Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập Kỷ lục Người chơi được nhiều loại đàn môi nhất cho chàng trai tài năng Đặng Văn Khai Nguyên. Cổng Thông tin kỷ lục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Khai Nguyên xung quanh chuyện sử dụng “chiếc Đàn tỏ tình” của các thanh niên dân tộc vùng cao Việt Nam này:
Chào anh, được biết anh là một trong số những môn sinh ưu tú về Đàn môi của GS.TS Trần Quang Hải, anh cho biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với Thầy Hải và anh đã học “nghề” này trong bao lâu?
Đặng Văn Khai Nguyên: Cơ duyên đến với Đàn môi của tôi cũng rất tình cờ, khoảng 6 năm trước tôi được xem một chương trình Văn hoá nghệ thuật trên đài truyền hình, có giới thiệu GS.TS Trần Quang Hải từ Pháp về Việt Nam biểu diễn nghệ thuật Đàn môi và đánh muỗng, tôi rất ấn tượng những loại hình âm nhạc dân tộc độc và lạ này. Tôi tự tìm mua 2 cây Đàn môi H'mông đầu tiên để tập chơi và thời gian ngắn sau đó, tôi trực tiếp liên lạc qua email với GS.TS Trần Quang Hải để nhờ sự hướng dẫn chuyên môn và được ông hướng dẫn rất nhiệt tình, đồng thời nhận tôi làm học trò. Từ đó, hai thầy trò thường xuyên trao đổi với nhau qua email và các video clip hướng dẫn và thực hành, tính đến nay đã được 5 năm.
Màn biểu diễn đàn môi mang tên “Sơn ngôn” của Đặng Văn Khai Nguyên - Kỷ lục gia Việt Nam với kỷ lục Người chơi được nhiều loại đàn môi nhất.
Trước khi học Đàn môi, anh có học qua những loại Đàn nào chưa?
Đặng Văn Khai Nguyên: Như đã nói ở trên, cái duyên đến với Đàn môi của tôi thật sự tình cờ, vì từ trước tôi không theo đuổi bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào cũng như chơi một loại nhạc cụ nào khác.
Hiện nay anh chơi được tất cả bao nhiêu loại Đàn môi?
Đặng Văn Khai Nguyên: Hiện tại tôi chơi được hơn 25 loại Đàn môi của Việt Nam và trên thế giới, tiêu biểu nhất là Đàn môi H'mông Việt Nam, Đàn môi Morchang của Ấn Độ, Khomus của Yakutia-Nga, Karinding của Indonesia, Maranzano của Italia...
Vậy theo anh Đàn môi nào khó chơi nhất? Đàn nào là dễ chơi nhất?
Đặng Văn Khai Nguyên: Theo đánh giá chung của những người chơi Đàn môi thì Đàn môi đồng Kou Xiang của Trung Quốc là loại khó chơi nhất, ngoài ra còn có Đàn môi tre. Còn loại Đàn dễ chơi nhất có lẽ là Đàn môi H'mông Việt Nam, loại Đàn này nhỏ gọn, đặt lên miệng khảy là có thể tạo ra âm thanh, rất dễ tập chơi.
Vậy trước đây, Đàn môi chủ yếu được dùng như một phương tiện tỏ tình của các chàng trai cô gái ở vùng cao, thì ngày nay loại nhạc cụ này được sử dụng như thế nào?
Đặng Văn Khai Nguyên: Hiện nay một số nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp dùng Đàn môi để độc tấu hay hòa tấu với những nhạc cụ khác, ứng dụng Đàn môi trong âm nhạc điện tử, lồng tiếng, nhạc nền cho phim..sử dụng Đàn môi đang dần phổ biến hơn trước.

