(THE STORY OF VIETKINGS) Từ những chiếc vỏ ốc vô tri vô giác, ông Lữ Ngọc Năm đã dùng cả tâm huyết, tài năng của mình để biến chúng thành những tác phẩm độc đáo. Giờ đây, nhiều sản phẩm của ông đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và ngày càng nổi tiếng trong cả nước. Ông Năm cũng chính là người khai sinh ra bộ môn nghệ thuật mới làm tranh bằng vỏ ốc "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam.
Ông Lữ Ngọc Năm (sinh năm 1953), trú tại phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đ��ợc biết, ông Năm là hành nghề y bốc thuốc chữa bệnh, tuy nhiên nhiều năm qua ông Năm bắt đầu say mê và sáng tạo tranh từ những con ốc biển lấp lánh sắc màu.
Cơ duyên đưa ông Năm đến việc làm tranh ốc rất tình cờ khi ông nhìn thấy những đứa trẻ con trong xóm đang chơi cờ vây bằng vỏ ốc ruốc. Với niềm đam mê tranh ảnh nghệ thuật, ông nhận ra những con ốc có màu sắc rất độc đáo, có nhiều giá trị tạo hình và nảy ra ý định dùng chúng để làm tranh.
Năm 2003 là năm đầu tiên nghệ nhân Lữ Ngọc Năm bắt đầu thử sức làm bức tranh đầu tiên mang tên Chùa Cầu. Ngày tác phẩm ra đời cũng là ngày thành công đến với ông ngoài sức tưởng tượng. Từng người thân trong gia đình, hàng xóm đều xuýt xoa khen ngợi sản phẩm đầu tay của "người nghệ sĩ mới".
Chính nhờ thành công ban đầu này đã giúp ông Năm có thêm động lực mạnh mẽ để nuôi dưỡng niềm đam mê làm tranh bằng vỏ ốc.
Hiện nay, bộ sưu tập tranh ghép bằng vỏ ốc của ông Năm đa dạng về số lượng và cả chất lượng. Các tác phẩm của ông làm về nhiều đề tài khác nhau nhưng đều có chung một chủ đề là tái hiện và tôn vinh các giá trị tốt đẹp biểu trưng, cốt lõi của con người, quê hương Quảng Nam.
Từ những vật tưởng chừng vô ích, qua bàn tay thiên phú và óc thẩm mỹ của mình, ông Lữ Ngọc Năm đã cho ra đời hàng chục bức tranh ốc với đủ mọi kích cỡ, chủ đề khác nhau. Mỗi chiếc vỏ ốc trên từng bức tranh đều chứa đựng tâm huyết, tình yêu nghệ thuật của người thầy thuốc già xứ Quảng.
Việc làm tranh ốc có thể nói là cả một hành trình tỉ mỉ và kiên trì bắt đầu từ khâu tìm nguồn nguyên liệu cho tới hoàn thành sản phẩm.
Ban đầu, để có vỏ ốc ghép tranh, ông Năm cùng gia đình đi vòng quanh xóm xem nhà nào có vỏ ốc thì gom về. Tuy nhiên do nhu cầu vỏ ốc làm tranh cần số lượng lớn nên nguồn nguyên liệu ban đầu chưa đủ, ông Năm tiếp tục tìm kiếm và nhờ những người thu mua phế liệu thu thập đem bán lại cho mình.
Có cả tấn vỏ ốc, ông bắt đầu cho vào bao ngâm dưới lòng sông một ngày một đêm cho sạch. Theo ông, đây là công đoạn quan trọng đầu tiên để nước sông làm sạch vỏ ốc. Sau khi cất công chà rửa, ông đem vỏ ốc phơi nắng thêm 2 ngày để khử sạch mùi tanh hôi còn lại. Cuối cùng, những vỏ ốc được đã được xử lý sạch sẽ đem đi phân loại theo kích cỡ và màu sắc để tiến hành ghép lên tranh.
Theo ông Lữ Ngọc Năm cho biết, không chỉ có yêu cầu khắt khe về nguyên liệu mà cả khi làm tranh cũng không giống như những loại hình tranh ảnh khác. Để tranh đẹp và hài hòa, vừa làm ông phải vừa ngồi xa vài mét để quan sát hình dáng, bố cục và màu sắc của bức tranh đang làm. Nếu có chỗ nào chưa ổn thì phải tháo ra sửa lại ngay, nếu keo bị khô phải đập cả vỏ ốc sẽ hỏng cả bức tranh.
Nhiều năm say mê làm tranh ốc, đến nay nghệ nhân Lữ Văn Năm đã cho ra đời hàng chục tác phẩm tranh ốc độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Do đặc thù việc ghép tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn nên tranh ốc của ông Năm làm ra có số lượng ít chứ không đại trà như nhiều dòng tranh khác.
Thưởng thức tranh của ông sẽ dễ dàng cảm thấy thân thuộc và bình dị bởi những đề tài ông chọn để làm tranh là chân dung, phong cảnh, các hoạt động văn hóa, sinh hoạt hằng ngày hay chỉ đơn thuần là những góc phố cổ Hội An.
Những đam mê và nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của ông Năm đã được trân trọng và tôn vinh khi tháng 5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập Kỷ lục cho nghệ nhân Lữ Ngọc Năm là Người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện tranh ốc nghệ thuật.
Một số tác phẩm của ông được công chúng trong lẫn ngoài nước biết đến rộng rãi và đón nhận như đền tháp Mỹ Sơn, Chùa Một Cột, Hương vị xưa, Mùa gặt, Biển cửa Đại, Nụ hôn, Vũ điệu tình yêu, Lối xưa, Vườn xuân...
Mặc dù đã nổi tiếng, được giới mộ điệu cái đẹp trong nước đánh giá cao và cũng đã có nhiều người chơi tranh tìm đến ông để hỏi mua nhưng ông chưa muốn bán đi những đứa con mà mình đã tốn nhiều công sức tạo dựng. Đối với ông, việc làm tranh ghép bằng vỏ ốc chính là sự đam mê đã thấm nhuần vào trái tim và các tác phẩm đều không thể quy đổi bằng vật chất.
Về định hướng tương lai phát triển dòng tranh do bản thân mình sáng tạo, ông Năm dự định sẽ dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật để giúp họ có thêm công ăn việc làm để dưa dòng tranh ghép bằng vỏ ốc đi theo hướng phát triển nhân văn, vì cộng đồng.