giúp cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị tham gia khu hội chợ đạt thành công về doanh số, với tổng doanh số toàn lễ hội là hơn 50 tỷ đồng.
Nói về thành công của các hoạt động trong lễ hội, phải kể đến liên hoan ẩm thực Xứ Dừa. Lần đầu tiên tại Bến Tre, một liên hoan ẩm thực mang tên Xứ Dừa đã không chỉ thu hút một lượng người tham gia kỷ lục (370 thí sinh), mà còn tạo ra một kỷ lục mới về số lượng món ăn được chế biến với các nguyên liệu từ dừa: tổng cộng 185 món, trong đó có 119 món ăn chính, 51 món bánh và 15 thức uống. Sản phẩm tham gia dự thi không chỉ đa dạng, phong phú về chủng loại mà còn thể hiện khả năng sáng tạo, tài khéo léo tuyệt vời của chị em phụ nữ xứ dừa Bến Tre.

Tấm thảm bằng xơ dừa lớn nhất Việt Nam do Công ty TNHH Thanh Bình (Tabimex Co.ltd) thực hiện
Tại Lễ hội, các hoạt động hội thảo về cây dừa, giao lưu xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch, xây dựng, và hội nghị tuyên dương các cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho ngành dừa tỉnh Bến Tre đã diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút hàng trăm lượt đại biểu tham dự, cũng là một thành công của Lễ hội. Đáng chú ý nhất là hội thảo về chuỗi giá trị cây dừa (Hội thảo Cây dừa – tiềm năng và sự phát triển) đã thu hút nhiều báo cáo chuyên đề về các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng và khai thác tiềm năng phát triển ngành dừa; những thách thức và giải pháp để ổn định xuất khẩu các sản phẩm dừa; tiềm năng du lịch sinh thái dừa,…
Nhân dịp Lễ hội Dừa, ngành du lịch Bến Tre đã tiếp đón một lượng du khách tăng đáng kể, với 40.000 lượt khách, đạt doanh thu 4 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) đạt tỷ lệ sử dụng phòng trên 90%, doanh thu 1 tỷ đồng; và các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng đạt doanh số trên 4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ I, 10 Kỷ lục Việt Nam về dừa đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VIETKINGS chính thức công nhận là kỷ lục Việt Nam:
- Lễ hội dừa đầu tiên ở Việt Nam
- Ngày hội Ẩm thực có số lượng món ăn, thức uống được chế biến từ dừa nhiều nhất
- Bộ muỗng nĩa bằng gáo dừa lớn nhất
- Con đồi mồi bằng gáo dừa lớn nhất
- Bình trà bằng gáo dừa lớn nhất
- Tấm thảm bằng xơ dừa lớn nhất
- Bộ khay lễ bằng gỗ dừa lớn nhất
- Đôi trâu bằng chỉ dừa lớn nhất
- Viên kẹo dừa lớn nhất
- Chiếc bàn làm bằng gỗ dừa lớn nhất
|
![]() |
|
|
|
|
Một số sản phẩm Kỷ lục tại Lễ hội Dừa đầu tiên của Việt Nam
Thành công lớn nhất của Lễ hội Dừa, theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, là tạo được tiếng vang và có sức lan toả xa. Lễ hội Dừa lần I của tỉnh Bến Tre đã tạo được sự quan tâm, chú ý của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được kênh truyền hình Việt Nam VTV1 và VTV4 phát sóng ra liên tục trong và ngoài nước để không chỉ nhân dân cả nước mà cả kiều bào Việt Nam sinh sống trên khắp thế giới theo dõi.
Từ Lễ hội dừa đầu tiên đến nay, Bến Tre đã được tổ chức thêm 4 lễ hội vào các năm 2010, 2012 và 2015, đồng thời nâng tầm tổ chức lễ hội từ quy mô địa phương đến quy mô quốc gia. Năm 2019, Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V năm 2019 với chủ đề 'Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững' dự kiến sẽ diễn ra trong 05 ngày, từ 14/11 - 18/11/2019.