GS.TS Trần Quang Hải và trò cưng (Ảnh FB)
Đàn môi thường hòa tấu với các loại nhạc cụ nào?
Đặng Văn Khai Nguyên: Ở Việt Nam, những người nghệ sĩ đã chuyển hóa và làm mới âm thanh của Đàn môi qua việc kết hợp với những nhạc cụ dân tộc khác để tạo một giai điệu mới lạ, hấp dẫn. Còn trên thế giới thì từ lâu Đàn môi được trình diễn độc tấu, song tấu hay tập thể, ngoài ra còn kết hợp với những nhạc cụ hiện đại như: trống, piano, organ, violon, didgeridoo (một loại sáo châu Úc) Hang (trống làm bằng kim thép), Beatbox (trống miệng)…
Anh chơi Đàn môi theo bài bản có sẵn (của nhạc sĩ sáng tác) hay tự phát từ cảm hứng của mình?
Đặng Văn Khai Nguyên: Hiện nay tôi vẫn chưa tìm được một bản nhạc nào dành riêng cho Đàn môi, mà Đàn môi chỉ được kết hợp với một số những nhạc cụ khác để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
Hiện tại anh có tất cả bao nhiêu loại Đàn môi trên thế giới?
Đặng Văn Khai Nguyên: Về số lượng Đàn môi, hiện tôi có 600 cây Đàn (gọi là “cây Đàn” nhưng thực ra cây Đàn lớn nhất chỉ chừng 2 gang tay và cây nhỏ nhất chỉ bằng ngón tay út hoặc nhỏ hơn nữa), trong đó có hơn 100 cây của 25 nước trên thế giới (trên tổng số 30 nước có Đàn môi).

Bộ sưu tập đàn môi của Khai Nguyên
Nguyên nhân nào đưa anh đến với khán giả nước ngoài ở Italia, Nga? Cảm xúc của họ như thế nào khi nghe anh biểu diễn?
Đặng Văn Khai Nguyên: Qua một số thông tin từ báo chí, tôi có cơ hội được tập luyện một số tiết mục có Đàn môi trong chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam ở sự kiện triển lãm thế giới Expo Milano 2015. Ngoài ra do có kỹ thuật chơi Đàn môi Khomus (Yakutia-Nga) theo đúng truyền thống người Yakutia nên tôi đã được mời góp mặt vào một số chương trình truyền hình và báo chí của đất nước Italia, Nga. Khi biểu diễn xong, những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả đã nói lên tất cả tình cảm mà họ đối với tôi cũng như tiếng đàn môi.

Đặng Văn Khai Nguyên trong một lần biểu diễn đàn môi (Ảnh Internet)
Nắm vững những nguyên tắc kỹ thuật, nghệ thuật của Đàn môi, anh đã chế tạo ra những chiếc Đàn môi nào của riêng anh chưa?
Đặng Văn Khai Nguyên: Hiện tại tôi đã sáng tạo ra được các loại Đàn môi tre với đủ kỹ thuật chơi là "Khảy", "Gõ" và "Giật dây". Tôi là nghệ nhân Đàn môi đầu tiên trên thế giới sáng chế và thực hành thành công loại Đàn môi tre có từ 1 đến 4 lưỡi, ngoài ra còn tạo thêm một số loại Đàn môicó hai đầu (Đàn môi hai đầu với hai kỹ thuật chơi khác nhau) và Đàn môi tre bé bằng đầu đũa…Cũng xin nói thêm, vừa qua một Viện Bảo tàng chuyên Sưu tập các loại Đàn môi trên thế giới (đặt tại Nga) có lời mời tôi gửi vào Bảo tàng ấy một bộ Đàn môi tre do tôi sáng chế. Có lẽ trong năm nay, Bộ Đàn môi tre của tôi sẽ hiện diện ở một khu trưng bày nào đó của Bảo tàng này.
Khai Nguyên nhận bằng xác lập kỷ lục Việt Nam trong Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 31
Cho biết cảm tưởng khi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người chơi được nhiều loại Đàn môi nhất”?
Đặng Văn Khai Nguyên: Tôi thật sự vui mừng vì những cố gắng của mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu và chơi được nhiều loại Đàn môi đã được cộng đồng người yêu nhạc, yêu văn hóa truyền thống Việt Nam biết đến. Xin chân thành cảm ơn người Thầy yêu quý của tôi là GS.TS Trần Quang Hải đã hướng dẫn, dìu dắt tôi để tôi có được ngày hôm nay. Cám ơn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu, thẩm định để công nhận kỷ lục Việt Nam cho tôi với danh hiệu: “Người chơi được nhiều loại Đàn môi nhất”.

Cám ơn tài năng trẻ, chúc anh luôn vui khỏe và thành công trên bước đường nghệ thuật.