HÀNH TRÌNH KHÔI PHỤC CHIẾC TRỐNG ĐỒNG ĐẦU TIÊN SAU HÀNG NGHÌN NĂM THẤT TRUYỀN
Theo lời kể của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, nghề đúc đồng của gia đình ông đã lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ. Bản thân ông thành công đến ngày hôm nay cũng là nhờ vào sự “truyền lửa” của người cha. Chính Cha đã truyền cho ông những kinh nghiệm và sự đam mê nghề đúc đồng truyền thống. Tuy nhiên, nghề này ở quê ông ngày càng bị mai một do nhiều yếu tố. Từ đó nhen nhóm trong ông mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông để lại.
Năm 1998, với số vốn ít ỏi dành dụm được, ông Châu khởi nghiệp với các món đồ đồng giả cổ và tích lũy vốn với mong muốn “khôi phục lại nghề đúc đồng”. Trong khoảng thời gian ấy, ông nảy sinh ý tưởng đúc lại trống đồng đã thất truyền. Cuộc hành trình với trống đồng của ông Nguyễn Bá Châu cũng bắt đầu từ đấy. Sau một thời gian không ngừng tìm tòi, học hỏi, sưu tập các họa tiết, hoa văn trống đồng ở các bảo tàng và những người buôn bán đồ cổ ở nhiều nơi, từ hình ảnh các trống đồng khai quật được ở nhiều nơi trong cả nước, ông Châu đã mạnh dạn làm thử trống đồng và đúc thành công vào năm 2000. Đây là chiếc trống đồng đầu tiên được thực hiện sau hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền. Chiếc trống đồng với chiều cao 12cm, đường kính 15cm sau đó đã được tặng cho UBND tỉnh Thanh Hóa. Cũng từ đây, nghề đúc đồng ở địa phương bắt đầu được khôi phục.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu bên những tác phẩm đúc đồng bằng phương pháp đúc thủ công
Tâm nguyện phải làm được điều gì đó cho quê hương, giúp bà con có thể vươn lên thoát khỏi đói nghèo, có thể làm giàu bằng chính nghề truyền thống của quê hương, ông Châu tự bỏ tiền túi đúc những sản phẩm độc đáo đem tặng các nơi để quảng bá. Khi sản phẩm bắt đầu có thị trường, ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mở lớp dạy nghề cho các học viên trong làng, xã. Nhờ tâm huyết của ông, nhiều học trò trong và ngoài xã đã thực sự trưởng thành. Sự thành công của chiếc trống đồng đã mở ra cho gia đình ông nói riêng và nghề đúc đồng ở địa phương nói chung bước sang một trang mới tươi đẹp hơn. Các con trai, con gái, dâu và rể của nghệ nhân Bá Châu cũng đều theo nghề của gia đình, trong đó, có anh Nguyễn Bá Quý (sinh năm 1987), tuy còn rất trẻ nhưng đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân và trở thành Kỷ lục gia Việt Nam giống cha mình.
Năm 2005, ông Châu bắt đầu nghiên cứu làm thế nào để trống đồng phát ra âm thanh như tiếng trống trận dân gian. Ông nghiên cứu độ dày, mỏng của mặt trống đồng để tạo ra các khoảng đàn hồi. Từ đó, trống đồng không chỉ có hình hài giống trống đồng cổ truyền mà còn có âm thanh trầm, vang vọng.
HAI CHA CON XÁC LẬP NHIỀU KỶ LỤC VIỆT NAM
Đến nay, cha con nghệ nhân Nguyễn Bá Châu - Nguyễn Bá Quý đã được xác lập nhiều Kỷ lục Việt Nam qua các năm trong lĩnh vực đúc đồng như:
- Trống đồng đánh ngang 2 mặt được đúc bằng phương pháp thủ công đầu tiên ở Việt Nam - Năm 2012
Chiếc trống được thực hiện từ tháng 8.2010 đến tháng 8.2011 với đường kính mặt 99cm, đường kính bụng 135cm, dài 145cm, nặng 613kg. Sau khi hoàn thành, chiếc trống đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và âm thanh.
Trồng đồng này hiện được đặt tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu bên chiếc Trống đồng đánh ngang 2 mặt được đúc bằng phương pháp thủ công đầu tiên ở Việt Nam
- Đôi tượng đồng phiên bản Cây đèn hình người quỳ lớn nhất - Năm 2016
Cặp tượng đồng phiên bản bảo vật quốc gia Cây đèn hình người quỳ thuộc nền văn hóa Đông Sơn bằng đồng được thực hiện theo phương pháp đúc đồng thủ công mỹ nghệ gia truyền. Trọng lượng mỗi tượng 177kg, cao 125cm, đường kính lớn nhất 143cm, bằng vật liệu đồng hợp kim. Cặp đèn hình người quỳ được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu hoàn thiện trong hơn 11 tháng cùng 6 cộng sự.

