[VIETKINGS-TOPPLUS đề cử lần 1/2023] TOP 500 Kỷ lục bất biến Việt Nam (P.1): Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – Thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam

04-10-2023

(kyluc.vn) Thư viện không phải là hiện tượng mới trong đời sống của người dân Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ XI, ở nước ta đã xuất hiện các thư viện đầu tiên - các tàng kinh nhưng tốc độ phát triển của các thư viện trong các thời kỳ sau này còn chậm, số lượng cũng không nhiều. Năm 1868, Thư viện các Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ được thành lập theo sắc lệnh của Phó Đô đốc Ohier. Đến năm 1882, Thư viện đổi tên thành Thư viện Tư liệu Chính phủ Nam Kỳ thuộc Pháp (Bibliothèque de Documentation du Gouvernement de la Cochinchine Francaise) và trở thành thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam.

Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 69 đường Lý Tự Trọng với bốn mặt tiền giữa trung tâm quận 1. Được thành lập năm 1868, tiền thân là Thư viện của các Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, ngày 14/4/1978 thư viện chính thức có tên gọi Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Năm 1868, Thư viện các Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ (hay Thư viện Soái phủ Nam Kỳ) được thành lập theo sắc lệnh của Phó Đô đốc Ohier. Năm 1882, Thư viện đổi tên thành Thư viện Tư liệu Chính phủ Nam Kỳ thuộc Pháp (Bibliothèque de Documentation du Gouvernement de la Cochinchine Francaise) và trở thành thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam.

 

 

Đến năm 1902, thư viện được đổi tên thành Thư viện Nam Kỳ (tiếng Pháp: Bibliothèque de la Cochinchine), còn gọi là Thư viện Sài Gòn (tiếng Pháp: Bibliothèque de Saïgon), cơ sở đặt tại cánh trái của Văn phòng Thư ký Chính phủ Nam Kỳ tại địa chỉ số 27 đường De La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Tính đến năm 1909, vốn tài liệu của Thư viện Sài Gòn đã đạt 10.000 tập sách về các chủ đề: luật pháp, khoa học, lịch sử và văn học, cùng với số lượng báo và tạp chí. Năm 1919, thư viện chuyển sang địa chỉ số 34 đường De La Grandière, và được Pháp trao lại cho Chính phủ lâm thời Việt Nam, đến năm 1949 được đổi tên là Thư viện Nam phần. Thời điểm này thư viện có 56.000 tập sách, chủ yếu là sách tiếng Pháp, và 470 nhan đề. Theo báo cáo gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc vào năm 1950, Thư viện Nam phần có gần 70.000 tập sách, trong đó có phần vốn tài liệu tiếng Trung mới nhập. Đây là nơi nhận lưu chiểu các tài liệu xuất bản ở miền Nam Việt Nam. Tháng 5 năm 1955, vốn tài liệu gồm 17.000 quyển sách quý, một nửa số sách báo thời thuộc địa và 35.000 tài liệu lưu chiểu của Tổng Thư viện tại Hà Nội được chuyển vào miền Nam, lập thành Tổng Thư viện thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Đến năm 1957, Tổng Thư viện chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 13 tháng 4 năm 1959, chính quyền ra quyết định thành lập Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia (đổi tên từ Thư viện Nam phần trước đó). Thư viện Quốc gia có phòng đọc tại địa chỉ số 34 Gia Long, phòng cho mượn tại số 194D Pasteur; còn Tổng Thư viện thì đặt cơ sở tại trường Pétrus Ký trên đường Trần Bình Trọng.

 

 

Dự án xây dựng tòa nhà Thư viện Quốc gia mới đã được Ngô Đình Diệm khởi động từ năm 1955, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đã bị hoãn lại. Để có đủ kinh phí xây dựng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phải mở đến 4 kỳ xổ số. Đến ngày 28 /12/1968, công trình mới được khởi công xây dựng tại số 69 Gia Long, tức vị trí Khám Lớn Sài Gòn cũ, theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện. Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972. Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng, nhà thầu xây cất phải dùng tới 100.000 công thợ, 500 tấn sắt và 27.000 bao xi măng ròng rã 3 năm công việc xây cất mới hoàn thành với diện tích 7070 m2 bao gồm hai khối: Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu, một sân thượng ở lầu hai; Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43m, chứa tài liệu. Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.

 

Hình ảnh Thư viện Quốc gia trên tem bưu chính phát hành năm 1974
 

 

Sau 30/04/1975, Thư viện Quốc gia Sài Gòn đổi tên thành Thư viện Quốc gia II trực thuộc Bộ Văn hóa theo quyết định số 1018/VH/QĐ ký ngày 01/11/1976. Thư viện đã tiếp nhận được nguồn bổ sung tài liệu phong phú của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, Thư viện kết nghĩa Hòa Bình. Ngày 14/04/1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 57/QĐ/UB đổi tên Thư viện Quốc gia II thành Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

 

Xe thư viện lưu động hồi còn mang tên Thư viện Quốc Gia II (Ảnh: Tư liệu của Thư viện KHTH)

 

Không tính báo, tạp chí, tài liệu cổ in trên da, ấn bản phim, sách nói dành cho người kiếm thị…, chỉ riêng sách thì thư viện đã có hơn nửa triệu ấn phẩm, trong đó có nhiều tài liệu quý như bộ sưu tập khá đầy đủ xuất bản phẩm in ở Ðông Dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; các tài liệu xuất bản trong vùng tạm chiếm, những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có những cuốn in bằng chữ Nho và Pháp ngữ đã ngót ngét 300 năm cực kỳ giá trị vì nó là độc bản. Ngày nay, bên cạnh mỗi bạn đọc, ngoài sách báo còn có cả máy tính xách tay, điện thoại thông minh để có thể chụp lại một hình ảnh hoặc một đoạn văn mà họ thích. Phòng đọc bây giờ sang hơn xưa, có phòng riêng dành cho doanh nhân, phòng nghiên cứu sinh, phòng nghe, xem tài liệu bằng thiết bị điện tử.

 

 

Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM luôn giữ vững vị trí là một trong những thư viện có lượt bạn đọc nhiều nhất khu vực phía Nam với trung bình mỗi năm có khoảng 1.400.000 lượt bạn đọc và cấp thẻ cho gần 34.000 bạn đọc.  Với lịch sử hình thành lâu đời, thư viện này là vườn ươm kiến thức cho biết bao thế hệ sinh viên, trí thức, góp phần làm ra biết bao đề tài nghiên cứu, luận văn... Không gian, hàm lượng tri thức của thư viện này đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân và giới nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh và của cả nước.

 

------------------------------------------------------------------------------------------

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó, Trung tâm TOP Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vào TOP 500 Kỷ lục bất biến Việt Nam: "Thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 500 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 500 Kỷ lục bất biến Việt Nam

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 

Trung tâm TOP Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings)


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)