Hải sản luôn là sản vật quý giá nhất của dải đất duyên hải miền Trung. Những thớ cá ngon ngọt, tươi rói từ lòng biển không biết từ bao giờ đã trở thành món ăn đặc sản đầy tự hảo của người dân nơi đây. Khi nhắc đến Bình Định, người ta liền liên tưởng ngay đến món đặc sản Bánh canh chả cá Quy Nhơn bởi sự tinh tế và vị ngon đặc trưng của nó.
Đầu tiên phải kể đến "linh hồn” của món ăn này. Đó chính là chả cá. Người nấu tùy thích làm chả cá chiên hoặc hấp. Cá thu, cá mối, cá rựa... cắt lát mỏng, lột lấy da, xương, mô sụn để riêng... chỉ dùng nạc và phải để thật ráo. Cho vào cối giã quết từng ít một, quết bằng chày cối hay xay đi xay lại nhiều lần cho đến khi thử bằng cách cho một chút nạc cá vào giữa hai ngón tay cái và trỏ bóp lại rồi mở ra, thấy cá dính bết chắc lại là được. Sau khi có cá quết mịn rồi mới chia thành từng phần nhỏ để nêm trộn đều cứ mỗi kg cá với: hành lá cắt thật nhuyễn, lá thì là (tùy thích) băm nhuyễn, tiêu, nước mắm hoặc muối. Có thể cho thêm phụ gia gồm: mỡ gáy heo luộc chín cắt dạng hột thật nhỏ, trộn đều với đường, để qua chừng một giờ cho hột mỡ trở trong.
Việc nêm cá tùy loại cá sử dụng sẽ có độ mặn lạt khác nhau, sau khi nêm chỉ cần ngắt lấy một chút, thả vào nước sôi cho chín rồi nếm thử sau đó gia giảm thêm mắm muối hay phần nạc cá chưa nêm cho vừa ý riêng. Nếu cho hành lá vào cùng lúc với nạc cá để xay quết thì rất dễ chảy nhão. Người miền Trung rất ít khi làm chả cá có rau thì là, trong khi người Bắc luôn làm chả cá có rau thì là.
Phần nước dùng cũng được chế biến từ nguyên liệu vô cùng đặc biệt, đó chính là phần đầu cá. Chặt đầu cá thành miếng nhỏ, nấu với ít nước vừa đủ ngập cá cho đỡ hao củi lửa trước, cho thêm phần da, xương sụn (có được sau khi lấy nạc) vào nồi đầu cá, hầm nhỏ lửa cho đến khi đầu cá mềm rục, trong khi hầm nếu thấy cạn cứ châm thêm nước sôi vừa đủ cho lúc nào nước cũng sâm sấp cá. Nấu xong lược bỏ xác xương da qua một túi vải thưa cho nước sạch trong, rồi mới thêm nước sôi vào vừa đủ. Hành tím nướng sơ cho thơm, rửa sạch bụi than, thả vào nồi nước dùng. Tùy ý để nước dùng béo ít nhiều bằng cách vớt bỏ bớt mỡ cá trên mặt nước dùng. Tùy ý nêm lại nước dùng với chút muối vừa đủ đậm đà chứ không mặn.
Khác với cách người trong phố khi nấu bánh canh thường là nhúng bột bánh vào nồi nước lèo rồi vớt cho vào tô sau đó mới cho chả cá vào; người dân các vùng biển này lại nấu bánh canh theo kiểu thả trực tiếp những sợi bột bánh làm từ nguyên liệu gạo vào nồi nước lèo khi sôi đã có chả cá, lá hẹ xắt nhỏ, rồi nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm ít dầu hạt điều tạo màu đẹp mắt cho nồi bánh canh. Nồi nước ấy có kèm sẵn rất nhiều cá dằm nên vị ngọt ở đây rất đằm đậm.
Một thành phần quan trọng không thể thiếu là chén nước chấm mang hương vị: chua của chanh, ngọt của đường và vị cay cay của ớt tươi xay nhuyễn cùng với đĩa rau bày trí hấp dẫn, cực kỳ bắt mắt, được phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh tươi của rau xà lách, xanh đậm của rau thơm, rau ngò, rau quế, màu trắng nõn nà của những cọng giá đậu, màu tím sậm xen vàng của những sợi chuối chát và màu xanh ngọc của cọng rau muống được chẻ mỏng…
Từ hiệu quả của Hành trình Tìm kiếm, Quảng bá Đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần I vào năm 2012, năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục tiến hành đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á 10 món ăn đặc sản và 8 đặc sản quà tặng đặc sắc của Việt Nam. Vào ngày 12/11/2013, Bánh canh chả cá Quy Nhơn đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.