Đôi tượng đồng phiên bản Cây đèn hình người quỳ lớn nhất Việt Nam hiện được lưu giữ tại Chùa Đông Sơn (P. Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
- Phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất (Phá Kỷ lục) - Năm 2018
Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa cũng như tôn vinh kỹ thuật tài hoa của người nghệ nhân đúc đồng xưa, nghệ nhân Nguyễn Bá Quý thực hiện đúc chiếc trống đồng mô phỏng theo chiếc trống đồng Ngọc Lũ được làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Việc bắt tay vào sản xuất chiếc trống đồng bắt đầu từ rất nhiều công đoạn, ngoài việc chọn đất, pha chế theo tỉ lệ nhất định, một khâu quyết định khác là tạo hoa văn mô phỏng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ với kiểu chìm - nổi, gồm nhiều nét vẽ tượng trưng như 18 chim lạc, cảnh giã gạo, múa...

Hình ảnh phiên bản trống đồng Ngọc Lũ sau khi hoàn tất công đoạn đúc đồng
Sau hơn 6 tháng làm việc liên tục của 11 nghệ nhân, chiếc trống đã được hoàn thành với đường kính mặt trống lên tới 205cm, tang trống và chân trống có đường kính là 242cm với chiều cao lên tới 155cm và đạt trọng lượng lên tới hơn 2 tấn mang đầy đủ các đặc điểm của chiếc trống đồng Ngọc Lũ. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi. Mặt trống chính giữa đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi, chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 16 vành hoa văn. Vành 1, 5, 11 và 16: Những hàng chấm nhỏ. Vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14: Những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3: Những hàng chữ ∫ gẫy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16: Văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10: Hình người và động vật đi quanh ngôi sao theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Chiếc trống là sự kế thừa tinh xảo từ nhiều mặt của kỹ thuật đúc đồng xưa: từ hợp kim, cách đúc, thẩm mỹ trong thiết kế đến loại hình và bố cục hoa văn

Chiếc trống đồng do nghệ nhân Nguyễn Bá Quý chế tác phá vỡ kỷ lục cũ vào năm 2010 và xác lập nên Kỷ lục mới của Việt Nam vào tháng 4 năm 2018
- Người thực hiện đúc tượng Mẹ làm quà tặng Hội nghị cấp cao APEC 2017 với số lượng nhiều nhất - Năm 2018
Bằng tài năng của mình, hai cha con nghệ nhân Bá Châu - Bá Quý được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Đây là phiên bản bằng đồng của Công trình tượng "Mẹ và Những đứa con" chào mừng APEC 2017 bằng đá trắng xám đặt tại Đà Nẵng bắt nguồn từ ý tưởng của tác giả Ts.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI và nhóm cộng sự gồm Ông Lê Thanh Bình, Ông Đặng Huy Tuân - Viện Độc bản Việt Nam; Ông Lê Trần Trường An - Chủ tịch VietKings và họa sĩ điêu khắc Trần Văn Thức.
Tượng mẹ Âu Cơ được thiết kế đứng trước biển với 3 người con, tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. 1000 bức tượng được đánh số từ 0001 đến 1000 theo quy định của Viện Độc Bản Việt Nam. Tượng cao 30cm, nặng 2,6 kg/bức được đúc bằng 66% nguyên liệu đồng và vàng, 34% hợp kim.
Đây là món quà mang hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp của người Mẹ và câu chuyện lịch sử nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” của người Việt đến với các vị Nguyên thủ quốc gia và các vị lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên.

Hai cha con nghệ nhân Bá Châu - Bá Quý đón nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cùng các Kỷ lục gia tại Hội ngộ lần thứ 35 tại TP.HCM