Kon Tum được thiên nhiên ban tặng với các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các thảm thực vật nhiệt đới phát triển, nhất là có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm được hình thành và phát triển. Đặc biệt, với đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ có độ cao từ 1.800m đến 2.800m, được xem như là "Nóc nhà của Tây Nguyên", nơi được thiên nhiên sản sinh ra sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, một loài sâm quý nhất của thế giới, có lợi ích rất tốt cho sức khỏe con người và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm Quôc gia, là báu vật của Quốc gia cần được bảo vệ, phát triển phục vụ quốc kế dân sinh, đưa sâm Việt Nam vươn ra thế giới.
Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần
Sâm Ngọc Linh thuộc dạng cây thảo, sống nhiều năm nhờ thân rễ, cao khoảng 40 – 60cm, có khi trên 1m. Thân rễ nạc, đường kính 1 – 3,5cm, chiều dài tùy theo số năm sinh trưởng, màu vàng nhạt hay màu vàng đất, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân lụi hàng năm để lại, mỗi vết tương đương với một năm tuổi. Cây sâm trồng có rễ củ phát triển hơn và thường có ba dạng: dạng củ cà rốt, dạng con quay và phổ biến là dạng một bó củ. Thân mọc thẳng đứng, màu xanh hoặc hơi tím, đường kính 5 – 8mm, thường rụng hằng năm sau mùa sinh trưởng. Đôi khi cũng có từ 2 – 3 thân vẫn tồn tại đến vài năm. Thân rễ có thể phân nhiều nhánh nhiều lần và hình thành một bụi sâm rất hiếm.
Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng như tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt nói trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.
Để góp sức mình vào quảng bá những giá trị Việt Nam thông qua những đặc sản, món ăn, quà tặng của đất nước, năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tập hợp tư liệu, hồ sơ, gửi danh sách đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á và trong số những danh sách đề cử, 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đã được công nhận giá trị đặc sản quà tặng châu Á. Vào ngày 29/10/2013, Sâm Ngọc Linh đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.