Hậu Giang là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây sông Hậu, thuộc châu thổ sông Cửu Long, phía Bắc tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Từ xa xưa, Hậu Giang đã được mệnh danh là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ và là nơi có nhiều loại cây ăn trái, thủy sản đa dạng … khởi nguồn cho nét văn hóa ẩm thực dân dã nhưng không kém phần đặc sắc của Hậu Giang hiện tại.
Nhắc đến ẩm thực Hậu Giang, không thể không nói đến loại trái cây đặc sản mang giá trị kinh tế cao, theo thời gian phát triển và giờ đây đã tạo nên thương hiệu đặc trưng cho vùng đất Hậu Giang ngày nay, đó chính là Khóm Cầu Đúc.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4, tháng 5. Nếu trồng bằng chồi thân thì 8 - 10 tháng xử lý ra hoa, còn nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa. Theo những người trồng khóm tại xã Hỏa Tiến thì khóm là loại cây ra hoa trong giai đoạn ngắn ngày. Vì vậy, việc xử lí ra hoa giúp rải vụ trong năm là điều cần thiết để tránh ứ đọng sản phẩm. Thông thường một vụ khóm kéo dài từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Cuối tháng hai đến đầu tháng ba âm lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch khóm rộ. Còn nếu xử lý trái vụ, khóm sẽ cho sản phẩm vào khoảng tháng 7, tháng 8. Cây khóm Cầu Đúc khi trưởng thành cao trên 1 mét, trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Do đặc thù của thổ nhưỡng nên khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không hư.
Khóm Cầu Đúc được tận dụng từ gốc đến ngọn mà không bỏ sót phần nào. Các sản phẩm từ khóm được người dân sáng tạo rất đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, mứt, kẹo, rượu, nước giải khát có ga… Lá khóm được dùng để chế biến thành sợi, bột giấy. Còn bã khóm tưởng là thứ vứt đi cũng được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.
Theo người dân ở đây thì bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của khóm: khóm ăn sống tráng miệng, mứt khóm, gà hấp khóm, la gu khóm... Ngoài ra, trái khóm còn là “linh hồn” của nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, canh chua khóm nấu với cá rô đồng hay khóm kho với cá he, cá trê, cá mè vinh…
Năm 2022, Tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức sự kiện công diễn và chế biến 100 món ăn từ Khóm Cầu Đúc. Sự kiện có sự tham gia của 156 đầu bếp được chia thành 52 đội thi tham gia công diễn và trình bày các món ăn. Với các món: gỏi, sốt, chiên, lẩu, kho, xào, um … được sắp xếp hợp lý theo từng combo thực đơn đã chuẩn bị.
Trong sự kiện này, tỉnh Hậu Giang vinh dự được xác lập Kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ Khóm nhiều nhất Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings trao tặng.
Chính bởi những giá trị đó, đầu tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tiếp tục hoàn thiện các bộ hồ sơ đề cử gửi đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á về việc công nhận giá trị Kỷ lục cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có các món ăn từ khóm Cầu Đúc. Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức công nhận các món ăn từ khóm Cầu Đúc đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.